Doanh nghiệp và tiến trình hội nhập - đối mặt nhiều nỗi lo

Hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang được triển khai rầm rộ, song nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, gần như “án binh bất động”, chỉ một số ít quan tâm.
Doanh nghiệp và tiến trình hội nhập - đối mặt nhiều nỗi lo

Hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang được triển khai rầm rộ, song nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, gần như “án binh bất động”, chỉ một số ít quan tâm.

Đến đâu hay đấy!

Là một trong những đầu tàu về kinh tế, đồng thời được xem là khu vực năng động nhất của cả nước về hoạt động sản xuất kinh doanh, thế nhưng tại TPHCM, hầu hết doanh nghiệp vẫn đang thụ động trong hội nhập. “Doanh nghiệp của tôi đã thành lập được hơn 10 năm, chủ yếu sản xuất phục vụ trong nước, có xuất khẩu gì đâu mà quan tâm tới hội nhập. Kể cả hàng hóa nước ngoài có tràn vào thì chúng tôi vẫn có đối tác truyền thống”, giám đốc một doanh nghiệp trong ngành cơ khí, quận Bình Tân tự tin nói.

Theo Phó Chủ tịch Hội cơ khí TPHCM Đỗ Phước Tống, việc doanh nghiệp trong ngành cơ khí ít quan tâm đến tiến trình hội nhập là bởi hầu hết các mặt hàng liên quan đều đang được hưởng thuế suất xuất nhập khẩu gần như bằng 0%. Do đó, từ trước đến nay, việc hàng cơ khí ngoại nhập khẩu vào hay một số hàng nội xuất khẩu được là chuyện bình thường. “Nói vậy, nhưng nếu hội nhập càng sâu, doanh nghiệp cơ khí trong nước càng gặp khó khăn do nguồn lực vốn rất kém so với cơ khí của một số nước. Giải pháp trước mắt là nhà nước cần có chính sách kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp nâng sức cạnh tranh khi hội nhập”, ông Tống đề nghị.

Sản xuất sản phẩm cao su tại một doanh nghiệp trong nước (Ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: CAO THĂNG

Tương tự, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TPHCM Trần Việt Anh cho rằng, các doanh nghiệp đều biết và theo dõi đến hội nhập, nhưng tùy theo lĩnh vực mà mức độ quan tâm khác nhau. Đơn cử, ở ngành cao su, chủ yếu là phục vụ trong nước, ít xuất khẩu, đồng thời ít bị cạnh tranh kể cả khi hội nhập sâu, do đó doanh nghiệp chưa tập trung lắm. Chỉ một vài sản phẩm như săm, lốp ô tô sẽ bị cạnh tranh mạnh với sản phẩm của Thái Lan, Trung Quốc. Tuy nhiên, những sản phẩm này hiện do những doanh nghiệp lớn trong nước đầu tư sản xuất nên đã có sự chuẩn bị để ứng phó. “Dù vậy, công tác tuyên truyền về hội nhập hiện nay còn khiêm tốn, do đó nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nắm hết tầm quan trọng của hội nhập để sẵn sàng ứng phó”, ông Anh lý giải. Ở ngành dệt may - lĩnh vực được xem là tác động khá lớn khi một số FTA vừa được ký kết và tiến tới là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng công tác chuẩn bị cũng chỉ tập trung ở những “ông lớn” như Tập đoàn Vinatex, riêng các doanh nghiệp nhỏ thì đến đâu hay đến đấy.

“Chúng tôi thấy Việt Nam ký hàng loạt FTA, doanh nghiệp nước ngoài xông ra đầu tư mạnh. Trong khi đó, doanh nghiệp nội vẫn chủ yếu nghe ngóng! Thực tế này cho thấy doanh nghiệp FDI quan tâm, hiểu biết về FTA và tin tưởng cơ hội do FTA mang lại hơn doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp dệt may chưa ý thức được lợi ích của hội nhập. Trong khi 10 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng 15% - 20%/năm, đây chính là kết quả của hội nhập”, một lãnh đạo của Tập đoàn Vinatex nêu thực tế.

Thế yếu và chưa sẵn sàng

“Thời điểm này, nếu các doanh nghiệp vẫn còn lơ mơ với việc hội nhập quốc tế, không nhanh chóng xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ dễ bị mất thị phần ngay trên chính sân nhà”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Minh Hải, Đại học Quốc gia TPHCM chia sẻ. Do đó, để tận dụng được các cơ hội và giảm thiểu rủi ro từ việc tham gia các FTA, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải hành động, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, chú ý gia tăng giá trị cho sản phẩm xuất khẩu, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh. Mặt khác, để giữ được thị trường, các nhà sản xuất trong nước phải bằng mọi giải pháp chinh phục người tiêu dùng nội địa bằng chất lượng hàng hóa và uy tín trong kinh doanh.

Theo ông Hải, khó khăn lớn nhất hiện nay các doanh nghiệp trong nước đang gặp phải là năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh, trong khi phải đối đầu với các đối thủ mạnh trên thế giới. Vì vậy, khi hàng rào thuế quan không còn, các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Trên thực tế, lâu nay, hàm lượng giá trị gia tăng trong sản xuất của đại đa số doanh nghiệp nội còn thấp và dễ bị thay thế, không bền vững. Điều này khiến doanh nghiệp nội địa dễ thua trên sân nhà hoặc có cơ hội nhưng không tận dụng được.

Theo đại diện các hiệp hội ngành hàng, hiện nay, không riêng gì TPHCM mà cộng đồng doanh nghiệp cả nước đang gặp khó khăn khi chưa chủ động được đầu vào, hàng năm phải nhập hàng tỷ USD nguyên liệu. Chưa kể, các dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu quá cũ do giá rẻ, sử dụng nhiều lao động, từ đó làm hạn chế cạnh tranh khi hội nhập. Đơn cử, trong ngành may mặc, do nhập khẩu nguyên phụ liệu phần lớn từ Trung Quốc nên các doanh nghiệp cần phải khai thác lợi thế từ FTA, nhưng phải có sự hỗ trợ từ chính sách khuyến khích của nhà nước để tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ. “Ngoài hỗ trợ về vốn thông qua các chương trình kích cầu, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, nhà nước nên cùng với doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực về quản lý, quản trị doanh nghiệp, song song với việc điều chỉnh chính sách hợp lý nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh khi hội nhập”, ông Đỗ Phước Tống đề nghị.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới 96% tổng số doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện chỉ có 36% số doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất theo định hướng xuất khẩu, trong khi tỷ lệ này ở Malaysia và Thái Lan là 60%. Đặc biệt, chỉ có 21% doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này cũng cho thấy vì sao số lượng doanh nghiệp quan tâm đến hội nhập chưa cao.

LẠC PHONG
 

Chuẩn bị gì trước hội nhập?

Ông Nguyễn Đình Đông, Phó Tổng giám đốc Công ty Casumina: Lo bị giảm thị phần tiêu thụ

Dựa trên những hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký, thì trong thời hạn ngắn khoảng hơn 1 năm, công ty sẽ chịu nhiều bất lợi hơn là có lợi. Bởi lẽ, xét trên thị phần tiêu thụ sản phẩm thì chỉ có 30% sản phẩm của công ty là xuất khẩu sang các nước. Số còn lại đang được tiêu thụ tại thị trường nội địa. Khi hiệp định được thông qua, sản phẩm Việt Nam xuất đi sẽ được hưởng thuế ưu đãi 0%. Nếu so với sản phẩm của Trung Quốc đang phải chịu thuế khoảng 30%, sản phẩm của ta được xem là có lợi thế cạnh tranh hơn về giá thành. Nhưng tính trong các nước thành viên của hiệp định thì cho đến nay, sản phẩm của công ty chỉ mới xuất sang được thị trường Mỹ và một số nước khu vực Á Âu. Còn những nước khác thì không thể vào do tiêu chuẩn kỹ thuật đưa ra quá nghiêm ngặt, nhất là với thị trường châu Âu. Trong bối cảnh thị phần xuất khẩu chưa thể mở rộng, thị trường nội địa lại bị cạnh tranh khốc liệt bởi sản phẩm của các nước thành viên trong hiệp định đổ vào nước ta với mức thuế ưu đãi 0%. Đây là điều chúng tôi lo ngại nhất.

Trước thực tế đó, hiện công ty đang đẩy mạnh khai thác đối tác mới từ những thị trường là thành viên của hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia cũng như những nước không là thành viên của các hiệp định thương mại. Cụ thể, công ty sẽ đẩy mạnh tiêu thụ hàng tại Mỹ, Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh và toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, cũng phải mất hơn 1 năm để tạo dựng đối tác thương mại mới bù đắp sự sụt giảm lợi nhuận trên thị trường nội địa khi các hiệp định thương mại có hiệu lực.


Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty May Garmex Sài Gòn: Gặp khó với quy tắc xuất xứ

Các hiệp định thương mại song phương, đa phương đã mở ra cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm “made in Việt Nam”, tuy nhiên với thực trạng sản xuất hiện tại, doanh nghiệp (DN) nội gặp khó nhiều hơn. Cụ thể, với lĩnh vực dệt may, để được hưởng thuế ưu đãi từ 10% xuống còn 0% này, DN phải đảm bảo quy tắc xuất xứ nguyên liệu nội địa hóa (trừ bông). Nhưng phần lớn nguyên liệu sản xuất may mặc của DN nước ta đều nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Công, Hàn Quốc - không đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi 0%. Nhiều DN đã tính đến phương án đầu tư nhà máy sản xuất sợi, dệt nhuộm để tận dụng cơ hội hưởng lợi thế thuế suất 0% nhưng rất khó thực hiện, vì nguồn vốn đầu tư quá lớn.

Ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng ban Phát triển thủy sản bền vững, Hội Nghề cá Việt Nam: Kỳ vọng tăng trưởng mạnh xuất khẩu

Sản phẩm thủy, hải sản Việt Nam đã vào được nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ… nhưng giá thành sản phẩm còn khá cao so với sản phẩm của nước sở tại do bị thuế suất cao, nhiều sản phẩm còn bị đánh thuế chống bán phá giá nên giảm khả năng cạnh tranh. Việc ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương với các thị trường vốn đang là thế mạnh sản phẩm thủy, hải sản Việt Nam như Mỹ và châu Âu sẽ gia tăng khả năng cạnh tranh cho DN Việt, nhờ giảm đáng kể giá thành sản phẩm.

Hiện DN chế biến thủy, hải sản Việt Nam được xem là dẫn đầu về trình độ quản lý, công nghệ sản xuất và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm cũng rất phong phú, đa dạng. Chúng ta đã đáp ứng yêu cầu khắt khe nhất mà các nước tiên tiến đặt ra. Quan trọng hơn, người tiêu dùng nước ngoài có tâm lý ưa chuộng sản phẩm Việt. Vấn đề còn lại là Chính phủ cần quy hoạch và phát triển tốt vùng nguyên liệu. Làm được điều này kết hợp với giảm giá thành sản phẩm nhờ giảm thuế khi Việt Nam tham gia hiệp định thương mại, ngành chế biến thủy, hải sản Việt Nam chắc chắn sẽ tăng tưởng mạnh kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới.

ÁI VÂN ghi

Tin cùng chuyên mục