Trách nhiệm của nhà phân phối

Lâu nay, siêu thị được xem là nơi cung cấp những sản phẩm an toàn, có chất lượng. Ngoài việc mua hàng theo dạng “một cửa” thì các siêu thị là nơi có tiềm lực, điều kiện để kiểm soát chất lượng hàng hóa tốt hơn so với tiểu thương bán lẻ tại các chợ. Nhưng thời gian qua nhiều mặt hàng không an toàn nhưng vẫn bày bán trên các quầy kệ, đại diện một số siêu thị cho rằng, họ luôn chấp hành nghiêm quy trình thu mua hàng hóa từ những nhà phân phối có đầy đủ giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Hơn nữa bản thân các siêu thị cũng chủ động kiểm tra chặt chẽ đầu vào của những sản phẩm này. Vấn đề đặt ra là tại sao thực phẩm kém chất lượng vẫn vào được siêu thị?

Có thể nói những năm gần đây, cạnh tranh trong lĩnh vực siêu thị ngày càng gay gắt. Để “lôi kéo” khách hàng, mỗi hệ thống siêu thị có chiến lược kinh doanh, slogan riêng. Bên cạnh đó, “cuộc chiến” về giá bán cũng đang diễn ra rất quyết liệt. Phó Tổng giám đốc phụ trách khâu mua hàng của một hệ thống siêu thị lớn tại TPHCM từng thốt lên: “Chúng tôi không thể hiểu được vì sao “đối thủ” của mình lại có thể bán nhiều mặt hàng với giá rẻ như thế?”.

Người tiêu dùng tỏ ra am hiểu lại cho rằng: “Hàng rẻ là hàng ôi, hàng kém chất lượng!”, bởi lẽ cùng một mặt hàng bán trong siêu thị thì không thể có chuyện chênh nhau từ 5.000 - 7.000 đồng/kg. Các chuyên gia thị trường lại lo lắng, nếu các siêu thị cứ đi theo con đường cạnh tranh về giá rẻ, sẽ rất khó thúc đẩy sản xuất phát triển, vì chỉ khi nào nhà phân phối “bắt chẹt” nhà sản xuất hoặc nữa là bán hàng kém phẩm chất thì mới có hàng giá rẻ…

Riêng chúng tôi cho rằng, một hệ thống siêu thị kinh doanh lành mạnh, đó là phải dung hòa, đảm bảo sự bình đẳng 3 bên “nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng”, không thể xem nặng quyền lợi của khách hàng mà “ép” nhà sản xuất như một số siêu thị đã và đang làm.

Có lẽ chưa bao giờ các nhà bán lẻ đang nắm trong tay nhiều “quyền lực” như hiện nay. Thông thường, quyền phải đi liền với trách nhiệm. Hơn lúc nào, người tiêu dùng đang rất cần các nhà phân phối hãy thể hiện trách nhiệm của mình trước cộng đồng, xã hội thông qua việc tổ chức mạng lưới thu mua những sản phẩm có chất lượng và nói không với mặt hàng kém chất lượng. Trong quá trình kinh doanh mà xảy ra những vụ việc đáng tiếc về chất lượng, các nhà phân phối cũng cần mạnh dạn nhận khuyết điểm về mình, không nên đẩy trách nhiệm cho nhà cung cấp.

Trong nền kinh tế thị trường, ai nắm hệ thống phân phối người đó có quyền quyết định đến sản xuất. Các nhà phân phối hãy sử dụng quyền lực vào đúng nơi, đúng chỗ nhằm góp phần tạo dựng một nền kinh tế hàng hóa lành mạnh. Với người tiêu dùng, hãy thể hiện sự thông minh hơn trong quá trình chọn mua hàng hóa  nhằm bảo vệ sức khỏe gia đình.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục