Nhạc chế cho chuông điện thoại: Từ phì cười đến… phản cảm!

“Loạn”... nhạc chế
Nhạc chế cho chuông điện thoại: Từ phì cười đến… phản cảm!

Nhiều loại nhạc chế với các lời lẽ hết sức thô tục và phản cảm lại được nhiều người cài làm chuông điện thoại vào “dế” yêu của mình, khiến những người vô tình nghe phải đỏ mặt, tía tai. Đây là những hồi chuông phản cảm, gây “nhiễu” cho cộng đồng, thế nhưng gần như không được mấy ai quan tâm. Thậm chí, việc sử dụng thoải mái các loại nhạc chế này cài cho chuông điện thoại đang có xu hướng thịnh hành, lan rộng từ giới trẻ cho đến người trung niên…

“Loạn”... nhạc chế

Tại một cuộc họp do Văn phòng phía Nam của Bộ NN-PTNT phối hợp một công ty rau sạch tổ chức tại khách sạn Majestic (quận 1, TPHCM), không khí khán phòng nghiêm trang khi chủ tọa đoàn đọc diễn văn, bỗng vang lên tiếng la inh ỏi như từ loa phường phát ra: “Đồng bào thủ đô chú ý, B52 xuất hiện”. Âm thanh vang to khiến mọi người giật mình, những nhân viên phục vụ đều nháo nhào chạy bổ đi tìm và phát hiện được nơi phát ra âm thanh như loa phường này là tiếng chuông nhạc của chiếc điện thoại Nokia P200 đang được khổ chủ bỏ trong cặp. Điều đáng bực là người sử dụng điện thoại đã vô tâm đi la cà tận đâu đâu, bỏ lại “dế” mặc sức kêu réo khiến mọi người giật mình và bực tức!

Mới đây, chị Hồ Điệp, chủ một doanh nghiệp lớn của thành phố có bạn thân ở Lâm Đồng ghé thăm, chị đã mời thêm mấy người bạn thân cùng đến quán Sơn Thủy trên đường Võ Văn Tần, quận 3 ăn tối. Bạn bè chưa kịp nâng ly chúc mừng nhau, bỗng nghe tiếng “Bip” của điện thoại và sau đó là giọng đọc to: “5 điều nội quy ăn nhậu: Điều 1 không được cầm nhầm, Điều 2 không được trốn tránh khi trả tiền…”. Tiếng đọc rành rọt khiến mọi người được mời tiệc đều đỏ mặt, tía tai .

Một chuyện dở khóc, dở cười đáng trách nữa là anh Phạm An Hòa ở đường Chu Văn An, Bình Thạnh mời bạn gái đi ăn tối. Do điện thoại hết pin nên cô bạn đã mượn điện thoại của anh để gọi về nhà cho  bố mẹ, nhưng khi cô mới vừa cầm máy lên đã nghe từ máy vang ra giọng nữ thánh thót: “Anh mà đi với con nào, em cắt…”. Cô bạn tá hỏa nên đòi về ngay. Anh Hòa hết sức giải thích đây chỉ là nhạc chuông điện thoại do mấy anh bạn cùng phòng cài để trêu anh nhưng cô bạn vẫn không tha thứ và bữa tối đành phải hủy bỏ.

Tại siêu thị điện thoại Phước Lập Mobile trên đường Võ Thị Sáu, quận 3 đang áp dụng chính sách khuyến mãi dành cho khách mua máy: cài tặng nhạc chuông điện thoại miễn phí. Anh nhân viên tên Huy, giới thiệu: “Ở đây có đầy đủ nhạc chế và nhạc tuyển anh chọn nhạc nào, em chọn cho?”. Tôi hỏi có nhạc nào gây sốc không? Huy cười cho biết: Ở đây có cả thượng vàng hạ cám, từ lời rao “máy bay B52 Hà Nội” cho đến cả “bánh mì Sài Gòn”, anh thích cái nào em cài cho. Nếu thích trẻ thì cài bài “Đại ca ơi, có bồ gọi!”, thích nhí nhảnh thì cài “Bà già bắn máy bay, hôm nay đứt lưng quần…”, còn thích quậy thì cài nhạc chế “Con biết bây giờ mẹ chờ tin con, con sống một đời hành nghề đi chôm…” (xin nói rõ, đây là bài hát nằm trong danh mục nhạc cấm lưu hành, vậy mà vẫn có một số người dùng cài làm chuông điện thoại).

