Những tấm lòng vàng
Bà Mai Thị Hạnh (người sáng lập nhóm từ thiện “Chia sẻ - Sharing”, chúng tôi gọi là cô Tư), phu nhân nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, khi ấy đã gửi lời nhắn vào nhóm chat chung: “Bà con, chiến sĩ ở vùng bão lũ đang đói lạnh, rất cần sự giúp đỡ của cả nước; nhóm mình chung tay chia sẻ cơn ngặt này nhé anh, chị, em”. Chỉ một ngày sau tin nhắn ấy gửi đi, quỹ nhóm đã nhận được 2 tỷ đồng. 5 ngày sau, quỹ nhóm đã nhận 7 tỷ đồng và đoàn cứu trợ do cô Tư dẫn đầu khẩn trương di chuyển đến vũng lũ, bất kể ngày đêm, bằng đủ loại phương tiện để kịp chuyển 30 tấn lương thực, thực phẩm, chăn ấm, tân dược và gần 1 tỷ đồng tiền mặt đến gần 4.000 hộ dân trong vùng thiên tai. Trong cơn mưa ào ạt, người dân đứng trong mái hiên chờ nhận quà từ “Đoàn của bà Tư phu nhân” cứ nhấp nhổm tìm xem mặt, rồi hỏi “Bà Tư phu nhân, là ai đâu?”, “Người mặc áo mưa màu đỏ, đang vác hàng hóa trên vai kia, bà Tư đó”, “Sao được...?” - họ không tin, “bà phu nhân” hòa đồng và giản dị thế.
Trong hàng trăm chuyến đi tặng quà tết từ cực Bắc đến cực Nam Tổ quốc, có lẽ chuyến chở xuân sớm lên xã biên giới Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) để lại trong lòng thành viên của nhóm nhiều cảm xúc khó quên. Năm 2017, khi xã Thượng Phùng vào đợt đói giáp hạt, nhóm từ thiện “Chia sẻ - Sharing” đã có chuyến cứu trợ gấp. Để xe chạy đến xã chỉ có một con đường, đó là tuyến đường tuần tra biên giới. Nhiều tấn hàng của nhóm phải nhờ xe của bộ đội chuyên chở giúp. “Đá trước mặt, đá sau lưng, đá dưới gót chân, đá kề sát ngực…”, một sĩ quan biên phòng nói thế khi giúp chúng tôi đi qua “trận địa đá”, những vỉa đá tai mèo sắc lẻm. Để đưa được những thùng mì, bao gạo, đường, sữa,… từ xe quân đội đậu ngoài mé đường vào sân UBND xã, phải dùng sức người. Chẳng nề hà, Thượng tọa Thanh Phong (trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm), Đại đức Quảng Lâm và hai sư thầy khác cùng chiến sĩ biên phòng vác gạo trên vai, thùng mì cặp nách, tay xách thêm mấy gói đường, sữa... đi nhanh gọn như những “cửu vạn” chuyên nghiệp, để kịp phát quà cho bà con trước khi mặt trời trốn sau những ngọn núi cao.

Trời biên giới chiều xuống rất nhanh. Nhìn nhiều đứa trẻ môi tím rịm vì lạnh, đi những đôi dép mòn vẹt theo mẹ đi nhận hàng cứu trợ, cô Tư nén giọng, hỏi chị Út Huệ: “Có mang theo tiền đó không?”. Chị Thúy Nga (Tập đoàn Kiến Á), chị Thu Hà (nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM), bác sĩ Trương Ngọc Tuyết, Thảo Linh (TTC), chị Thúy Liên (Bệnh viện Phụ sản Quốc tế), cô Trang (Trường John Robert Powers Việt Nam) vốn là những thành viên trong nhóm lâu năm nên các chị hiểu ý câu hỏi ấy của cô Tư. Những xấp tiền mệnh giá 50.000 đồng, 100.000 đồng được các chị chuẩn bị sẵn, đã là món quà “tặng thêm” cho trẻ em, bà con dân tộc nơi rẻo cao. “Mai mốt đi, nhớ mua dép cho trẻ, để đá cắt chân… tội em”, cô Tư dặn chị Nhã và Út Huệ thế.
Nghĩa tình với những người gìn giữ biên cương
Trong nhiều chương trình hoạt động của nhóm mỗi năm, cô Tư luôn sắp xếp hoạt động tri ân thương binh, liệt sĩ, chăm sóc cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn.
