Tình hình nuôi và xuất khẩu cá tra: Rối như canh hẹ

Tình hình nuôi và xuất khẩu cá tra: Rối như canh hẹ

Từ đầu năm đến nay, giá cá tra nguyên liệu dao động ở mức 15.500 - 16.000 đồng/kg, trong khi thức ăn và các khoản chi phí đầu vào tăng cao, đẩy giá thành sản xuất lên từ 16.000 - 16.500 đồng/kg khiến nhiều hộ nuôi thua lỗ. Vực dậy nghề nuôi cá ở ĐBSCL đang là vấn đề cấp bách, nhất là đối với các địa phương trọng điểm về sản lượng cá tra như An Giang. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với đồng chí LÂM MINH CHIẾU, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang (ảnh) về những giải pháp “cứu” nghề cá.

Đồng chí Lâm Minh Chiếu

Đồng chí Lâm Minh Chiếu

- Phóng viên: Thưa đồng chí, đây là năm thứ 3 liên tiếp người nuôi cá ở ĐBSCL bị lỗ, nhiều hộ đang hết sức khó khăn vì nợ nần, trong khi không còn vốn để tái đầu tư, tỷ lệ bỏ nghề đã đến mức báo động...

Đồng chí LÂM MINH CHIẾU: Chúng tôi thường xuyên theo dõi diễn biến nghề nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra và rất lo cho tương lai nghề này. Hiện tại, người nuôi cá ở An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung đang “rối như canh hẹ” bởi chi phí đầu vào liên tục tăng, còn đầu ra cứ đứng yên. Thử hình dung, nuôi 100 tấn cá tra nguyên liệu phải cần từ 1,6 - 1,7 tỷ đồng, trong khi bình quân người nuôi cá ở ĐBSCL nuôi từ vài trăm tấn đến hàng ngàn tấn, do đó vốn đầu tư rất lớn. Mấy năm nay người nuôi lỗ quá nhiều, không cần hỏi cũng biết bà con đang khó dường nào. Chúng tôi rất hiểu tâm tư của bà con và đang nỗ lực tìm cách hỗ trợ người nuôi. Nếu chúng ta chậm trễ, số hộ bỏ nghề càng tăng cao và nghề cá thêm khó khăn chồng chất.

- Thống kê của Bộ NN-PTNT, 7 tháng đầu năm 2010 xuất khẩu cá tra tăng 8,23% so cùng kỳ năm 2009 nhưng người nuôi lỗ, phải chăng đây là nghịch lý?

Thị trường xuất khẩu cá tra thời gian qua không ngừng mở rộng, thậm chí từ năm 2008 đến nay khi xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu một số mặt hàng xuất khẩu khó khăn nhưng cá tra vẫn duy trì tốt. Hiện tại, đầu ra của cá tra ổn định nên kim ngạch xuất khẩu những tháng qua đều tăng. Mấu chốt vấn đề ở chỗ các doanh nghiệp xuất khẩu chưa đồng lòng, chưa chịu gắn kết với nhau, không chia sẻ thị trường, đối tác... Tình trạng mạnh ai nấy bán, giá cao giá thấp tràn lan, chất lượng sản phẩm chưa được kiểm soát… Đây là hạn chế cơ bản của xuất khẩu cá tra và bị các nhà nhập khẩu trên thế giới nắm bắt để “ép giá”. Từ một sản phẩm độc quyền đáng ra phải chủ động về giá thì chúng ta lại bán hàng theo kiểu phụ thuộc. Do bán giá thấp nên doanh nghiệp phải mua cá nguyên liệu thấp và người nuôi là đối tượng chịu thiệt thòi.

Thu hoạch cá tra để chế biến xuất khẩu.

Thu hoạch cá tra để chế biến xuất khẩu.

- Theo đồng chí đâu là giải pháp để khắc phục những hạn chế này?

Đã đến lúc phải tìm hướng đi mới phù hợp với nhu cầu hiện nay của ngành công nghiệp cá tra. Muốn phát triển bền vững phải giải quyết thấu đáo chuỗi giá trị “nuôi - chế biến - xuất khẩu”. Theo đó, UBND các tỉnh thành ĐBSCL đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập một hiệp hội riêng về cá tra để hoạch định chiến lược phát triển, định hướng sản xuất, tìm thị trường xuất khẩu… Phải thấy rằng, cá tra được nuôi tại ĐBSCL, các nhà máy chế biến cũng đặt tại đây và xuất khẩu ra thế giới cũng từ ĐBSCL. Thực tế chỉ có những người ĐBSCL mới thấu hiểu hết mọi bước đi của nghề cá và hiệp hội cá tra ĐBSCL ra đời là tính tất yếu.

Sau những lần trì hoãn bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện nay An Giang cùng với các tỉnh thành ĐBSCL phối hợp với Bộ NN-PTNT và các bộ ngành liên quan trình đề án với Thủ tướng Chính phủ, cố gắng trong quý 3-2010 thành lập hiệp hội. Khi hiệp hội ra đời sẽ góp phần giải quyết những tồn tại và bảo vệ quyền lợi người nuôi cá tốt hơn. Cá tra phải có “sân chơi lớn” quy hoạch hẳn hoi, đầu tư bài bản về vốn, kỹ thuật, công nghệ hiện đại… Ai chưa đủ điều kiện không nên tham gia bởi tính rủi ro khá lớn. Xu thế phát triển tới đây là “liên kết”, đặt chất lượng lên hàng đầu.

Theo đó, các doanh nghiệp phối hợp cùng những hộ nuôi lớn, tiến tới hình thành tổ hợp tác hoặc hợp tác xã nuôi cá để cung ứng nguyên liệu số lượng lớn cho nhà máy chế biến. Toàn bộ diện tích nuôi phải nằm trong vùng quy hoạch rõ ràng nhằm đảm bảo môi trường, nguồn nước, quản lý chặt lịch thời vụ, sản lượng… tránh tình trạng thừa – thiếu nguyên liệu cục bộ. Những ai nuôi tự phát cần có biện pháp xử lý. Thống nhất được quy hoạch và liên kết, chúng ta có thể nuôi cá đáp ứng mọi nhu cầu của thị trường tiêu thụ trên thế giới về các tiêu chuẩn như: Global GAP, SQF 1000, HACCP… Tất cả sẽ được truy xuất nguồn gốc rõ ràng từ vùng nuôi đến bàn ăn.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Huỳnh Lợi (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục