Cán bộ quản lý nông nghiệp: 61% chưa được đào tạo bài bản

Ngày 10-4, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Hội thảo về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý NN-PTNT đã diễn ra tại Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội.

(SGGP).- Ngày 10-4, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Hội thảo về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý NN-PTNT đã diễn ra tại Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội.

Hiện trong 21,264 triệu lao động nông nghiệp ở độ tuổi lao động có đến 20,765 triệu người chưa qua đào tạo chiếm 97,65% và không có chứng chỉ chuyên môn; người có bằng sơ cấp, công nhân kỹ thuật chiếm 1,26%; bằng trung cấp chiếm 0,87%; bằng ĐH-CĐ chiếm 0,22%. Với số lượng 60,7 triệu nông dân, chỉ có 4.847 cán bộ khuyến nông chuyên trách hưởng lương từ ngân sách nhà nước; 10.543 cán bộ khuyến nông không chuyên trách và 15.744 cộng tác viên thôn bản.

GS-TS Đỗ Kim Chung, ĐH Nông nghiệp Hà Nội dẫn ra kết quả điều tra về năng lực cán bộ lãnh đạo và quản lý NN-PTNT (2008), theo đó có đến 61% cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý nông nghiệp chưa được đào tạo bài bản về quản lý. Hơn 70% tốt nghiệp ở các trường ĐH và quản lý hơn 14 năm trở lên, chưa được trang bị các kiến thức mới. Trình độ, ngoại ngữ, tin học của đội ngũ này cũng rất hạn chế, đặc biệt ở các huyện nghèo, vùng sâu vùng xa.

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến cho rằng, cần tiến hành điều tra, nghiên cứu một cách toàn diện về nông nghiệp, nông thôn, nông dân từ đó xác định chính xác nhu cầu, mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng với những bước đi cụ thể, vững chắc. “Cần ưu tiên lựa chọn cán bộ trẻ, tâm huyết với nghề để cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở các đại học uy tín trong và ngoài nước gắn với chiến lược, kế hoạch sử dụng và đề bạt cán bộ”, ông Chiến đề xuất.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, thực trạng đào tạo cán bộ NN-PTNT hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu; chưa đảm bảo một cách đồng bộ giữa quy hoạch và đào tạo; chưa có một đầu mối đào tạo quản lý nhân lực ngành này. Vì thế, theo Phó Thủ tướng, phải đổi mới về chính sách cho cả 3 đối tượng: người làm, người học và người dạy. Về đầu mối đào tạo quản lý, với đối tượng đào tạo là người làm quản lý nhà nước cần có sự phối hợp của Bộ Nội vụ, Bộ NN-PTNT, Bộ GD-ĐT, trong đó đầu mối trực tiếp là Bộ NN-PTNT. “Tháng 11 tới, các ngành phải công bố được quy hoạch phát triển nhân lực của ngành mình”, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. 

L.NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục