Thêm một dự án thép “tỷ đô” bên bờ phá sản

(SGGP).- Nguồn tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa cho biết, Tập đoàn E-United, chủ đầu tư của dự án Thép Guang Lian (đặt tại Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi) đã chính thức có văn bản thông báo việc không thể thu xếp tài chính cho dự án. Vậy là tuy các thủ tục cuối cùng chưa được thực hiện, đến thời điểm này, dự án thép có nguy cơ phá sản rất cao, mặc dù hồi tháng 3 vừa qua chủ đầu tư đã xin giảm quy mô từ 3 tỷ USD xuống còn 2 tỷ USD, đồng thời xin phân kỳ đầu tư thành 4 giai đoạn.

Dự án Thép Guang Lian chính thức được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2006, đầu tiên cho Tập đoàn Tycoons (Trung Quốc), sau đó có thêm sự tham gia của E-United (Đài Loan). Trải qua 4 lần đổi giấy chứng nhận đầu tư, dự án Guang Lian đã dừng triển khai xây dựng từ năm 2010 để xin nâng vốn đầu tư từ 3 tỷ USD lên 4,5 tỷ USD. Trong lúc còn chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, đầu năm 2012, E-United và JFE - một trong những tập đoàn thép hàng đầu thế giới, có trụ sở chính tại Nhật Bản - đã ký thỏa thuận hợp tác để cùng triển khai dự án này. Thế nhưng sau hơn 2 năm nghiên cứu, tháng 9-2014, JFE tuyên bố rút khỏi dự án, buộc E-United tiếp tục một mình xoay xở. Tháng 3-2015, E-United đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư lần thứ 5 cho dự án với nội dung xin giảm vốn đầu tư xuống còn 2 tỷ USD, điều chỉnh phân kỳ và tiến độ đầu tư, sản phẩm và cơ cấu sản phẩm, quy hoạch mặt bằng nhà máy và bến cảng chuyên dụng... Và giờ đây, dự án kéo dài gần 10 năm này đã có kết cục buồn.

Theo các nhà phân tích kinh tế, việc một dự án thép “tỷ đô” nữa phá sản (sau Liên hợp thép Cà Ná - Ninh Thuận, có vốn đầu tư lên tới 9,8 tỷ USD vào năm 2011); dự án Sắt xốp Kobelco (tại Nghệ An) vốn đầu tư 1 tỷ USD, đang giậm chân tại chỗ; chưa kể dự án thép của Tata (Ấn Độ) có vốn dự kiến 5 tỷ USD sau 5 năm nghiên cứu cũng đã chấm dứt; vấn đề quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch cho ngành thép cần được xem xét lại một cách toàn diện.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục