Đồng bằng sông Cửu Long: Nông thôn mới - Sức bật mới

Thời gian qua, nông nghiệp - nông dân - nông thôn ĐBSCL từng bước vượt khó khăn để ổn định và phát triển. Nhiều địa phương đã triển khai Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các xã điểm theo chương trình của Chính phủ, với mong muốn nâng cao mọi mặt đời sống nông dân ở nông thôn.
Đồng bằng sông Cửu Long: Nông thôn mới - Sức bật mới

Thời gian qua, nông nghiệp - nông dân - nông thôn ĐBSCL từng bước vượt khó khăn để ổn định và phát triển. Nhiều địa phương đã triển khai Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các xã điểm theo chương trình của Chính phủ, với mong muốn nâng cao mọi mặt đời sống nông dân ở nông thôn.

  • Sức bật mới

Cuối tháng 8-2010, UBND tỉnh Hậu Giang đã tổ chức lễ công nhận 3 xã: Vị Thanh (huyện Vị Thủy), Vĩnh Viễn (huyện Long Mỹ) và Tân Tiến (TP Vị Thanh) đạt chuẩn xã NTM. Đây cũng là 3 xã đầu tiên của ĐBSCL “về đích” trong chương trình này.

Là xã vùng sâu, nhưng Trường THPT xã Vị Thanh (huyện Vị Thủy - Hậu Giang) đã trang bị được phương tiện học tập hiện đại.
Là xã vùng sâu, nhưng Trường THPT xã Vị Thanh (huyện Vị Thủy - Hậu Giang) đã trang bị được phương tiện học tập hiện đại.

Tại xã Vị Thanh, sản xuất công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng mạnh; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 15 triệu đồng/người/năm (cao gấp 2 lần so với thời điểm bắt đầu xây dựng); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,7%; các tiêu chí như phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng mở rộng đều đạt 100%. Tại xã Vĩnh Viễn, mức thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ 5,5 triệu đồng/người (năm 2005) lên 12,779 triệu đồng/người vào năm 2010.

Theo đồng chí Nguyễn Chiến Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang, xây dựng NTM là cơ sở để CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn gắn với đô thị hóa nông nghiệp. Bằng chứng là chỉ sau 5 năm xây dựng, bộ mặt các xã Vị Thanh, Vĩnh Viễn… ngày càng khởi sắc, đời sống người dân sung túc.

Không chỉ riêng Hậu Giang, nhiều địa phương trong vùng đã bắt tay xây dựng NTM với nhiều phương pháp khác nhau. Tại Cà Mau và Bến Tre, chương trình xây dựng hàng ngàn cầu giao thông nông thôn để xóa cầu khỉ đến nay đã hoàn thành những bước cơ bản, tạo ra hệ thống giao thông an toàn, thông suốt ở vùng đất kênh rạch dày đặc. Bến Tre hiện đã hoàn thành cây cầu thứ 1.000, sau khi hoàn thành hàng ngàn kilômét đường giao thông nông thôn. Trong khi đó, chương trình xây dựng 1.588 cây cầu tại Cà Mau ngày càng nhận được sự quan tâm, đồng thuận và chia sẻ của cộng đồng.

Tại Bạc Liêu, Đảng bộ và chính quyền huyện Phước Long đã chủ động ban hành đề án về xây dựng NTM phát triển toàn diện với 30 tiêu chí, trong đó có 8 tiêu chí về lĩnh vực kinh tế. Từ đó, huyện phát huy được tiềm năng, lợi thế trên cả hai vùng sản xuất. Đến nay, kinh tế huyện phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng đạt 15-16%; thu nhập bình quân 15,5 triệu đồng/người/năm, gấp 2,5 lần so với năm 2005. Huyện đã tạo được bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa cây trồng - vật nuôi, nhân rộng mô hình sản xuất kết hợp bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích. Hiện nay, Phước Long là huyện được Bộ NN- PTNT chọn để tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, trở thành huyện thứ 5 trong cả nước được chọn thí điểm xây dựng mô hình này.

  • Hướng đi mới

Cụ thể Nghị quyết Trung ương 7, khóa X, tháng 4- 2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 491/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí quốc gia (gồm 19 tiêu chí) về NTM. Đây là cơ sở để chỉ đạo thí điểm xây dựng mô hình NTM nhằm thực hiện các mục tiêu quốc gia về nông thôn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 sẽ được thực hiện ở tất cả các xã trên phạm vi toàn quốc, theo phương châm dựa vào nội lực cộng đồng, địa phương, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần trực tiếp để phát huy sự đóng góp của cộng đồng.

Xây dựng nông thôn mới là hiện thực hóa Nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Trong ảnh: Nông dân huyện Thoại Sơn (An Giang) thu hoạch lúa.

Xây dựng nông thôn mới là hiện thực hóa Nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Trong ảnh: Nông dân huyện Thoại Sơn (An Giang) thu hoạch lúa.

Chương trình sẽ tập trung vào 5 nội dung cơ bản: đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; hỗ trợ phát triển sản xuất và xây dựng các hình thức sản xuất có hiệu quả trong nông thôn; xây dựng đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh ở nông thôn và bảo vệ, phát triển nâng cao chất lượng môi trường nông thôn.

