Nông dân học tập nhiều mô hình nông nghiệp

Nhằm giúp nông dân có điều kiện trao đổi, học tập kinh nghiệm, phát triển kinh tế, Trung tâm Khuyến nông TPHCM vừa tổ chức hội thảo giới thiệu các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về trồng dưa lưới và sản xuất rau thủy canh cho các hộ nông dân tham khảo, thực hiện. 

 

Các kỹ sư nông nghiệp trẻ đang chăm sóc dưa lưới trong nhà màng ở ngoại thành TPHCM
Các kỹ sư nông nghiệp trẻ đang chăm sóc dưa lưới trong nhà màng ở ngoại thành TPHCM

Trong đó, mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao được xem là mô hình nông nghiệp ứng phó tốt với tình hình biến đổi khí hậu, phù hợp với quá trình đô thị hóa và có lợi nhuận cao, như mô hình trồng dưa lưới của Công ty Nông Phát (ấp 7, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn), mô hình trồng dưa lưới của Công ty TNHH TM-XD Lê Hoàn Vũ (ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn). Đây là những mô hình áp dụng công nghệ trồng trong nhà màng 2 mái cố định có cảm biến nhiệt, bổ sung dinh dưỡng qua hệ thống tưới nhỏ giọt, ứng dụng hệ thống điều khiển thông minh qua smartphone… đạt hiệu quả kinh tế cao.
 
Đồng thời, Trung tâm Khuyến nông TPHCM còn giới thiệu mô hình trồng rau thủy canh không cần đất và được trồng trong dung dịch dinh dưỡng hoặc giá thể (cát, trấu, xơ dừa, than bùn…) để tạo ra những sản phẩm chất lượng an toàn, ít sâu bệnh, tiết kiệm công chăm sóc, thuốc trừ sâu, thân thiện với môi trường… như mô hình trồng rau thủy canh của Công ty VH Farm (ấp 5, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn), mô hình trồng rau thủy canh của Công ty SG12 (ấp 1, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn)… là mô hình áp dụng công nghệ trồng trong nhà màng 2 mái cố định, bổ sung dinh dưỡng qua hệ thống tưới nhỏ giọt với các loại rau>
 
Đại diện những hộ tham gia mô hình, ông Nguyễn Văn Hai (ấp 5, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) cho rằng, hội thảo giúp nhiều hộ nông dân có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ những đơn vị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; qua đó có thể mạnh dạn đầu tư mô hình, giúp phát triển kinh tế ngày càng bền vững hơn.

Tin cùng chuyên mục