“Vua diệt chuột” ở Hà Tây

Bày kế bẫy chuột không cần mồi

Bày kế bẫy chuột không cần mồi

Khi biết TPHCM đang bị nạn chuột tác oai tác quái, trong khi Trung tâm Y tế dự phòng TP chưa có kế hoạch đối phó căn cơ, người dân thì dường như bất lực nhìn “loài giặc” này hoành hành, ông Trần Quang Thiều ở thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Tây, người đã có 7 năm hành nghề diệt chuột chuyên nghiệp với chiến lợi phẩm gần 3 triệu con chuột và được mệnh danh là “Vua diệt chuột”, đã liên lạc với chúng tôi để giới thiệu tuyệt chiêu “bẫy chuột không cần mồi”.

Phương pháp ưu việt, dễ làm

Trước hết là bẫy. Ông Thiều sáng chế ra loại bẫy chuột hình bán nguyệt với tính năng vượt trội: lực bật của lò xo mạnh, dây xâu quả đối trọng được uốn thành sợi có hai râu, không những giữ cho quả đối trọng luôn thăng bằng mà còn giúp bẫy rất nhạy (chuột chỉ đụng nhẹ vào thanh đối trọng là bẫy sập ngay lập tức) và khít (từ con chuột nhắt nhỏ như ngón tay út tới những con chuột cống nặng gần 3 kg, đã mắc bẫy là đều nằm chết dí).

Bày kế bẫy chuột không cần mồi ảnh 1

Ông Trần Quang Thiều với chiến lợi phẩm từ công nghệ “bẫy chuột không cần mồi”.

Tiếp đến, quan sát đường đi lối lại của loài chuột trên đồng ruộng, trên dây điện, ống nước, trên cây cối, tường nhà…, ông phát hiện chúng chỉ biết đi duy nhất một đường. “Cứ chịu khó nép người nhìn xuôi chiều ánh sáng là phát hiện ngay ra lối mòn do vết chân chúng để lại” - ông cho biết. Không chỉ vậy, nghiên cứu quy luật hoạt động của loài chuột trong suốt những năm qua, ông kết luận: Chúng rất thích ăn các loại ốc, nhái, giun đất và chỉ biết phân biệt mùi tanh của bùn (cứ thấy mùi này là tưởng thức ăn nên mò đến) chứ không phải như các nhà khoa học vẫn cho rằng loài chuột rất thích mùi thơm và hướng dẫn bà con nông dân dùng thịt lợn, khoai tây, cá nướng thơm phức để làm mồi bẫy. Phát hiện này thực sự là một bước đột phá bởi từ đó, ông Thiều sáng chế ra một kiểu mồi vô cùng đơn giản: lấy một miếng cao su to bằng bao diêm, bôi kín bùn lên bề mặt, phơi khô rồi xiên vào lưỡi móc của bẫy là lừa được lũ chuột.

Cuối cùng, cẩm nang diệt chuột của ông được tóm tắt thành “Công thức tám - sáu”: 8 cách quan sát quy luật hoạt động của chuột dựa vào dấu chân, đường chạy, cửa hang...; 6 là số cách đặt bẫy: đặt trên đường mòn, trên cây, trên dây phơi, trên mặt nước, trên mặt đất… Với những nơi có nhiều chuột, hiệu quả nhất là áp dụng cùng lúc 4 phương pháp đặt bẫy: đặt nằm ngang trên ống nhựa, dây phơi; đặt dựng treo trên trần nhà, khe tường; đặt dưới mặt nước và đặt bao vây từng khu, chặn đường lên xuống.

“Nhà khoa học” về... chuột

Tính đến nay, ông đã thành lập và hỗ trợ kỹ thuật để duy trì hoạt động đều đặn, hiệu quả cho 350.000 tổ diệt chuột ở hầu khắp các tỉnh thành phía Bắc. Ông cũng sản xuất và bán ra thị trường hơn 20 vạn chiếc bẫy bán nguyệt (1.700 đồng/chiếc), viết thư hướng dẫn cách sử dụng bẫy, cách tìm và diệt chuột cho nhân dân ở hầu khắp 64 tỉnh thành trong cả nước. Còn công ty diệt chuột của ông hiện có 26 tổ, tạo việc làm ổn định cho 128 người với mức thu nhập từ 900 ngàn đến 1,2 triệu đồng/tháng; doanh thu đạt hơn 400 triệu đồng/năm. Không chỉ diệt chuột theo thời vụ, ông Thiều và các cộng sự còn thực hiện những hợp đồng chuyên diệt chuột tại nhiều cơ quan, doanh nghiệp: Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Trung tâm Khai thác ga hàng không Nội Bài…

Kỷ lục về số chuột mà ông Thiều lập được là lần đánh bắt tại cánh đồng xã Yên Phú, Thường Tín, Hà Tây: trong một đêm, ông diệt 2.000 con chỉ với 800 cái bẫy. Kỷ lục về trọng lượng là lần ông diệt ở xã Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội: trong một đêm được 2,4 tạ chuột.

Với kiến thức phong phú, kinh nghiệm thực tế và phương pháp thuyết trình ngắn gọn, dễ hiểu, đặc biệt là khiếu hài hước, ông Thiều cũng được Chương trình IBM quốc gia điều động trực tiếp đến các địa phương truyền đạt kinh nghiệm, tổ chức phong trào diệt chuột theo phương pháp cơ lý, bắt chuột không cần mồi.

Trong một cuộc hội thảo về bảo vệ thực vật, ông Patricia C.Matteson - Điều phối viên Chương trình quản lý dịch hại lúa tổng hợp liên quốc gia vùng Nam và Đông Nam Á của Tổ chức nông - lương Liên hợp quốc (FAO) - đã bắt tay nồng nhiệt ông Thiều và thốt lên: “Đây là một nông dân kỳ lạ. Nếu gọi ông là một nhà khoa học về chuột thì cũng không quá lời…”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Thiều cho biết, ông sẵn sàng cung cấp bẫy và truyền kinh nghiệm diệt chuột cho các tập thể và cá nhân có nhu cầu. 

TUẤN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục