30 năm khai thác Đồng Tháp Mười: Vùng đất phèn thành vựa lúa

Ngày 1-12, tại thành phố Cao Lãnh, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp cùng các bộ ngành liên quan tổ chức hội thảo “Tổng kết 30 năm khai thác Đồng Tháp Mười”. Đây là hội thảo quan trọng đánh giá kết quả đạt được, đồng thời rút kinh nghiệm tìm hướng phát triển nhanh vùng Đồng Tháp Mười trong thời gian tới.
30 năm khai thác Đồng Tháp Mười: Vùng đất phèn thành vựa lúa

Ngày 1-12, tại thành phố Cao Lãnh, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp cùng các bộ ngành liên quan tổ chức hội thảo “Tổng kết 30 năm khai thác Đồng Tháp Mười”. Đây là hội thảo quan trọng đánh giá kết quả đạt được, đồng thời rút kinh nghiệm tìm hướng phát triển nhanh vùng Đồng Tháp Mười trong thời gian tới.

  • Chinh phục thiên nhiên

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh: Đồng Tháp Mười có diện tích tự nhiên rộng 696.000ha trải dài trên 3 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An. Dù là vùng hoang hóa, bị nhiễm phèn nặng nhưng Đồng Tháp Mười có tiềm năng rất to lớn. Vì vậy cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, người Pháp đã “thử sức” khai thác Đồng Tháp Mười nhằm biến nơi đây thành trung tâm xuất khẩu lúa gạo lớn nhất Đông Dương.

Pháp đã sử dụng các phương tiện sản xuất hiện đại nhất thời đó để đào các con kênh như: Phước Xuyên, Dương Văn Dương, Nguyễn Văn Tiếp… và đưa nhiều nhà khoa học đến nghiên cứu, khảo sát, thực hiện nhiều đề tài, dự án nhưng cuối cùng không thể chinh phục được vùng đất hoang này.

Khai thác tốt Đồng Tháp Mười đưa năng suất lúa tăng vọt.

Khai thác tốt Đồng Tháp Mười đưa năng suất lúa tăng vọt.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (năm 1975), để giải quyết nạn thiếu lương thực, thiếu đói…, một vấn đề lớn được đặt ra là làm thế nào chinh phục, cải tạo Đồng Tháp Mười thành vùng trọng điểm sản xuất và cung cấp lương thực, thực phẩm cho cả nước.

Năm 1980, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã triệu tập cán bộ lãnh đạo 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang để chỉ đạo khai thác Đồng Tháp Mười, tìm mọi cách biến vùng phèn thành vùng đất trù phú cả về nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch…

Ý Đảng hợp lòng dân, công cuộc chinh phục Đồng Tháp Mười được triển khai rầm rộ. Lão nông Nguyễn Văn Đính, ở xã Phú Thọ, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) nhớ lại: “Thời gian đầu vất vả vô cùng, đất đai bị phèn mặn trồng lúa không hiệu quả, trồng màu cũng không xong. Hàng loạt hộ di cư vào Đồng Tháp Mười không được bao lâu đã bỏ chạy vì không chịu nổi sự hà khắc của thiên nhiên. Tôi quyết bám trụ, tìm cách hạ phèn để trồng lúa. Mưa dầm thấm sâu, phèn từng bước đẩy lùi và lúa xanh mọc lên trên cánh đồng Tam Nông rộng lớn”.

Ông Nguyễn Thanh Phong, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp vui vẻ nói: “Nhờ xử lý được đất phèn và cải cách trồng lúa đã đưa sản lượng lúa ở tỉnh từ 260.000 tấn vào năm 1975 tăng lên trên 1 triệu tấn năm 1988 và nay đạt khoảng 2,8 triệu tấn”.

TS Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN- PTNT Đồng Tháp, cho rằng: Phát triển thủy lợi là một trong những khâu đột phá để chinh phục Đồng Tháp Mười. Chỉ tính từ năm 1976 đến 1990, tỉnh đã thực hiện 131 kênh tạo nguồn, dài trên 852km, kinh phí 172 tỷ đồng. Ngoài ra, người dân góp 60 tỷ đồng làm bờ bao, đào kênh nội đồng…

Đến nay, hệ thống kênh các cấp phân bổ đều khắp vùng Đồng Tháp Mười; cống thoát nước, lấy nước đảm bảo không chỉ cho sản xuất lúa 3 vụ/năm mà cả nuôi thủy sản, trồng rau màu, cây ăn trái… Nhờ đó mà năng suất lúa từ 1,5 tấn/ha vào năm 1976, đến nay vụ đông - xuân đạt gần 7 tấn/ha.

  • Chọn hướng đi nào?

Có thể nói, sau 30 năm “tiến công vào Đồng Tháp Mười” đã tạo ra bộ mặt mới trên vùng đất hoang hóa. Ngoài việc tăng năng suất, sản lượng lúa, còn tạo được hệ thống giao thông nông thôn hoàn chỉnh, cơ sở hạ tầng không ngừng cải thiện, đời sống người dân thay đổi rõ rệt.

GS-TS Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, cho rằng để có được một Đồng Tháp Mười như hôm nay, sự đóng góp của người dân “chịu cực- chịu khổ” là rất quan trọng. Dù vậy, vẫn còn không ít hộ đời sống khó khăn, do đó cần có cái nhìn chính xác hơn về Đồng Tháp Mười để tìm cách phát triển hiệu quả trong thời gian tới.

Nhiều ý kiến đặt vấn đề: Tới đây, Đồng Tháp Mười sẽ đi lên bằng mô hình nào, hay cứ dựa mãi vào cây lúa thì liệu người dân có làm giàu được? Bên cạnh đó, cần nghiên cứu mùa vụ sản xuất phù hợp trong điều kiện thiếu nước ngọt và nguy cơ biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng Thư ký Liên hiệp Các hội UNESCO thế giới, Chủ tịch Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam, nêu ý kiến: “Phát triển Đồng Tháp Mười hài hòa và bền vững đang là vấn đề bức bách đặt ra. Làm sao khai thác hết tiềm năng Đồng Tháp Mười nhưng vẫn giữ được những giá trị đa dạng vốn có, giữ môi trường sinh thái… mới là cái khó. Nên tính toán kỹ lợi ích kinh tế trước mắt với phát triển lâu dài, đồng thời giữ được giá trị thiên nhiên cho thế hệ mai sau”.

Các nhà khoa học lo ngại khi chúng ta đang có một Vườn quốc gia Tràm Chim mà cả thế giới phải mơ ước bởi sự đa dạng sinh học và được ví như Đồng Tháp Mười thu nhỏ nhưng quá trình giữ gìn và phát triển chưa như ý muốn. Nạn xâm hại vườn tràn lan, cháy rừng liên tục, săn bắt cá, tôm, chim, thú… vô tội vạ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái Tràm Chim.

Tiến sĩ Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An, trăn trở: “Mỗi khi nhắc đến Đồng Tháp Mười nhiều người nghĩ ngay đến cây tràm. Vậy mà nhiều năm qua từ Long An sang Tiền Giang, Đồng Tháp hàng loạt diện tích trồng tràm bị phá tràn lan bởi giá trị kinh tế kém. Giữ cây tràm trên vùng Đồng Tháp Mười là cần thiết, không chỉ mang đặc trưng cho vùng mà nó còn bảo vệ môi trường sinh thái”.

PGS-TS Hồ Chín, nguyên Viện trưởng Viện Địa lý tài nguyên TPHCM, đề xuất: “Song hành cùng nông nghiệp nên nghiên cứu quy hoạch phát triển Đồng Tháp Mười về dân cư, đô thị, giao thông, thương mại, thu hút đầu tư… Phải làm đồng bộ thì đời sống người dân mới cải thiện nhanh”.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, từ hội thảo này sẽ có cái nhìn toàn diện về những thành tựu và hạn chế để rút ra nguyên nhân. Đồng Tháp sẽ phối hợp cùng các tỉnh, các bộ ngành liên quan, nhà khoa học… tìm hướng đi mới thúc đẩy Đồng Tháp Mười phát triển phù hợp với tiềm năng, hài hòa giữa kinh tế và bảo tồn sinh thái. 

H.P.LỢI 

Khai mạc Lễ hội Sinh vật cảnh và thương mại ĐBSCL 2010

Tối 1-12, tỉnh Đồng Tháp đã khai mạc chuỗi chương trình lễ hội kỷ niệm 30 năm khai thác vùng đất Đồng Tháp Mười với nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội diễn ra tại TP Cao Lãnh từ ngày 1-12 đến 5-12-2010. Với chủ đề “Nơi đàn sếu bay về”, đêm khai mạc, biểu diễn nghệ thuật được dàn dựng công phu, tái hiện những nét văn hóa đặc trưng của vùng ngập nước Đồng Tháp Mười trải qua trong suốt 30 năm hình thành và phát triển.

Nằm trong chuỗi sự kiện này, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2010, Lễ hội Sinh vật cảnh và thương mại ĐBSCL 2010 thu hút 500 gian hàng của đơn vị, nghệ nhân ở Đồng Tháp và các tỉnh lân cận tham gia, giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật hoa cảnh độc đáo.

Một trong những sự kiện quan trọng của lễ hội là lễ khánh thành công trình bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, sẽ diễn ra hôm nay (2-12) tại khu di tích TP Cao Lãnh.

M.HẠNH

Tin cùng chuyên mục