Trước mắt, từ nay đến năm 2015, phấn đấu trong cả nước sẽ có hơn 20% (trong tổng số gần 10 ngàn xã) đạt chuẩn NTM, thu nhập dân cư nông thôn tăng hơn 1,5 lần, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 8%. Đến năm 2020, con số này sẽ là 50% số xã (tương đương 5 ngàn xã) đạt tiêu chuẩn NTM, thu nhập dân cư tăng gấp 2 lần và tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 3%... Từ những thành công bước đầu của mô hình xây dựng NTM ở ĐBSCL, có thể thấy rằng việc triển khai Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà chủ lực là chương trình xây dựng NTM là hướng đi đúng, đáp ứng được yêu cầu bức thiết của quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn hiện nay. Từ khi triển khai nghị quyết đến nay, đời sống người nông dân đã có nhiều bước thay đổi quan trọng, đặc biệt là tư duy về xây dựng NTM.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng NTM không thể theo phong trào, mà phải là thực chất. “Muốn xây dựng được NTM, phải có người nông dân mới, người nông dân đó phải am hiểu, sử dụng được kiến thức và thiết bị khoa học - kỹ thuật, ý thức, tư duy của người nông dân cũng phải thay đổi” - TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, nhìn nhận.

TS Nguyễn Văn Sánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển ĐBSCL (Trường ĐH Cần Thơ), cho rằng: Hiện tại có vô số khó khăn, thách thức đối với nông nghiệp và nông dân ĐBSCL trong quá trình phát triển. Đại bộ phận nông dân còn nghèo, sản xuất nhỏ lẻ do thiếu vốn, sự hiểu biết và ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Chưa kể, họ không có thói quen hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm (sản xuất nhỏ lẻ, cá thể manh mún) nên càng gặp khó khăn khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Ngoài ra, có lẽ ai cũng nhìn thấy thực trạng sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL hiện nay là hàng hóa kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh và an toàn thực phẩm, giá thành sản xuất cao và không ổn định, dẫn đến khó cạnh tranh với những nước trong khu vực. TS Sánh đề nghị các ngành các cấp cần xây dựng mạng lưới tri thức cho “tam nông” vùng thông qua mối liên kết “bốn nhà”. Mối quan hệ và cơ chế liên kết này sẽ làm tri thức của “bốn nhà” không ngừng được nâng cao một cách tự nhiên. Đó cũng là mối tác động liên quan xây dựng đội ngũ trí thức và công tác thanh niên liên quan phát triển vùng ĐBSCL. Khi “bốn nhà” liên kết lại chắc chắn sẽ tạo một động lực rất lớn để phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Rõ ràng, giải quyết vấn đề “tam nông” và xây dựng NTM ở ĐBSCL là làm sao phải đạt mục tiêu toàn diện: tăng thu nhập, tạo cơ hội việc làm và tăng mức sống người dân nông thôn, đóng góp bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, sản xuất hàng hóa lớn có lợi thế so sánh vùng. Ngoài ra còn phải bảo đảm an ninh nông thôn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời phát huy được những tập quán tốt của người dân ĐBSCL

TRẦN MINH TRƯỜNG

Chuyên gia kinh tế PHẠM CHI LAN:

Để triển khai tốt chính sách của Đảng, Nhà nước về vấn đề nông nghiệp - nông thôn - nông dân, theo tôi phải thực sự quan tâm đến nông dân, đến cuộc sống của họ, phải lấy đó làm trung tâm để xây dựng những chính sách, chương trình phục vụ lợi ích cho họ. Việc quan tâm phải thể hiện một cách tổng thể từ vấn đề đất đai đến hướng dẫn, hỗ trợ để họ làm việc hiệu quả nhất, có thu nhập khác ngoài nông nghiệp (việc làm, hạ tầng, giáo dục...).

Hiện nay chính sách về “tam nông” đã được đưa ra nhưng nếu thiết kế chương trình chung cho tất cả sẽ không thể phù hợp. Trong khi nông thôn các miền có sự khác nhau, nếu không thực sự hiểu cuộc sống của người nông dân ở từng nơi mà lại đưa ra một chương trình chung thì rất khó thành công, hiệu quả chắc chắn không cao.

Nhà nước có nhiều chương trình cho nông dân nhưng người được thụ hưởng thấp nhất chính là nông dân. Nông dân càng ở xa thì càng khó khăn trong việc thụ hưởng chính sách. Vì vậy, thực thi chính sách “tam nông”, theo tôi quan trọng nhất phải là người nông dân. Phải thiết kế các chương trình cụ thể cho họ, đừng để họ xa cách với chính sách.

Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề VN VŨ QUỐC TUẤN:

“Tam nông” là một chính sách quan trọng để đưa nông nghiệp Việt Nam đi lên. Nông dân của chúng ta được thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội quá thấp, nhất là ở khu vực ĐBSCL.  Phải nâng cao trình độ của họ về mọi mặt, cho họ thụ hưởng các thành quả đổi mới, đặc biệt là kiến thức về khoa học công nghệ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, quản lý hợp tác xã, gia đình... Tóm lại là phải đặt nông dân vào trung tâm của sự phát triển nông thôn.

Bên cạnh nông dân, nông thôn cũng rất quan trọng. Đây là vấn đề xã hội. Xã hội nông thôn là nền tảng của xã hội Việt Nam. Củng cố nông thôn là củng cố quan hệ xã hội Việt Nam. Theo tôi, phải phát triển nông thôn thành một xã hội mới, nơi phát triển hài hòa các mối quan hệ của các giai tầng khác nhau. Xã hội nông thôn với các mối quan hệ đoàn kết, tương trợ giữa con người với con người, các cộng đồng nhỏ, nếu không phát triển xã hội ấy thì cộng đồng sẽ rất rời rạc, tức là không thể phát triển thành một xã hội Việt Nam hiện đại được.

P.THẢO ghi

Tin cùng chuyên mục