Để bảo vệ lá phổi Cần Giờ

Thận trọng với khu công nghiệp

Thận trọng với khu công nghiệp

Là huyện giáp biển duy nhất của TPHCM, lại có trên 30.000 ha rừng ngập mặn (RNM), nên kinh tế biển và nhất là du lịch sinh thái dưới tán rừng là một thế mạnh rất lớn để Cần Giờ thoát nghèo và tăng tốc phát triển. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngoài các dự án du lịch và đô thị, một số nhà đầu tư cũng đang tìm cách mở khu công nghiệp tại đây, dẫn đến những nguy cơ gây hại cho môi trường.

Nhiều cơ hội phát triển

Tìm hướng để phát triển Cần Giờ không chỉ là mong muốn của người dân và chính quyền địa phương mà của cả TP, để nâng cao đời sống người dân, thu ngắn cách biệt với các huyện và quận khác. 10 năm qua, chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản (tôm sú, nghêu…) đã tạo cho Cần Giờ sức bật mới, nhất là 4 xã cánh Bắc (Bình Khánh, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp, Lý Nhơn). Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, không còn cảnh cứu đói thời kỳ giáp hạt. Nhiều vùng hoang hóa trước đây đã được nhà đầu tư từ nội thành, kể cả những tỉnh thành khác đến khai phá, nuôi tôm.

Thận trọng với khu công nghiệp ảnh 1

Du lịch ở Cần Giờ chưa khai thác hết tiềm năng do hạ tầng chưa đồng bộ.

Tuy vậy, sau 10 năm, nghề nuôi trồng thủy sản - nghề “cứu đói” cho địa phương – lại đang gặp nhiều khó khăn, nhất là về môi trường, khi hệ thống thủy lợi phục vụ cho nuôi tôm vẫn chưa được triển khai đồng bộ, dù TP đã đồng ý cấp kinh phí.

Nguyên nhân là do đô thị hóa, giá đất tăng cao, nhiều người nuôi tôm không muốn mất đất để xây dựng hệ thống thủy lợi. Trong khi đó, 3 xã cánh Nam đã hình thành những cơ sở ban đầu về du lịch nghỉ dưỡng gắn với biển và rừng, nhất là thị trấn Cần Thạnh và xã Long Hòa. Ngoài Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn đầu tư khu resort nghỉ dưỡng (ở Cần Thạnh), hiện nay còn có Resort Hòn Ngọc Phương Nam (xã Long Hòa), Công ty Du lịch Phú Thọ khai thác du lịch sinh thái dưới tán rừng ở Lý Nhơn…

Trong chuyến làm việc với huyện Cần Giờ giữa tháng 3 vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã chấp thuận hầu hết những kiến nghị của địa phương, kể cả việc quy hoạch 400 ha đất (xã Bình Khánh) mà huyện Cần Giờ đề nghị để mời gọi đầu tư xây các trường đại học. Việc tạo thuận lợi tối đa cho Cần Giờ, không chỉ nhằm giải quyết vấn đề trước mắt là thoát nghèo mà còn mở hướng để Cần Giờ nâng cao dân trí và phát triển mạnh hơn.

Phải bảo vệ cho được rừng ngập mặn

Có thể nói Cần Giờ đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển. Với diện tích tự nhiên lớn nhất TP (trên 75.000 ha), mật độ dân số rất thấp, quỹ đất còn dồi dào là lợi thế mà không địa phương nào của TP có được. Thế mạnh đó đang được nhân lên khi cơ sở hạ tầng của Cần Giờ đang được tập trung đầu tư và sẽ hoàn chỉnh trong tương lai gần: cầu đường và nước ngọt sẽ hoàn chỉnh vào năm 2009; riêng cầu Bình Khánh, nằm trên tuyến vành đai 2 của TP, nối Cần Giờ với các huyện, quận và các tỉnh, TP xác định là công trình giao thông trọng điểm, đã đưa vào danh mục ưu tiên kêu gọi đầu tư, mời chuyên gia nước ngoài tham gia tư vấn thiết kế.

Tuy nhiên, cùng với các dự án khai thác tiềm năng du lịch, thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư công nghiệp cũng đã chuyển sự quan tâm đến vùng đất Cần Giờ. Một số dự án cụ thể đã được đề đạt lên cơ quan chức năng như dự án đóng tàu của SAMCO (đã được chấp thuận), dự án xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận 2. Và điều này đã khiến nhiều người, đặc biệt là các nhà khoa học, lo ngại về “hiệu ứng ngược” của hoạt động công nghiệp đến môi trường của vùng đất được xem là “lá phổi” của TP. Mới đây, trong chuyến làm việc với Cần Giờ, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cũng đã nhấn mạnh: TP tạo điều kiện để Cần Giờ phát triển, nhưng địa phương phải giữ cho được diện tích rừng ngập mặn (RNM), bảo vệ môi trường.

Bài học về sự phát triển bằng mọi giá của nhiều địa phương làm cho môi trường ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng, đã và đang ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và cuộc sống con người. Nhiều hướng mở cho Cần Giờ phát triển, nhưng đây cũng là lúc chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng các cấp phải cân nhắc cẩn trọng nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa yêu cầu phát triển và môi trường, nhất là khi RNM không còn là tài sản của riêng Cần Giờ hay TPHCM, mà là tài sản của cả thế giới (cuối năm 2000 RNM Cần Giờ đã được Tổ chức MAB - UNESCO của Liên hiệp quốc công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới). 

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục