Nông nghiệp Đồng Nai gặp khó

Còn chưa đầy 2 tuần nữa là tới Tết Mậu Tuất 2018, nhưng ước mong một cái tết sung túc của nhiều bà con nông dân Đồng Nai có lẽ khó trở thành hiện thực vì tình trạng mất mùa, mất giá.
 Nhiều chủ trang trại heo ở Đồng Nai buồn vì giá heo không tăng
Nhiều chủ trang trại heo ở Đồng Nai buồn vì giá heo không tăng
Hết kỳ vọng heo tết
Tình hình sản xuất, chăn nuôi trong năm 2017 và đầu năm 2018 đến nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn chưa khởi sắc. Vụ heo Tết 2018 đang rất gần nhưng giá cả thị trường vẫn không mấy thuận lợi cho các hộ chăn nuôi, mức giá mới khiến người nuôi heo “vỡ mộng”. Ông Nguyễn Văn Chung, chủ trang trại heo ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, cho biết giá heo hơi hiện giờ chỉ dao động khoảng 30.000 - 31.000 đồng/kg, tăng 1.000 - 2.000 đồng so với thời điểm giải cứu heo hồi giữa năm 2017. Mức giá này mới chỉ hòa vốn chứ chưa có lời. “Gia đình tôi có 200 con heo thịt xuất chuồng nhưng thị trường lại đang xuống giá. Cách đây 1 tuần, thương lái trả giá 31.000 đồng/kg nhưng tôi không chịu. Giờ muốn bán giá này thì không ai mua...”, ông Chung than thở.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, cho biết, nguyên nhân chính là do cung vượt cầu. Thống kê trong đợt gần đây nhất, tổng đàn heo của toàn tỉnh là khoảng hơn 1,9 triệu con, tăng 300.000 con so với cùng kỳ năm 2016 và tăng 500.000 con so với cùng kỳ năm 2015. Một nguyên nhân nữa là hiện Trung Quốc đang tạm ngừng nhập heo của Việt Nam, nên ảnh hưởng đến giá heo trong nước. Dự báo với tình hình thực tế trên, giá heo dịp tết này sẽ không có biến động nhiều so với hiện tại. Có thể vào một số ngày cao điểm, giá sẽ tăng lên chút ít nhưng đây là do sự làm giá của thương lái chứ không phải do nguồn cung thiếu.
Trong khi giá heo hơi đang có chiều hướng giảm giá thì giá gà liên tục giữ ở mức cao. Hiện Đồng Nai có tổng đàn gà khoảng gần 21 triệu con, trong đó giá gà ta dao động 60.000 - 70.000 đồng/kg, gà tam hoàng khoảng 40.000 đồng/kg, gà công nghiệp khoảng 26.000 đồng/kg. Cũng nhờ năm 2017 Đồng Nai đã xuất khẩu được gà chế biến qua Nhật Bản với khoảng 170 tấn/tháng, nhưng số lượng này mới chỉ đáp ứng được một nửa số lượng so với hợp đồng đã ký kết với Nhật. Để đảm bảo hợp đồng, Công ty TNHH Koyu & Unitek đang triển khai hợp tác với một số trang trại khác để mở rộng chăn nuôi, tăng thêm sản lượng gà xuất sang Nhật.
Cây trái thất thu
Trong những ngày cuối tháng 1, gia đình anh Lan, ngụ ấp Ngô Quyền, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất đang vất vả với việc chăm sóc mai. Theo anh Lan, với người trồng mai, năm nay thời tiết khắc nghiệt nhất từ trước đến nay. Mặc dù có thâm niên gần 30 năm trong nghề và thực hiện nhiều biện pháp kỹ thuật khống chế không cho mai nở nhưng mưa trái mùa trung tuần tháng 1 kéo dài làm cho vườn mai của gia đình anh bị bung nụ, nở rộ, thiệt hại rất lớn. Đó cũng là tình trạng chung của nhiều nhà vườn trồng mai tết tại huyện Thống Nhất hiện nay. Trước đó thì thời tiết đang thuận lợi nắng nóng, mai phát triển tốt, hứa hẹn một vụ bội thu, nhưng nào ngờ những ngày mưa trái mùa xuất hiện khiến nhiều chủ vườn không kịp trở tay.
Hợp tác xã xoài Suối Lớn (xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) hiện có hơn 310ha xoài đang thời kỳ ra hoa, theo quy luật sẽ thu hoạch vào tháng 4. Tuy nhiên, những ngày qua, mưa làm xoài rụng hoa, mắc các bệnh như thán thư, phấn trắng, sương mai. Đặc biệt, sâu ăn hoa phát triển ngày một nhiều, có những gốc xoài chỉ sau một đêm bị loại sâu cắn sạch hoa. Để ngăn chặn sâu bệnh, người dân trong hợp tác xã đã dùng thuốc để phun xịt, hãm không cho xoài ra hoa. Hiệu quả như thế nào cũng còn phụ thuộc vào thời tiết, nếu trời nắng, cây xoài sẽ được cứu, trường hợp mưa là mất trắng. “Tết năm trước, Hợp tác xã xoài Suối Lớn xuất ra miền Bắc, miền Trung 500 tấn xoài, song năm nay dự kiến chỉ được khoảng 300 tấn. Quan sát thời tiết thời gian qua sẽ thấy năm 2018 là một năm khó khăn với người trồng xoài, nhiều khả năng mất mùa nặng hơn năm trước”, ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc Hợp tác xã xoài Suối Lớn, nói.
Tình hình cũng tương tự với Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Tân Triều. Dịp Tết Nguyên đán 2018, sản lượng bưởi của hợp tác xã đạt khoảng 850 tấn, giảm 150 tấn so với Tết 2017. Theo ông Tuấn, chủ của vườn bưởi gần 1ha thì năm 2017 là năm nhuần, thời tiết có nhiều biến động bất thường nên năng suất bưởi giảm, lượng hoa đậu quả ít hơn các năm trước khiến các vườn không có nhiều sản phẩm phục vụ tết.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh,  Đồng Nai hiện có hơn 172.000ha cây trồng; trong đó có gần 11.500ha xoài, khoảng 40.000ha điều. Năm 2017, toàn tỉnh có hơn 41.000ha xoài, điều bị thiệt hại do biến đổi khí hậu. Để giúp người dân ổn định sản xuất, tỉnh Đồng Nai chi khoảng 83 tỷ đồng hỗ trợ, trung bình mỗi hécta xoài, điều thiệt hại vì mưa trái mùa được hỗ trợ 2 triệu đồng. Bước vào năm 2018, thời tiết ở Đồng Nai tiếp tục biến đổi, không theo quy luật, dù đang là mùa khô nhưng mưa vẫn xuất hiện. Do đó dự báo năm 2018 sẽ tiếp tục là năm khó khăn với ngành nông nghiệp Đồng Nai.

Tin cùng chuyên mục