Mặt trận mới của những người lính Cụ Hồ

Mặt trận mới của những người lính Cụ Hồ

Qua hơn 16 năm hoạt động, Phòng khám từ thiện Hội Cựu chiến binh (CCB) P10 Q3 TPHCM  giờ đã kiên cố, khang trang Những lương y đến làm việc tại phòng khám phần lớn là các bác sĩ quân y, y tá đã nghỉ hưu. Họ tình nguyện đến với phòng khám bằng tấm lòng nhân ái, đúng như lời Bác Hồ đã dạy: “Lương y như từ mẫu”.

  • Mặt trận mới...
Điều trị bằng phương pháp xung điện tại Phòng khám từ thiện Hội Cựu chiến binh phường 10 quận 3 TPHCM. Ảnh: TH.H.
Điều trị bằng phương pháp xung điện tại Phòng khám từ thiện Hội Cựu chiến binh phường 10 quận 3 TPHCM. Ảnh: TH.H.

Chứng kiến nhiều người dân nghèo trong phường mắc bệnh nặng mà không có tiền chạy chữa, đành ngậm ngùi chịu đựng cơn bệnh hành hạ; rồi những cơn đau quằn quại của đồng đội mỗi khi trái gió trở trời… nhiều CCB của P10 Q3 đã day dứt: “Không thể khoanh tay ngồi nhìn, phải lao vào như những người lính trên mặt trận mới”. Vào cuối năm 1993, Phòng khám từ thiện Hội CCB P10 ra đời và chính thức đi vào hoạt động.

Phòng khám chỉ rộng 24m2 với 3 lương y là những y tá, bác sĩ quân y nghỉ hưu đang sống tại địa phương, tình nguyện chữa bệnh miễn phí theo phương pháp y học cổ truyền, mỗi tuần 3 buổi. Bàn ghế, dụng cụ y khoa trang bị cho phòng khám được các thành viên hội CCB phường liên hệ xin lại của một số bệnh viện. Một số CCB đã bớt tiền lương hưu, đóng góp mua kim châm cứu và một số vật dụng để duy trì hoạt động phòng khám.

Ban đầu, phòng khám chỉ nhằm mục đích phục vụ người nghèo trong phường nhưng rồi “tiếng lành đồn xa”, người nghèo ở các quận, huyện, tỉnh lân cận khác cũng tìm đến ngày càng đông. Có những tháng phòng khám tiếp nhận điều trị 700 - 800 lượt bệnh nhân. Nơi đây cũng là địa điểm để các CCB tuyên truyền về phòng chống ma túy và điều trị cắt cơn hiệu quả cho 39 người nghiện trong khu dân cư.

Trước hiệu quả hoạt động của phòng khám, cuối năm 2004, Quận ủy Q3 đã đồng ý duyệt kinh phí trên 200 triệu đồng để mở rộng quy mô phòng khám lên khoảng 100m2. Các CCB ủng hộ tiền lương của mình và chia nhau tìm nguồn tài trợ để mua sắm thêm trang thiết bị. Một tổ chức từ thiện quyết định ủng hộ phòng khám một số máy chữa bệnh như máy laser, từ trường, siêu âm, vi sóng, đèn hồng ngoại, máy xung điện… Rồi nhiều con cháu, người thân của những người đã từng được chữa bệnh ở đây cũng tìm đến hỗ trợ, trang bị tủ thuốc, giường bệnh, bàn ghế… Phòng khám hoạt động 5 buổi sáng, các ngày từ thứ hai đến thứ sáu trong tuần.

  • Hiệu quả điều trị

Các lương y CCB của phòng khám từ thiện P10 Q3 không thể quên một ngày cuối năm 2006. Mới sáng sớm, một CCB ở tận Hà Nam dắt đứa bé 11 tuổi đến cầu cứu. Cháu Nguyễn Văn Toàn bị bệnh tim bẩm sinh, do nhà nghèo không có tiền chữa trị nên nghe tiếng về phòng khám từ thiện Hội CCB P10 Q3, họ đã vượt đường xa tìm đến.

Biết bệnh tim của cháu Toàn cần được phẫu thuật sớm, để lâu rất nguy hiểm đến tính mạng nhưng việc phẫu thuật lại nằm ngoài khả năng của phòng khám. Cần phải tìm một bệnh viện uy tín để phẫu thuật cho cháu. Nhưng tiền ở đâu? Vậy là mỗi người một tay, chia nhau tìm đến các nhà hảo tâm, tổ chức xã hội từ thiện. Và cuối cùng, ca mổ cho cháu Toàn đã được tiến hành kịp thời, thành công.

Bà Nguyễn Thị Ngà (P11 Q3) cho biết, bà bị viêm đa khớp đã gần 10 năm, rất khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Mặc dù bà đã điều trị nhiều nơi, từ các bệnh viện lớn ở TPHCM cho đến những thầy lang do người thân chỉ dẫn nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. “Sau mấy tháng đến Phòng khám từ thiện của các bác CCB điều trị bằng phương pháp châm cứu, tôi đã đi lại dễ dàng hơn, sức khỏe dần hồi phục. Các lương y ở đây chữa trị rất tận tình”, bà Ngà nói. Bị nóng gan, run chân tay, bà Vũ Thị Mai (P4 Q3) đã mất hơn 5 năm uống thuốc tây nhưng bệnh không dứt. Nghe bạn bè giới thiệu, bà đến điều trị bằng châm cứu tại phòng khám được gần 2 tháng. Bà tâm sự: “Bạn bè nói về hiệu quả điều trị của phòng khám, lúc đầu tôi không tin vì nghĩ đây chỉ là một phòng khám nhỏ của CCB nhưng quả thật là bệnh tôi đang thuyên giảm từng ngày…”.

  • Tấm lòng người lính

Năm 2001, CCB - lương y Vũ Thị Nhự tình nguyện về “giúp một tay” cho phòng khám từ thiện CCB. Gần chục năm nay, mỗi buổi sáng lương y Vũ Thị Nhự phải mất 3 giờ đi xe buýt từ Bình Dương để đến phòng khám làm việc. Bà chia sẻ: “Dù việc đi lại không mấy thuận lợi nhưng tôi vẫn tình nguyện phục vụ bằng cả tấm lòng”. Còn CCB - lương y Nguyễn Thị Lài (75 tuổi, ngụ tại Q8), người gắn bó với phòng khám từ những ngày đầu, tâm sự: “Tiền tài danh vọng rồi cũng qua đi, chỉ có tấm lòng ở lại. Phần thưởng ý nghĩa nhất mà tôi nhận được trong những năm làm việc tại phòng khám, chính là tình cảm quý mến của những bệnh nhân nghèo đến đây điều trị. Đó chính là động lực để tôi quyết định gắn bó với phòng khám này đến cuối đời”

THANH HỢP

Tin cùng chuyên mục