Vì sao ngư dân chưa tiếp cận được vốn đóng tàu?

Nghị định 67 của Chính phủ được kỳ vọng là giải pháp mang tính đột phá nhằm hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu, vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, sau 4 tháng nghị định được ban hành, vẫn chưa có ngư dân nào được vay vốn đóng tàu. Tại sao lại có tình trạng này?

(SGGPO). - Nghị định 67 của Chính phủ được kỳ vọng là giải pháp mang tính đột phá nhằm hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu, vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, sau 4 tháng nghị định được ban hành, vẫn chưa có ngư dân nào được vay vốn đóng tàu. Tại sao lại có tình trạng này?

Sáng nay, 19-11, trao đổi với phóng viên SGGPO, ông Lê Trung Thành, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư - Phát triển Việt Nam (BIDV), một trong những đơn vị chủ lực thực hiện chính vay cho vay ưu đãi theo Nghị định 67 cho biết: Đến nay, các bộ, ngành đã triển khai khá tích cực Nghị định 67 với hơn 10 văn bản hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên vẫn có sự chậm trễ nhất định. 

“Như vậy, tiến trình triển khai Nghị định 67 chưa được liền mạch. Tại địa phương, công tác triển khai đang ở mức rà soát, xác định, điều chỉnh danh sách dự án đầu tư ưu tiên thuộc ngân sách trung ương để báo cáo cấp trung ương phân bổ ngân sách. Đối với chính sách tín dụng, phần lớn các tỉnh đang dừng ở khâu hoàn thành việc lên và thẩm định danh sách các ngư dân được tham gia chương trình” – ông Lê Trung Thành nhận định.

Triển khai chính sách cho vay ưu đãi đóng mới, nâng cấp tàu, các ngân hàng thương mại đã công bố các gói tín dụng với quy mô lớn như: Agribank trích 5.000 tỷ đồng, BIDV 3.000 tỷ đồng, VietinBank 3.000 tỷ đồng, MHB 2.000 tỷ đồng, Vietcombank 1.000 tỷ đồng. Đồng thời các ngân hàng cũng chủ động trong công tác chuẩn bị để có thể nhanh chóng đưa vốn đến tay ngư dân.

Với BIDV, ông Lê Trung Thành cho biết: “Hiện chúng tôi đã hoàn thiện quy trình, hướng dẫn thủ tục cho vay đối với khách hàng theo tinh thần là ngắn gọn, đơn giản”. BIDV cũng chỉ đạo các chi nhánh chủ động bám sát, làm việc với UBND tỉnh, thành phố để đăng ký kế hoạch cấp tín dụng trung dài hạn đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định 67 trên cơ sở số lượng tàu được Bộ NN-PTNT phân bổ cho 28 tỉnh, thành phố. Các cán bộ của BIDV đã trực tiếp xuống một số địa bàn, tiếp xúc với ngư dân để chủ động nắm tình hình thực tế, xác định được danh sách các trường hợp đủ điều kiện vay.

“Đến nay các công việc chuẩn bị của BIDV đã sẵn sàng, chỉ cần có văn bản phê duyệt của cấp tỉnh là phía BIDV sẽ lập tức giải ngân, cấp vốn cho các hộ dân này” – ông Lê Trung Thành khẳng định.

Từ thực tế chậm trễ trong triển khai Nghị định 67, ông Lê Trung Thành cho rằng, có thể xác định 2 vấn đề lớn, có tính bao trùm ảnh hưởng đến toàn bộ tiến độ và hiệu quả triển khai Nghị định 67.

Thứ nhất là sự phối hợp giữa các bên. Để chương trình được triển khai thành công, cần sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa 4 bên: ngư dân, hiệp hội nghề cá; các bộ ngành; chính quyền địa phương; các ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm. Nếu sự phối hợp này không tốt có thể dẫn đến có khoảng cách không nhỏ giữa các tiêu chuẩn cho vay của các ngân hàng và tiêu chí xét duyệt của các cơ quan nhà nước. Điều này khiến ngân hàng mất thêm giời gian để thẩm định lại hồ sơ vay của ngư dân, thời gian đồng vốn đến được tay người dân sẽ bị kéo dài. Việc có ngân hàng tham gia hỗ trợ cũng sẽ giúp chính quyền địa phương xét duyệt, lựa chọn tốt hơn các đối tượng vào danh sách.

Thứ hai, theo đánh giá khách quan đánh bắt cá xa bờ vẫn là ngành rủi ro đối với các ngân hàng và công ty bảo hiểm. Vì thế, có tâm lý e dè đối với các ngân hàng thương mại khi xem xét cho vay. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước quy định các điều kiện, hồ sơ, quy trình thẩm định cho vay không khác nhiều so với cho vay thương mại thông thường. Bản thân các ngân hàng, công ty bảo hiểm cũng cần phải hết sức thận trọng trong công tác theo dõi khoản vay và kịp thời hỗ trợ ngư dân trong trường hợp gặp khó khăn.

“Nếu công tác này không được thực hiện tốt, hiệu quả của chương trình có khả năng đạt mức thấp” – ông Lê Trung Thành cảnh báo.

Để đẩy nhanh việc triển khai Nghị quyết 67 trong thời gian tới, ông Lê Trung Thành cho rằng, cần xem xét ban hành cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương, ngân hàng, hiệp hội nghề cá, ngư dân... Theo đó, các ngân hàng được tham gia cùng chính quyền địa phương trong toàn bộ các khâu từ xây dựng tiêu chí xét duyệt, rà soát hồ sơ của ngư dân xin xét duyệt, và thẩm định hồ sơ. Các bộ ngành, UBND các cấp, hiệp hội nghề cá phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tối đa cho các ngân hàng trong công tác theo dõi và giám sát khoản vay; thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động sử dụng tiền vay của ngư dân chung của các bên...

“Chúng tôi cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cung cấp bảo lãnh tín dụng 100% đối với các khoản vay của ngân hàng thương mại trong chương trình. Nghiên cứu cơ chế xử lý nợ xấu và nợ có nguy cơ thành nợ xấu riêng đối với lĩnh vực cho vay các hộ ngư dân đánh bắt xa bờ” – ông Lê Trung Thành nói thêm.

HÀM YÊN

>> Hỗ trợ ngư dân ở mức cao nhất

>> Ngư dân vẫn chưa tiếp cận được vốn đóng tàu vỏ sắt

>>  Triển khai Nghị định 67: 21 mẫu tàu mới cho ngư dân

Tin cùng chuyên mục