Năm 1984, chiến tranh biên giới nổ ra. Tại Vị Xuyên (Hà Giang), chiến dịch MB84 được triển khai với quyết tâm giành lại những cao điểm 772, 468, 1059, 685 đã bị quân đội Trung Quốc chiếm giữ trái phép, sư đoàn 356 là đơn vị chủ lực của chiến dịch. Cao điểm 685 (mệnh danh: lò vôi thế kỷ) với vị trí trọng yếu E5, là nơi đặt cột cờ thị uy của quân xâm lược. Khi ta bắn đổ cột cờ này, chiếm lại cao điểm 685, Bộ Tư lệnh tiền phương kiểm quân lại, đau đớn biết rằng: Chỉ trong một ngày 12-7-1984, 600 cán bộ, chiến sĩ sư đoàn 356 đã hy sinh.
Ngày 12-7 hàng năm được xem là ngày “giỗ trận”, cho hơn 4.000 chiến binh nhiều đơn vị đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ vùng đất biên cương tại Hà Giang. Khi biết, trong ngày “giỗ trận”, nhiều cựu chiến binh và gia đình liệt sĩ không thể lên Vị Xuyên, nơi người thân, đồng đội còn nằm lại dưới thung sâu, do không đủ chi phí đi lại. Họ chỉ có thể bái vọng và gửi theo đồng đội lên Vị Xuyên bó nhang, tờ giấy ghi tên họ người thương cùng danh số quân nhân. Cô Tư nghe chuyện, lòng quá xót xa đã giao trách nhiệm cho những người phụ trách nhóm là chị Nhã (doanh nhân quận 5) và chị Tranh (nguyên Phó Tổng giám đốc Coopmart): “Nhóm Chia sẻ - Sharing mình sẽ đài thọ xe đưa đón 500 cựu chiến binh và gia đình liệt sĩ đến Vị Xuyên để cùng dự bữa giỗ chung”. Và, từ năm 2018, những chuyến xe tri ân, những bữa giỗ lớn nhất vùng biên giới Vị Xuyên, được nhóm Chia sẻ - Sharing tổ chức.
Lại nghe kể, nhiều cựu chiến binh, gia đình liệt sĩ của sư đoàn 356 có hoàn cảnh ngặt, nghèo, lần này cô Tư không nhắn tin, cô thủ thỉ với các mạnh thường quân trong nhóm “xin ý kiến” tặng 100 căn nhà, trị giá 70 triệu đồng/căn, cho các đối tượng trên. Nói tặng 100 căn nhà, nhưng khi nhận danh sách do Hội Cựu chiến binh sư đoàn 356 gửi, có thêm hơn 200 hoàn cảnh khó khăn khác. Mỗi hoàn cảnh “xin thêm” được gia đình cô Tư, khi thì chị Cao Ngọc Dung (PNJ), chị Bích Ngọc (TTC), lần khác là chị Đặng Thu Thủy, Đặng Thu Hà (ACB), má Phương (Việt kiều Thái Lan), lúc do bác sĩ Trương Ngọc Tuyết, cô Kim Chi (Epsi), gia đình anh Trọng Dũng (Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM), hay do anh chị Quốc Anh - Thủy, Khanh - Yến, Kim Mỹ, Thanh Vân (Công ty Tự Lực)... góp tặng.
Ngày tổng kết chương trình, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân cùng các mạnh thường quân đã ngạc nhiên khi cuối cùng, có 356 căn nhà (tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng) được bàn giao cho cựu chiến binh và gia đình liệt sĩ, khớp với phiên hiệu của sư đoàn 356 trước đó.
Cây nhân ái năm xưa đã nở hoa
Những năm đầu thành lập, nhóm chỉ gồm gia đình cô Tư và 15 bạn cùng chí hướng, thường đi đến các nghĩa trang ở Trường Sơn, đường 9 Nam Lào, Thành cổ Quảng Trị… để trao tặng nhà nghĩa tình, tặng vốn làm ăn cho cựu chiến binh, các chị cựu TNXP thời chống Mỹ. “Cây nhân ái” cô Tư gieo mầm năm xưa, giờ đã nở hoa thành nhóm thiện nguyện “Chia sẻ - Sharing” với gần 50 thành viên và hàng chục chương trình thiện nguyện hàng năm, được thực hiện từ cực Bắc đến cực Nam Tổ quốc.
Sau chuyến đi “cứu khát”, tặng 200 giếng ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, bà Mai Thị Hạnh nói với tôi: “Việc thực hiện chính sách an sinh xã hội là việc của nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhà nước lo những chương trình an sinh tầm vĩ mô, còn chúng mình làm thiện nguyện hợp khả năng để chia sẻ khó khăn với những vùng quê nghèo, biên giới xa xôi và giúp người nghèo thoát ngặt. Những cây cầu, ngôi trường, mái ấm, quà tết… không chỉ là món quà vật chất mà ẩn chứa trong đó là tấm lòng biết “sống vì mọi người” của những người thiện tâm cả nước…”.
Không cần danh hiệu, không cần ghi nhận, bà Mai Thị Hạnh chọn làm điều tử tế như một niềm hạnh phúc của cuộc đời.
