Mua và tạm trữ lúa gạo chưa thống nhất cách tính, cách làm

Mua và tạm trữ lúa gạo chưa thống nhất cách tính, cách làm

Chiều 9-7, tại TPHCM, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phối hợp với Bộ Công thương tổ chức buổi sơ kết xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2010 và tiêu thụ lúa gạo vụ hè thu, với sự tham gia của lãnh đạo các tỉnh sản xuất lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Giá thành, giá sàn

Phát biểu tổng kết hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, từ hôm nay 10-7, 48 doanh nghiệp của VFA sẽ mua lúa gạo tạm trữ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, doanh nghiệp (DN) được giao nhiệm vụ không được mua dưới giá 3.500 đồng/kg lúa, tương đương khoảng 300 USD/tấn gạo xuất khẩu. Kiến nghị Chính phủ có chính sách giãn nợ vay ngân hàng, giúp bà con không bị sức ép nợ đáo hạn.

Khuyến khích nông dân có khả năng mua tạm trữ. Vấn đề điều hành xuất khẩu gạo trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các DN không được bán hàng dưới giá 300 USD/tấn. Bộ Công thương sẽ hỗ trợ DN trong việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm thêm thị trường, nhất là châu Phi và Trung Đông.
 
Tuy nhiên, vấn đề mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo, các tỉnh đồng tình chủ trương của Chính phủ, nhưng băn khoăn cách thực hiện. Nhà nước hỗ trợ lãi suất cho DN mua lúa, gạo tạm trữ theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh. Đây là điều rất khó khăn cho DN, từ đó ảnh hưởng đến giá mua lúa của bà con.

Lúa hè thu đang tồn nhiều trong dân. Ảnh: HUỲNH LỢI

Lúa hè thu đang tồn nhiều trong dân. Ảnh: HUỲNH LỢI

Vì sao không hỗ trợ trực tiếp cho nông dân? Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cho rằng, nông dân trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước. Do vậy, khi giá lúa giảm mạnh như hiện nay, chỉ còn dưới 4.000 đồng/kg lúa hè thu, Nhà nước cần có chủ trương rõ ràng, mua hết lúa và với giá nông dân có lời. Muốn vậy phải có giá sàn để DN mua và công bố giá thành sản xuất lúa.
 
Thế nhưng Bộ Tài chính cho biết, bộ chỉ cung cấp công thức tính chung, mỗi tỉnh dựa vào đó để tự công bố giá thành sản xuất lúa riêng. Hiện nay, chỉ một số nơi công bố giá thành.

Lãnh đạo tỉnh Long An cho rằng, lúa gạo là 1 trong 4 mặt hàng nhạy cảm, việc công bố giá thành theo Nghị định 75 của Thủ tướng Chính phủ phải là trách nhiệm của Bộ Tài chính. Tỉnh Long An cũng cho rằng, nên tăng lượng mua lúa gạo tạm trữ.

Theo tính toán của VFA, lượng lúa hàng hóa vụ hè thu khoảng 2 triệu tấn. Lãnh đạo các tỉnh đều đồng tình khi cho rằng, cần phải có giá sàn và mua làm sao để bà con nông dân có lời. Nếu mua theo giá thị trường hiện nay (dưới 4.000 đồng/kg) nông dân không có lời. Có nơi giá thành cao, sản xuất càng nhiều càng lỗ.

Điều đáng lo hiện nay là lượng lúa gạo IR50404, phẩm chất kém, không đạt chuẩn xuất khẩu cần có cơ chế tiêu thụ riêng để giải quyết khó cho bà con.

Chủ động ứng phó thị trường biến động

Phó Chủ tịch  UBND TP Cần Thơ cho rằng, muốn tiêu thụ hết lúa gạo của nông dân phải có đầu ra và giữ giá xuất. Theo Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong, đây là bài toán khó, vì thời điểm hiện nay, lúa gạo, bắp, lúa mì… trên thế giới đều trúng mùa, sản lượng tăng mạnh.

Do vậy, cung vượt cầu, giá gạo thế giới liên tục giảm. Khách hàng nhân cơ hội đó ép giá, yêu cầu thương lượng lại hợp đồng đã đã ký hoặc không mở tín dụng thư (L/C). Hơn nữa họ còn yêu cầu chất lượng phải cao hơn, kể cả thị trường châu Phi cũng yêu cầu gạo 5% tấm.
 

Người dân ĐBSCL thu hoạch lúa hè thu trong nỗi lo về giá cả. Ảnh:CAO PHONG

Người dân ĐBSCL thu hoạch lúa hè thu trong nỗi lo về giá cả. Ảnh:CAO PHONG

Trong bối cảnh giá xuất giảm mạnh và bị ép giá, VFA đề nghị và được Bộ Công thương đồng ý về việc kiểm soát chặt hợp đồng thương mại, bảo vệ thị trường tập trung (Philippines, Cuba, Iraq, Bangladesh), đề phòng trường hợp bán dưới giá sàn xuất khẩu, bán cho đối tác để xuất khẩu vào thị trường tập trung của Việt Nam.

6 tháng đầu năm 2010 cả nước đã xuất khẩu 3,332 triệu tấn gạo, trị giá FOB là 1,483 tỷ USD (giá CIF 1,66 tỷ USD). So cùng kỳ giảm 8,76% lượng và giảm 1,32% giá trị (giá FOB). Hiện nay đã ký hợp đồng xuất khẩu 5,199 triệu tấn, tăng 19,2% so cùng kỳ. Trong đó, hợp đồng tập trung chỉ chiếm 45,18%, còn lại là hợp đồng thương mại. Hợp đồng còn lại chưa giao hàng là 1,356 triệu tấn. Dự kiến quý 3 sẽ xuất khẩu khoảng 1,7 triệu tấn gạo.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục