Sản xuất nông nghiệp chất lượng cao - Hướng đi bền vững

Bài 3: Lời giải từ các mô hình hiệu quả

Hiện nay, tại ĐBSCL, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao theo tiêu chuẩn Viet GAP, Euro GAP đã mang lại hiệu quả cao. Đây hướng đi đúng để thời gian tới chúng ta có cơ sở triển khai đề án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) mà Chính phủ đã ban hành.
Bài 3: Lời giải từ các mô hình hiệu quả

Hiện nay, tại ĐBSCL, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao theo tiêu chuẩn Viet GAP, Euro GAP đã mang lại hiệu quả cao. Đây hướng đi đúng để thời gian tới chúng ta có cơ sở triển khai đề án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) mà Chính phủ đã ban hành.

Triển vọng từ Global GAP

Tháng 2-2009, HTX Nông nghiệp Mỹ Thành (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đón nhận giấy chứng nhận sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn quốc tế Global GAP. Để có được giấy chứng nhận này, nông dân xã Mỹ Thành Nam đã có cả một quá trình liên tục ứng dụng thành công các thành tựu khoa học thông qua các chương trình, đề tài, dự án khoa học như: Sức khỏe hạt giống; Cánh đồng lúa sạch; 3 giảm, 3 tăng…

Trong quá trình áp dụng tiêu chuẩn Global GAP vào sản xuất cho thấy năng suất lúa cao hơn và chất lượng ổn định hơn, giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập cho nông dân. Hơn thế, nông dân không phải lo tìm đầu ra cho sản phẩm của mình, không bị thương lái ép giá vì toàn bộ số lúa làm ra đã được Công ty ADC bao tiêu với giá cao hơn thị trường 20%. Đây là thành công bước đầu rất phấn khởi của nông dân Tiền Giang.

Tại Bạc Liêu,  giống lúa “Một bụi đỏ”  sau khi phục tráng đã được UBND tỉnh Bạc Liêu nhanh chóng đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho gạo Một bụi đỏ. Đến nay, cả nước có 15 nông sản được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Trong đó, gạo “Một bụi đỏ Hồng Dân” là nông sản thứ 14 và là loại gạo thứ hai được cấp chỉ dẫn địa lý sau gạo Tám Xoan (Hải Hậu, Nam Định). Năm 2009, Bạc Liêu đã ký được hợp đồng xuất khẩu gạo “Một bụi đỏ Hồng Dân” với sản lượng lớn sang châu Âu - một trong những thị trường khó tính. Trong một nỗ lực tương tự, Công ty TNHH Gạo Việt thuộc Gentraco (Cần Thơ) đã ký hợp đồng với Tập đoàn Oriental Merchant xuất khẩu gạo thơm đặc sản, gạo trắng đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm vào các siêu thị tại Australia và New Zealand.

Bài 3: Lời giải từ các mô hình hiệu quả ảnh 1

Cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa góp phần nâng cao giá trị hạt gạo trên thị trường quốc tế. Ảnh: N.MINH

Trong lĩnh vực sản xuất cây ăn trái, mô hình GAP cũng mang lại hiệu quả nhất định. Từ năm 2007, HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã triển khai mô hình Global GAP với 33 hộ nông dân tham gia trên diện tích 12ha. Đến năm 2008, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP trên diện tích 7ha. Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT, Chủ tịch Hội làm vườn tỉnh Tiền Giang cho biết: “Từ việc xây dựng thành công mô hình Global GAP trên vú sữa Lò Rèn, tỉnh đang có chủ trương áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP sang các loại cây trồng khác”.

Tại Bến Tre, HTX bưởi da xanh Mỹ Thạnh An luôn trong tình trạng không đủ hàng để xuất khẩu lẫn cung cấp cho thị trường nội địa. Ông Trần Văn Sang, Chủ nhiệm HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Bình Minh - Vĩnh Long) cho hay, trong khi bưởi đại trà giá rất thấp và khó bán thì bưởi của HTX không có đủ để bán. Hiện bưởi Năm Roi Mỹ Hòa đã vươn tới các thị trường lớn như Anh, Pháp, Đức, Nga... Diện tích trồng bưởi của HTX hiện có 24ha đạt tiêu chuẩn Global GAP. Toàn xã Mỹ Hòa có 1.375ha bưởi Năm Roi, sản lượng khoảng 46.000 tấn/năm, riêng năm nay có tới 20% - 30% số đó đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Một mô hình khác rất đáng ghi nhận là sự kiện ông Võ Văn Hớn, nhà vườn xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách đưa vườn chôm chôm của mình đạt tiêu chuẩn Global GAP. Năm 2008, sau khi được Bộ NN- PTNT và ngành nông nghiệp tỉnh tư vấn, giới thiệu về Global GAP, ông Hớn không ngần ngại chuyển vườn chôm chôm từ phương pháp sản xuất truyền thống sang Global GAP. Sau thời gian thực nghiệm, vườn chôm chôm của ông Hớn đã vượt qua hàng trăm tiêu chuẩn khắt khe và được Thụy Sĩ cấp giấy chứng nhận vườn cây đạt tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu vào tháng 9- 2009. Ngay sau khi nhận được “giấy thông hành” ông Hớn choáng ngộp trước các đơn đặt hàng bay về tới tấp.

Tất nhiên, không phải ai trồng lúa, trồng cây ăn trái cũng thắng lợi như các HTX nêu trên. Thực tế là phần lớn diện tích lúa và cây ăn trái của ĐBSCL cứ loay hoay trong cảnh giá thấp, tắc đầu ra. Điều đó cho thấy khuyến cáo của các nhà khoa học về việc tập hợp nông dân theo mô hình HTX kiểu mới để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng thị trường là khuyến cáo đúng. Rất tiếc, các địa phương đã quá trễ trong việc này.

Nhân rộng mô hình

Doanh nghiệp chế biến cá tra đầu tiên nhận Global GAP

Chiều 8-4, tại vùng nuôi cá tra 30ha ở TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, Tập đoàn Control Union Certificates (Hà Lan) đã trao Giấy chứng nhận Global GAP cho Công ty cổ phần NTACO. Đây là kết quả của việc NTACO thực hiện quy trình theo tiêu chuẩn Global GAP từ đầu năm 2009 đến nay.

Ngoài việc áp dụng hệ thống quản lý từ khâu con giống, nuôi trồng đến chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế, việc đạt được tiêu chuẩn khắt khe này giúp giá trị cá thương phẩm của công ty tăng thêm 15% và mở rộng cánh cửa cho NTACO vào những thị trường khó tính. 

Như vậy, sau Công ty CP Thủy hải sản Minh Phú chuyên về nuôi tôm được cấp giấy chứng Global GAP, đây là doanh nghiệp thủy sản thứ hai và là doanh nghiệp cá tra đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận này.

Đ.C.P. – Đ.TUYỂN

 Theo TS Lê Hữu Hải, Trưởng phòng NN-PTNT Cai Lậy (Tiền Giang), hiện nay, trên toàn huyện này đã có 530ha lúa sản xuất theo hướng an toàn. Thời gian tới, Cai Lậy sẽ nâng diện tích lúa an toàn lên 1.000 ha. Đây là cơ sở để mở rộng sản xuất thành công lúa theo tiêu chuẩn GAP. Riêng với những hộ bắt đầu tham gia làm lúa GAP ở Mỹ Thành Nam, Mỹ Thành Bắc,  UBND tỉnh Tiền Giang đã có chủ trương cho vay vốn 3 năm không lãi suất để làm các công trình phụ cần phải có trong quá trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP như sân phơi, nhà vệ sinh, hầm biogas…

TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, chương trình sản xuất lúa GAP ở xã Mỹ Thành Nam đã được Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) rất quan tâm. Một số doanh nghiệp nước ngoài chuyên kinh doanh lương thực, thực phẩm sạch cũng sang để tìm hiểu. Hiện nay mô hình sản xuất lúa GAP đang được xây dựng ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu và TP Cần Thơ. Diện tích lúa GAP ở mỗi địa phương khoảng 100 ha. Bộ NN-PTNT cũng đang xây dựng tiêu chuẩn Viet GAP cho riêng cây lúa để tổ chức sản xuất GAP lâu dài. Cục Trồng trọt sẽ mời gọi các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ kinh phí để giám sát quá trình làm lúa GAP và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đồng thời, cục cũng sẽ xây dựng các tổ chức chứng nhận để giúp nông dân hiểu được giá trị, lợi nhuận đích thực và lợi thế môi trường trong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GAP. Trong tương lai, mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GAP sẽ được nhân rộng ra khắp các tỉnh, TP thuộc khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, để có được một nền nông nghiệp chất lượng cao vẫn còn nhiều việc phải làm như hình thành chuỗi giá trị sản xuất và xuất khẩu gạo: đầu vào, hệ thống canh tác, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, thu hoạch bằng cơ giới, phơi sấy, hệ thống xay xát, các chợ đầu mối… nhằm tạo nên hạt gạo cạnh tranh mạnh  mang thương hiệu Việt Nam.

Sản xuất trái cây sạch chất lượng cao là hướng đi đúng đắn, tuy vậy việc nhân rộng còn hạn chế. Thời gian qua, việc tập huấn nhà vườn sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP chủ yếu do Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam tài trợ và tổ chức. Ngành nông nghiệp các tỉnh, hiệp hội… tham gia dưới góc độ tư vấn. Sau những đợt tập huấn, chất lượng trái cây có tăng lên, nhà vườn có thay đổi nhận thức.

Tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều hộ tỏ ra thờ ơ với việc sản xuất sản phẩm sạch. Trong khi đó các doanh nghiệp xuất khẩu lo ngại diện tích sản xuất Global GAP còn quá ít và chậm nhân rộng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ xuất khẩu dài hạn. Theo Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, quy trình canh tác theo Viet GAP đang được triển khai rộng rãi trên cây nhãn, xoài, chôm chôm… Từ năm 2010 đến 2015, Bộ NN-PTNT phát động phong trào thi đua sản xuất rau quả an toàn theo tiêu chuẩn Viet GAP, tạo bước “chạy đà” để trái cây nước ta hòa nhập vào Global GAP.

Điểm xuất phát của ĐBSCL là nền nông nghiệp nhỏ, lạc hậu, vì vậy chúng ta cần phải có những hướng đi phù hợp. Theo đó, cũng giống như ngành công nghiệp hay dịch vụ, cần kêu gọi, thu hút đầu tư từ các DN trong và nước ngoài. Trước tiên, họ là những người có vốn, có công nghệ… nên việc làm ra một nhóm, một loại sản phẩm nào đó có hàm lượng chất xám cao như nhà máy sản xuất phân bón vi sinh, đầu tư trang trại chăn nuôi, nhà máy giết mổ chẳng hạn… sẽ rất hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tốc độ ứng dụng CNC trong nông nghiệp của ĐBSCL…

Thời gian qua, nhiều địa phương đã hình thành các mô hình nông nghiệp CNC và thu được một số kết quả khả quan. Tại Hà Nội và Hải Phòng có mô hình trồng rau, hoa - cây cảnh CNC, đem lại giá trị sản lượng gấp 5 đến 10 lần so với phương thức canh tác thông thường.

Tại Đà Lạt (Lâm Đồng), các mô hình trồng hoa trong nhà có mái che plastic đạt giá trị sản lượng 605 triệu đồng/ha, trồng rau an toàn đạt 150 triệu đồng/ha. Đà Lạt đang đi theo hướng chuyên môn hóa cao trong sản xuất hoa và rau. Việc sản xuất cây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô phát triển khá nhanh, với gần 40 phòng nuôi cấy mô tư nhân đang hoạt động có hiệu quả. Cây giống rau và hoa đã được sản xuất công nghiệp để cung cấp cho người trồng.

TPHCM cũng có 1.663 ha trồng rau an toàn ứng dụng CNC, sản lượng đạt khoảng 30.000 tấn/năm, đặc biệt là rau sản xuất trong nhà lưới cho giá trị sản lượng 120-150 triệu đồng/ha; hơn 700 ha trồng hoa - cây cảnh áp dụng CNC đem lại thu nhập 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm.

NHÓM PV ĐBSCL

>>> Bài 1: Kỳ vọng và thực tế

>>> Bài 2. Chuẩn hóa nông sản - yêu cầu bức bách

Tin cùng chuyên mục