Thị trường xuất khẩu thủy sản mở rộng - Cơ hội để “lột xác”

Thị trường xuất khẩu thủy sản mở rộng - Cơ hội để “lột xác”

Xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2010 đạt 1,63 tỷ USD, tăng 18% so cùng kỳ năm ngoái, đây là tín hiệu lạc quan. Mừng hơn khi giá tôm xuất khẩu trên thị trường thế giới đang tăng cao là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tăng tốc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để ngành thủy sản hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 4,5 tỷ USD trong năm 2010.

Giá tăng nhưng không dám ký hợp đồng

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết: Do ảnh hưởng sự cố tràn dầu ở vịnh Mexico đã đẩy giá tôm trên thị trường thế giới tăng mạnh.

Hiện các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ lùng sục mua tôm, đẩy giá tăng lên khoảng 25% - 30% so cùng kỳ năm ngoái. Giá tôm loại 15 con/kg tăng ở mức 16,5- 17 USD/kg; tôm loại 20 con/kg từ 12,5 - 13 USD/kg… cao nhất kể từ năm 2000 đến nay.

Ngoài sự cố tràn dầu thì nhiều nước sản xuất tôm như Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh, Malaysia… bị mất mùa khiến sản lượng giảm mạnh, “cung ít hơn cầu” nên giá tăng vọt.

Theo ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký Hội Chế biến thủy sản Cà Mau, xuất khẩu tôm của tỉnh diễn biến rất tốt, trong 5 tháng qua kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 240 triệu USD, tăng đến 34% so cùng kỳ năm ngoái.

Hiện tại, đơn hàng từ các nước đến tới tấp, giá khá cao nhưng các doanh nghiệp không dám ký hợp đồng, bởi không đủ nguyên liệu chế biến. Cuối cùng đành bỏ lỡ cơ hội (!).

Thống kê mới nhất của Sở NN- PTNT Cà Mau, từ đầu năm đến nay hầu hết 32 nhà máy chế biến tôm xuất khẩu chỉ hoạt động khoảng 40% - 50% công suất. Tại Bạc Liêu, Sóc Trăng… nhiều nhà máy  cũng tương tự.
 
Tại ĐBSCL giá tôm nguyên liệu tăng ở mức cao chưa từng thấy. Tôm loại 20 con/kg có giá 200.000 đồng/kg; loại 30 con/kg từ 150.000 - 160.000 đồng/kg; loại 40 con/kg từ 120.000 - 125.000 đồng/kg… Thương lái săn tôm tận các ao đầm nhưng người nuôi không có tôm để bán.
 
Chủ động mở rộng thị trường

Cùng với tôm, xuất khẩu cá tra sang thị trường Nga đang phục hồi mạnh mẽ. Theo ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương, xuất khẩu sang Nga trong 6 tháng đầu năm 2010 tăng hơn 2 lần so cùng kỳ 2009. Chiều hướng này, cả năm 2010, kim ngạch xuất cá tra sang Nga ước đạt 100 triệu USD. Tại thị trường Mỹ, xuất khẩu cá tra cũng đang khởi sắc.

Bà Phạm Thị Diệu Hiền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình An, cho biết sau hội chợ Vietfish vừa qua, các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ và các nước đặt hàng mua sản phẩm cá tra chất lượng cao rất nhiều, nhà máy sản xuất không đủ cung cấp. Hiện nguồn cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL tiếp tục thiếu nên nhà máy không thể tăng sản lượng.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng nghêu trên thế giới cũng tăng mạnh, tuy nhiên sản lượng nghêu ở Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh… không còn nhiều do nắng nóng kéo dài gây thiệt hại nặng hồi cuối tháng 3-2010. Các doanh nghiệp ở ĐBSCL buộc phải mang xe lạnh ra tận miền Bắc mua nghêu nguyên liệu chuyển vào chế biến xuất khẩu, chấp nhận tốn kém chi phí.
 
Thêm cái khó hiện nay là tình hình kinh tế ở châu Âu bất ổn, đồng euro giảm giá nên các nhà nhập khẩu thủy sản EU đề nghị hạ giá bán bình quân khoảng 5%, đồng thời yêu cầu cho chậm thanh toán, điều này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu rất bị động.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Gò Đàng cho rằng: “Nếu phụ thuộc vào thị trường châu Âu sẽ rất khó khăn, do đó doanh nghiệp phải năng động đa dạng hóa thị trường như Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Trung Đông… Tìm càng nhiều thị trường càng tốt nhằm hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn phải chờ châu Âu, bởi đây là thị trường chính tiêu thụ  thủy sản Việt Nam; nhất là cá tra, ba sa. Một khi thị trường châu Âu tiêu thụ mạnh trở lại thì các thị trường khác sẽ mạnh theo”.
 
Sản xuất công nghiệp hiện đại, quy mô lớn

Theo VASEP, về cơ bản xuất khẩu thủy sản năm 2010 có khả năng hoàn thành chỉ tiêu 4,5 tỷ USD, nhưng không thể chủ quan khi nhu cầu thị trường ngày càng khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bộ Công thương cảnh báo: Nếu như trước đây doanh nghiệp xuất khẩu chỉ cần tiêu chuẩn HACCP, ISO9000...  nay áp dụng tiêu chuẩn toàn cầu của Hiệp hội Bán lẻ Anh quốc BRC dành cho thực phẩm; tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế IFS, ISO22000...  Đối với hải sản khai thác phải chứng minh nguồn gốc theo luật IUU; thủy sản nuôi trồng phải áp dụng tiêu chuẩn quốc tế Global GAP, đang trở thành điều kiện cấp thiết.
 

Nuôi cá tra theo tiêu chuẩn Global GAP để bảo đảm chất lượng trên thương trường quốc tế.

Nuôi cá tra theo tiêu chuẩn Global GAP để bảo đảm chất lượng trên thương trường quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Gò Đàng, khẳng định: Từ nay đến cuối năm 2010 sẽ có hàng chục doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn Global GAP. Đây chính là cơ hội để ngành thủy sản lột xác, thay đổi cách làm cũ manh mún, lạc hậu tiến tới sản xuất công nghiệp hiện đại quy mô lớn. Nuôi theo Global GAP giá thành tăng khoảng 20% trở lên và hộ cá thể rất khó thực hiện.

Vì vậy, doanh nghiệp đứng ra liên kết với những hộ nuôi từ 1- 2 ha trở lên để hình thành vùng nuôi tập trung. Doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt, hỗ trợ kỹ thuật, vốn, giống, thức ăn, thu mua nguyên liệu...

Liên kết nhằm giải quyết đầu vào - đầu ra về nguyên liệu, đáp ứng theo đòi hỏi quốc tế chính là vấn đề bức bách hiện nay để ngành thủy sản tồn tại và phát triển bền vững.

HUỲNH PHƯỚC  LỢI

Tin cùng chuyên mục