Đảm bảo hồ sơ truy xuất nguồn gốc để giữ uy tín gạo Việt Nam

 Ngày 26-4, Bộ Công thương phối hợp với Bộ NN-PTNT, UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý I năm 2024 và bàn định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới.

01-.jpg
Quang cảnh hội nghị sáng 26-4

Tham dự hội nghị có khoảng 200 đại biểu từ các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo. Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, rà soát, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu tới hoạt động sản xuất, sản lượng thóc, gạo hàng hóa phục vụ nhu cầu nội địa đến cuối năm cũng như nhận định nhu cầu thị trường, tín hiệu về động thái chính sách, thông tin từ các thị trường xuất nhập khẩu gạo lớn trên thế giới.

4- Nông dân miền Tây thu hoạch lúa.jpg
Nông dân Hậu Giang thu hoạch lúa

VFA và các thương nhân xuất khẩu gạo báo cáo tình hình sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất khẩu gạo, đồng thời chia sẻ nhận định dự báo tình hình thương mại gạo thế giới trong thời gian tới...

Theo ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tính đến hết quý I năm 2024, xuất khẩu gạo đạt trên 2,18 triệu tấn, tương đương gần 1,43 tỷ USD, giá trung bình 653,9 USD/tấn; tăng 17,6% về lượng, tăng 45,5% về kim ngạch và tăng 23,6% về giá so với cùng kỳ. Xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 46,4% trong tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

3-11 dây chuyền sản xuất gạo xuất khẩu hiện đại của Công ty CP Trung An (TP Cần Thơ).JPG
Dây chuyền sản xuất gạo xuất khẩu hiện đại của Công ty CP Trung An (TP Cần Thơ)

Một số chủng loại gạo xuất khẩu được ưa chuộng trên thị trường: gạo thơm các loại (ST24, ST25, ĐT8, Hàm Châu, Nàng Hoa), gạo jasmine, gạo japonica, gạo trắng 5%... Công tác điều hành xuất khẩu gạo đã góp phần tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa và đảm bảo lợi ích người trồng lúa theo chính sách hiện hành; đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; góp phần bình ổn giá lúa, gạo trong nước. Xuất khẩu các chủng loại gạo có giá trị cao, phù hợp với nhu cầu thị trường và ưu thế của Việt Nam ngày càng tăng mạnh như: gạo thơm, ST các loại, gạo trắng cao cấp, gạo japonica.

07.jpg
Gạo thơm ST24, ST25 tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu gạo

Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tận dụng tốt cơ hội thị trường từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như: EVFTA, CPTPP), cơ cấu thị trường dần chuyển dịch tích cực theo hướng đa dạng hóa, bên cạnh các thị trường truyền thống, mở rộng sang các thị trường “khó tính” như châu Âu. Điều này cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam ngày càng gia tăng và đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính, đồng thời cho thấy sự tận dụng tốt ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức. Chiến lược đa dạng hóa thị trường của thương nhân vẫn còn hạn chế; việc phát triển thị trường chưa được hỗ trợ tương xứng với tiềm năng ngành hàng. Các thương nhân chưa chú trọng phát triển liên kết xây dựng vùng nguyên liệu cũng như triển khai các giải pháp về truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Theo Bộ NN-PTNT, sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các tỉnh vùng ĐBSCL; các vùng khác chủ yếu phục vụ cho tiêu thụ nội địa. Theo đó, lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu tại các tỉnh vùng ĐBSCL năm 2024 ước đạt khoảng 7,6 triệu tấn, trong đó nhóm gạo chất lượng cao khoảng 3,2 triệu tấn; nhóm gạo thơm, đặc sản đạt 2,5 triệu tấn. Tổng khối lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu tại các tỉnh vùng ĐBSCL năm 2024 ước đạt khoảng 7,6 triệu tấn.

Để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo trong bối cảnh giá cả nhiều chủng loại hàng hóa, trong đó có lương thực biến động hết sức khó lường, Bộ Công thương sẽ chủ động phối hợp với VFA theo dõi sát tình hình thị trường, nhằm kịp thời đưa ra những khuyến nghị, động thái cần thiết. Bộ Công thương cũng đề nghị VFA và các thương nhân tiếp tục nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động tiêu thụ gạo trong và ngoài nước. Đặc biệt đối với việc đảm bảo đầy đủ các chứng từ, hồ sơ truy xuất nguồn gốc đầy đủ trong quá trình từ thu mua đến chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu, đảm bảo không gian lận thương mại, giữ gìn hình ảnh thương hiệu, uy tín gạo Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục