Xúc tiến thương mại vào Campuchia

Những năm trước đây, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Campuchia luôn đạt mức tăng trưởng ấn tượng, nhưng từ năm 2014 tình thế thay đổi rất nhanh, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt vào đây giảm 8,7% so với năm 2013, chỉ đạt 2,66 tỷ USD.
Xúc tiến thương mại vào Campuchia

Những năm trước đây, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Campuchia luôn đạt mức tăng trưởng ấn tượng, nhưng từ năm 2014 tình thế thay đổi rất nhanh, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt vào đây giảm 8,7% so với năm 2013, chỉ đạt 2,66 tỷ USD.

Người dân Campuchia chọn mua các sản phẩm sấy khô của Công ty CP XNK Nhà Bè giới thiệu tại Ho Chi MInh City Expo 2014. Ảnh: HẢI HÀ

Thị trường tiềm năng

Khai phá thị trường Campuchia đã 5 năm qua, hiện Công ty TNHH Nệm Ưu Việt có 5 đại lý phân phối chính thức tại Phnom Penh và các tỉnh Siem Riep, Battambang, Sihanoukville, mỗi nơi đều có cửa hàng trưng bày độc quyền sản phẩm của Ưu Việt. Đầu tháng 4 tới đây, nệm Ưu Việt sẽ có mặt ở Hội chợ triển lãm Ho Chi Minh City Expo 2015 tại Battambang (do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM - ITPC tổ chức từ ngày 1-4 đến 5-4) nhằm mở rộng thị trường khu vực Tây Bắc Campuchia.

Ông Liêu Vĩnh Cường, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nệm Ưu Việt, chia sẻ, các mặt hàng đang kinh doanh tốt tại Campuchia là nệm lò xo và nệm cao su khoa học. Tăng trưởng xuất khẩu của nệm Ưu Việt nhiều năm qua tại Campuchia là 10%/năm.

Vùng Tây Bắc Campuchia nói chung và tỉnh Battambang nói riêng là khu vực tương đối đông dân. Tỉnh Battambang có dân số đứng thứ hai tại Campuchia sau Phnom Penh. Tỉnh Siem Reap là trung tâm du lịch quốc tế lớn, với lượng khách khoảng gần 3 triệu lượt người/năm. Vì vậy, nhu cầu tiêu dùng của hai tỉnh này tương đối lớn. Nhiều DN xuất khẩu vào Campuchia khẳng định, cho dù cạnh tranh gay gắt với hàng Thái Lan và Trung Quốc nhưng độ phủ của hàng Việt Nam tại Campuchia vẫn tăng trưởng. Xuất khẩu vào Campuchia cũng “dễ thở” hơn so với nhiều thị trường xa xôi khác.

Ông Nguyễn Văn Công, phụ trách xuất khẩu Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Quang Minh cho biết, người dân Campuchia chuộng nhiều loại nước giải khát Bidrico, đặc biệt nước yến ngân nhĩ Bidrico có mặt khắp các tỉnh ở Campuchia trong cả kênh chợ, tiệm tạp hóa và siêu thị. Nhưng Tân Quang Minh vẫn không ngừng tìm kiếm các cơ hội xúc tiến, thông qua các kỳ hội chợ để hỗ trợ đại lý địa phương quảng bá thương hiệu, phát triển thêm điểm bán mới. Tham gia hội chợ tại Battambang sắp tới, Tân Quang Minh sẽ giới thiệu hai sản phẩm mới là nước uống bổ sung vitamin và nước chanh muối uống liền. Công ty sẽ khảo sát kỹ thị trường Tây Bắc Campuchia để tìm kiếm nhà phân phối, đưa các mặt hàng này vào kênh tiêu thụ.

Công ty CP Thực phẩm Hồng Phú đã xuất nước mắm và các loại nước chấm sang Lào, Campuchia, Philippines, Malaysia. Ở Campuchia, sản phẩm nước mắm Thái Long và Kabin của Hồng Phú được bày bán trong siêu thị Lucky do một khách hàng nhập khẩu. Tham gia hội chợ lần đầu tiên ở Battambang, Công ty CP thực phẩm Hồng Phú mới chính thức quảng bá trên thị trường Campuchia với mục tiêu tìm kiếm đối tác phân phối lớn ở cả hai kênh truyền thống (chợ, tiệm tạp hóa) và hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi).

Bà Nguyễn Thị Thi Thơ, chuyên viên bán hàng quốc tế của Hồng Phú cho biết, tham gia hội chợ lần này sẽ giúp công ty thực hiện tốt hơn việc khảo sát thị trường Battambang và các tỉnh vùng Tây Bắc Campuchia.

Hỗ trợ DN tìm kiếm cơ hội

Theo Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang, các loại hàng hóa có mức tiêu thụ tốt tại khu vực Tây Bắc Campuchia là hàng tiêu dùng gia đình; nguyên vật liệu xây dựng; đồ nội thất; hàng điện lạnh; máy móc phục vụ nông nghiệp; thức ăn chăn nuôi; giống, thuốc bảo vệ cây trồng và vật nuôi. Hàng hóa xa xỉ, mỹ phẩm, đồ may mặc, đồ da... cao cấp (hàng hiệu) chưa được sử dụng phổ biến.

Ở Tây Bắc Campuchia, giao thông đi lại tương đối xa, các doanh nghiệp Việt Nam chưa có mức độ đầu tư thích đáng, nên hàng hóa Việt Nam chưa phong phú, chủ yếu là hóa mỹ phẩm, bánh kẹo, mì gói, bánh phở, miến khô... Các mặt hàng này tuy còn ít nhưng đã đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng của Campuchia. Nếu xúc tiến mạnh mẽ, đầu tư vận chuyển hàng hóa cùng với việc cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, nhiều khả năng hàng hóa của Việt Nam chiếm phần lớn thị phần khu vực Tây Bắc Campuchia.

Từ khuyến nghị của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang, trong kế hoạch triển khai hội chợ, ITPC sẽ tổ chức cho các doanh nghiệp khảo sát hoạt động kinh doanh tại hai cửa khẩu quốc tế giữa Thái Lan và Campuchia là cửa khẩu Poipet (thuộc TP Poipet, tỉnh Banteay Meanchey) và cửa khẩu Doong (huyện Kanreang, tỉnh Battambang), để tìm hiểu thị trường và nghiên cứu hướng khai thác cho hàng hóa Việt Nam tại khu vực này. Tổng lãnh sự quán Việt Nam cũng sẵn sàng giúp doanh nghiệp tìm hiểu những thuận lợi, khó khăn trong quá trình đầu tư sản xuất hay phát triển kinh doanh tại khu vực Tây Bắc Campuchia, từ đó xây dựng chiến lược kinh doanh, quảng bá thương hiệu.

Để đạt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Campuchia đạt 5 tỷ USD vào cuối năm 2015, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn, thì việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại tại Campuchia là rất cần thiết.

Tham tán thương mại Việt Nam tại Campuchia đã đề xuất cần tăng cường hơn nữa sự hợp tác chặt chẽ trong thực hiện các thỏa thuận, cam kết về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước; rà soát tháo gỡ các rào cản thương mại góp phần tạo lập môi trường kinh doanh tại Campuchia theo hướng ổn định, minh bạch và an toàn hơn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Quyết liệt ngăn chặn các hình thức xuất nhập khẩu trái phép, hàng lậu, hàng giả gây ảnh hưởng tới thị trường của mỗi nước. Bên cạnh thương mại hàng hóa, các lĩnh vực dịch vụ (như du lịch, vận tải, y tế, khách sạn…) tại Campuchia rất có tiềm năng nên doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đúng mức.

THÚY HẢI - VÂN KHÁNH

Tin cùng chuyên mục