Mỹ ra điều kiện với Nga
Theo hãng tin Nga Sputnik, Mỹ đã nêu điều kiện bàn về việc bình thường hóa quan hệ với Nga. Đại sứ Mỹ tại Nga John Huntsman mới đây cho biết Washington hy vọng sẽ sớm tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine, sau đó mới có thể bàn về việc bình thường hóa quan hệ với Nga, về những tiến triển dỡ bỏ cấm vận.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình St. Petersburg, ông Huntsman nói: “Tôi nghĩ chúng ta cần phải nhìn vào nguồn gốc của vấn đề này và hiểu lý do tại sao mối quan hệ của chúng ta lại như hiện nay. Mỹ và cả châu Âu đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt do tình hình Ukraine. Nếu chúng ta có thể giải quyết vấn đề Ukraine, mà cụ thể là đi đến một thỏa thuận được đôi bên chấp nhận, chúng ta sẽ có một kết quả tích cực. Nhưng điều này đòi hỏi những nỗ lực nghiêm túc trong giải quyết các vấn đề tranh chấp”.
Trước đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev phát biểu trên truyền hình quốc gia Nga gần đây cho rằng quan hệ giữa Nga và Mỹ đang ở trong tình trạng “kinh khủng” mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn cải thiện.
Thủ tướng Medvedev cho biết ông nhận ra rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump có thiện chí và “sẵn sàng khôi phục mối quan hệ đầy đủ” khi ông gặp ông Donald Trump bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN tại Manila, Philippines cuối tháng 11. Nhưng “Tổng thống Mỹ là nạn nhân của sự thù địch đối với Nga”, ông Medvedev nói.
Sự thất vọng của Nga đang gia tăng khi không có một bước đột phá nào trong mối quan hệ với Mỹ dưới thời của Tổng thống Donald Trump. Thay vào đó, các mối quan hệ đã bị xói mòn trong bối cảnh Mỹ tăng cường các cuộc điều tra về điều mà họ gọi là can thiệp vào Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 để giúp ông Donald Trump giành chiến thắng. Cả điện Kremlin và ông Donald Trump đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc.
NATO e dè Nga
Liên quan tới NATO, tổ chức này đã rút khỏi mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với Nga trước khi Mátxcơva sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Kể từ đó, cả hai bên đã tăng cường huy động lực lượng, đặc biệt là ở vùng Baltic của Đông Âu.
“Nguy cơ của NATO bị bỏ rơi lại phía sau về chính trị và những phát triển công nghệ có thể làm thay đổi đặc tính của chiến tranh, cấu trúc quan hệ quốc tế và vai trò của chính NATO”, Globsec tuyên bố trong bản báo cáo năm 2017.
Theo tổ chức này, NATO phải đảm bảo rằng họ có khả năng chống lại một cuộc chiến tranh trong tương lai. Vì vậy, NATO phải vận dụng công cụ chính trị và quan hệ đối tác để củng cố năng lực quân sự. Một phần của chiến lược này bao gồm việc tiếp cận các quốc gia không thuộc NATO như Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Chiến thắng quân sự và ngoại giao của Nga tại Syria đã tạo cho Nga có một thành trì hùng mạnh trong khu vực và tìm cách tận dụng đà này ở nơi khác, liên kết với các đồng minh lịch sử để chống lại Mỹ.
Theo ông Allen, NATO cần lưu ý tới sự ảnh hưởng to lớn của Trung Quốc. Tuy nhiên, việc vươn tới Trung Quốc có thể gặp khó khăn vì Nga đã cẩn thận tăng cường quan hệ với Trung Quốc trong những năm gần đây và hai bên đã cùng nhau chống lại phương Tây trong các phiên họp tại thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Trung Quốc thường xuyên đảm bảo các nhà quan sát rằng sự gia tăng về quân sự và kinh tế của họ hoàn toàn bình thường, nhưng Bắc Kinh đã tiến hành các cuộc tập trận chung với Nga, ngay cả ở điểm nóng như biển Baltic.