Sẽ phải tiếp tục thỏa thuận phương án tăng lương 2016

Trong 2 ngày 31-8 và 1-9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 8-2015.
Sẽ phải tiếp tục thỏa thuận phương án tăng lương 2016

(SGGPO). – Trong 2 ngày 31-8 và 1-9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 8-2015.

Cuối giờ chiều nay, 1-9, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức họp báo thường kỳ tháng 8. Tại đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP- Người phát ngôn của Chính phủ Nguyễn  Văn Nên đã trả lời một số vấn đề mà báo chí và dư luận quan tâm.

* Phóng viên: Về việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, xin ông cho biết đánh giá của Chính phủ về tác động và chỉ đạo chính sách tiền tệ, hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế?

* Bộ trưởng-Chủ nhiệm VPCP Nguyễn  Văn Nên: Việc Trung Quốc điều chỉnh giảm mạnh giá đồng nhân dân tệ đã tác động đến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, khu vực và Việt Nam. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động điều chỉnh kịp thời và với cách thức phù hợp khi tăng biên độ tỉ giá giữa đồng Việt Nam và USD, có tính tới các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường tài chính, tiền tệ, thương mại, đầu tư... và bảo đảm lợi ích chung của nền kinh tế.

Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan chủ động, tích cực theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đánh giá tác động đến từng lĩnh vực, nhất là các thị trường ngoại tệ, chứng khoán, thị trường vàng, xuất nhập khẩu, đầu tư, cán cân thanh toán, ngân sách nhà nước, nợ công, nợ nước ngoài, sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế; thực hiện nhất quán điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá chủ động, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, giữ ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; tăng cường phối hợp, có đối sách phù hợp, tận dụng tác động tích cực, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Thủ tướng cũng đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ và các Bộ, ngành để đánh giá những biến động giảm mạnh của giá dầu thế giới, diễn biến bất thường của các thị trường chứng khoán, những điều chỉnh của dòng vốn quốc tế sau khi Trung Quốc giảm giá đồng Nhân dân tệ và việc điều chỉnh chính sách tỉ giá của nhiều nước trên thế giới, để đưa ra các đối sách phù hợp. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành kiên định các mục tiêu điều hành đã đề ra, trong đó lấy ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu cao nhất; theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, khu vực; có phương án cho các kịch bản có thể xảy ra, kể cả trường hợp xấu nhất; chủ động thông tin tình hình, dự báo và các giải pháp để người dân, doanh nghiệp biết, ứng phó phù hợp.

*Việc giá dầu thô thế giới giảm sâu có thể ảnh hưởng đến thu ngân sách. Xin cho biết Chính phủ đã có phương án gì để bảo đảm nguồn thu, cân đối ngân sách trong thời gian tới?

* Ngay từ đầu năm 2015, trước tình hình giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm mạnh, Thủ tướng đã chỉ đạo xây dựng các kịch bản điều hành bảo đảm nguồn thu, cân đối ngân sách nhà nước và tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2015. Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế; phấn đấu tăng thu nội địa và xuất nhập khẩu để bù cho số giảm thu từ dầu thô.

Đến hết tháng 8-2015 tổng thu ngân sách nhà nước đạt 67,8% dự toán cả năm, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó, thu nội địa đạt 71,9%, thu từ xuất nhập khẩu đạt 62,3%; riêng thu dầu thô mới chỉ đạt 50,7% dự toán. Các Bộ, ngành chức năng đã báo cáo Chính phủ các kịch bản ứng phó, kể cả kịch bản giá dầu tiếp tục giảm sâu. Bộ Tài chính khẳng định với giá dầu như hiện nay, thu ngân sách nhà nước năm 2015 vẫn bảo đảm theo kế hoạch đề ra và quyết tâm thực hiện thu đạt và vượt dự toán.

*Tại Hội nghị trực tuyến tháng 6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương cho rằng để tăng trưởng GDP đạt mục tiêu 6,2% thì phải khai thác thêm 1-2 triệu tấn dầu thô. Tuy nhiên, giá dầu giảm sâu vừa qua làm giá trị xuất khẩu giảm trên 50% nên có ý kiến cho rằng không nên khai thác vượt chỉ tiêu trên. Quan điểm của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng về vấn đề này?

*Từ đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các Bộ liên quan và Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) lập Kế hoạch khai thác dầu thô ứng phó với các phương án giá dầu giảm, thậm chí có cả phương án xấu nhất là giá dầu xuống dưới 40 USD/thùng; rà soát kỹ, áp dụng các biện pháp giảm tối đa chi phí; trên cơ sở chi phí sản xuất trung bình của từng mỏ đang khai thác để tối ưu hóa Kế hoạch sản lượng khai thác, góp phần bảo đảm cho tăng trưởng GDP năm 2015.

Thực tế, giá thành sản xuất trung bình 1 thùng dầu thô của Việt Nam đang thấp hơn so với giá bán trung bình thời điểm hiện nay (giá bán dầu thô của Việt Nam khoảng 53 USD/thùng).

Trên cơ sở kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2015, thực trạng các mỏ dầu khí đang khai thác và sau khi rà soát, cân đối tất cả các yếu tố liên quan, PVN phấn đấu đạt sản lượng khai thác dầu trong nước năm 2015 là 15,74 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với kế hoạch Chính phủ giao (14,74 triệu tấn), tương đương mức tăng 7%. Đây là sự chủ động của ngành dầu khí để góp phần thực hiện các mục tiêu của cả nước về kinh tế, không phải là do thời gian qua giá dầu thô giảm quá sâu nên phải tăng khai thác để bù thiếu hụt về tài chính.
Trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh, việc tăng sản lượng khai thác đóng góp không nhiều vào thu ngân sách, trong khi đó, nếu không tính toán kỹ sẽ ảnh hưởng tới an toàn của các mỏ và khả năng khai thác lâu dài.

Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá toàn diện các yếu tố ảnh hưởng đến Kế hoạch khai thác dầu thô để có được phương án khai thác tối ưu, bảo đảm an toàn mỏ; chỉ đạo điều hành giá xăng dầu phù hợp với diễn biến giá dầu thô. Đồng thời, thúc đẩy sản xuất trong nước, xuất khẩu, tăng thu từ các ngành sản xuất, dịch vụ khác, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước, phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6,2% trong năm 2015.

*Việc bàn về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 của Hội đồng tiền lương Quốc gia chưa thành công do đại diện người lao động  là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện người sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) không đồng thuận. Quan điểm của Chính phủ?

Sẽ phải tiếp tục thỏa thuận phương án tăng lương 2016 ảnh 1

Hiện nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện người sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chưa đồng thuận về mức lương tối thiểu. Ảnh: Cao Thăng



*Khoản 2 Điều 91 Bộ luật Lao động quy định: “Căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương Quốc gia”.

Ngày 3 -7-2013, Thủ tướng đã thành lập Hội đồng tiền lương Quốc gia, gồm 15 thành viên là đại diện của 3 bên: Đại diện cho người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Đại diện cho người sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da giày Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ; Đại diện cho Chính phủ là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Hàng năm, Hội đồng tiền lương Quốc gia tính toán, thương lượng và thống nhất mức lương tối thiểu vùng để khuyến nghị Chính phủ xem xét, quyết định.

Qua 2 năm thực hiện cho thấy, để đạt được sự thống nhất tương đối về mức lương tối thiểu khuyến nghị Chính phủ thì Hội đồng tiền lương Quốc gia thường phải thương lượng nhiều lần (năm 2014 là 3 lần) và trong từng lần mỗi bên đều có phân tích, tính toán mức lương tối thiểu dựa trên các yếu tố có lợi hơn cho bên mình đại diện nên kết quả thường có sự chênh lệch.

Hiện nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện người sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chưa đồng thuận về mức lương tối thiểu. Theo quy định, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ tiếp tục thảo luận, thương lượng một lần nữa. Trường hợp vẫn chưa đạt được sự đồng thuận thì Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ chọn phương án phù hợp để báo cáo Chính phủ. Căn cứ quy định của Bộ luật Lao động và khuyến nghị của Hội đồng tiền lương Quốc gia, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2016.

*Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính có văn bản kiến nghị Chính phủ tạm dừng thu phí xe máy từ 1-1-2016 và sửa đổi nghị định theo hướng bỏ quy định thu phí xe máy. Chính phủ có bàn về vấn đề này tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 hay không?

* Ngày 3-8, Bộ Giao thông vận tải có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét tạm dừng việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô kể từ ngày 1-1-2016; đồng thời đề nghị Chính phủ cho phép sửa đổi Nghị định số 18/2012/NĐ-CP theo hướng bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô.

Theo Quy chế làm việc của Chính phủ, VPCP đã có văn bản gửi lấy ý kiến các Bộ, cơ quan, địa phương. Đến nay, Văn phòng Chính phủ mới nhận được ý kiến của Bộ Tài chính và một số cơ quan liên quan, cơ bản thống nhất với đề nghị của Bộ Giao thông vận tải. VPCP đang tổng hợp ý kiến của các Bộ, cơ quan có liên quan và dự kiến sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa nội dung này vào chương trình phiên họp Chính phủ tháng 9.

* Một số ý kiến cho rằng, về cơ bản kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2015 và xét tuyển ĐH-CĐ đã giảm áp lực thi cử và lãng phí cho xã hội. Tuy nhiên, kỳ thi vẫn còn không ít hạn chế, bất cập, nhất là khâu xét tuyển. Quan điểm của Chính phủ về vấn đề này?

*Việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã được thực hiện theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhằm làm giảm áp lực thi cử và lãng phí cho xã hội, phản ánh kết quả học tập của học sinh khách quan, chính xác hơn, đáp ứng yêu cầu xét tốt nghiệp cho học sinh THPT. Tuy nhiên, trong khâu sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH-CĐ đã bộc lộ một số bất cập do lỗi kỹ thuật liên quan đến quy trình đăng ký và thay đổi nguyện vọng, thời gian xét tuyển.

Trước tình hình này, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm về những hạn chế, bất cập của tuyển sinh đại học đợt 1 và kịp thời điều chỉnh trong tuyển sinh đợt 2, cụ thể thí sinh sẽ không điều chỉnh nguyện vọng đăng ký và thời gian đăng ký cũng sẽ ngắn lại. Đồng thời Thủ tướng cũng yêu cầu tổng kết, đánh giá toàn diện về việc tổ chức kỳ thi và công tác tuyển sinh của các trường ĐH-CĐ năm 2015, báo cáo Thủ tướng.

* Thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã miễn nhiệm 2 lãnh đạo Ngân hàng Đông Á vì những sai phạm. Quan điểm xử lý của Chính phủ đối với trường hợp này?

* Việc thanh tra toàn diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á được thực hiện theo kế hoạch triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Kết quả thanh tra cho thấy trong giai đoạn 2012 trở về trước, ngân hàng này đã có nhiều vi phạm quy định về quản lý tài chính, cấp tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của ngân hàng này.

Ngày 14-8, NHNN đã quyết định đưa ngân hàng này vào diện kiểm soát đặc biệt. Ngày 20-8, NHNN đã có quyết định đình chỉ quyền và nghĩa vụ của ông Trần Phương Bình đối với chức danh thành viên Hội đồng quản trị và chức danh Tổng Giám đốc; đình chỉ quyền và nghĩa vụ của bà Nguyễn Thị Ngọc Vân đối với chức danh Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á. Đồng thời cử cán bộ tham gia và chỉ đạo kiện toàn Ban điều hành ngân hàng.

Thủ tướng đã chỉ đạo NHNN và cơ quan chức năng tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp theo Đề án đã được phê duyệt đối với Ngân hàng Đông Á, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, quyền và nghĩa vụ kinh tế của các bên liên quan và xử lý vi phạm (nếu có) của các tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật.

PHAN THẢO ghi

Tin cùng chuyên mục