“Lẩu” thập cẩm!

Anh Nguyễn Hùng, chủ cửa hàng điện thoại Minh Sang nằm trước cửa chợ Phạm Thế Hiển (quận 8) cho biết: Các loại nhạc chế này người ta đổ đầy trên mạng, các cửa hàng chỉ cần lên đó tải về là có thể cung cấp cho khách. Có nơi cài miễn phí cho khách mua máy mới, có nơi cài dịch vụ 2.000đ/bản nhạc “độc”...

Nhạc chế cho chuông điện thoại: Từ phì cười đến… phản cảm! ảnh 2

Khách hàng ghi danh sách, chờ tải nhạc chuông điện thoại di động (ảnh chụp lúc 10g45 sáng nay,17-8, tại thegioididong). Ảnh: ĐỨC TRÍ

Điều đáng ngại là có những người muốn tạo sự chú ý của mọi người nên sẵn sàng cài vào điện thoại mình những lời chỉ dành cho chốn phòng the như “Vợ ơi, ngủ thôi” hoặc những câu quái đản như “Bẩm cụ…”, “Kính ngài, có điện thoại ạ”, “Đứa nào gọi ông đấy?”, “Đại ca đang ngủ, đừng làm phiền!”. Thậm chí, có chủ nhân còn cài hẳn đoạn ca cải lương: “Hãy nhấc máy đi anh, em đang chờ đang đợi. Anh mà không nhấc máy lên em bóp chết bây giờ…”.

Theo một cán bộ của Sở VHTT thành phố, việc sử dụng nhạc chuông điện thoại không đúng chỗ đã là làm phiền người khác và việc bắt họ nghe những lời lẽ khó nghe chính là 2 lần đã xúc phạm. Thật ra hiện nay khó có thể ép buộc hay yêu cầu người sử dụng phải cài nhạc chuông điện thoại theo kiểu  nào, bởi hiện chưa có quy định nào về vấn đề này. Cho nên, mọi người cứ cài thoải mái theo ý mình, như kiểu “lẩu thập cẩm”.

Cái “tôi” không đúng chỗ

Luật gia, Thạc sĩ Lại Thế Luyện, giảng viên Khoa Tâm  lý Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho biết, xu hướng sử dụng nhạc chuông điện thoại tùy ý đang là cách muốn thể hiện cái tôi của mỗi người hiện nay. Nhiều người cho rằng đây là quyền cá nhân của mình nên có thể cài nhạc chế tùy thích và mặc kệ cho người nghe có chịu được hay không. Nhiều người cho rằng nhạc chuông càng độc đáo thì người khác càng chú ý đến mình. Tuy nhiên đây là sự khẳng định cái tôi không đúng chỗ và sẽ khiến cho người khác đánh giá thấp về nhân cách của họ.

Đây là hành động nhỏ nhưng nếu không uốn nắn thì nó sẽ thành thói quen phát triển nhanh và ảnh hưởng đến việc phát triển nhân cách của một con người. Chưa kể đến, nếu những loại nhạc chuông nhảm nhí này mà người nước ngoài nghe và hiểu được, thì không biết họ sẽ nghĩ như thế nào về văn hóa Việt Nam! Trong tình trạng chưa có quy định của cơ quan chức năng về vấn đề này, cách ngăn chặn tốt nhất chính là sự tẩy chay của bạn bè, người nghe đối với sở thích có thể nói là thiếu văn hóa của người sử dụng chuông điện thoại kiểu “kinh dị”. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ đừng vì lợi ích trước mắt mà tiếp tay cho một kiểu sống lệch lạc của giới trẻ. Có như thế mới hy vọng dập tắt được loại nhạc chế nhảm nhí đang bùng phát quá nhanh này.

Việt Nhân

Tin cùng chuyên mục