Thị trường lúa gạo được giá vẫn... lo

Thị trường lúa gạo được giá vẫn... lo

Theo ông Huỳnh Công Thành, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lương thực TPHCM (Foodcosa), những ngày qua, tại các cửa hàng tiện ích Foodcomart của công ty có hiện tượng một số người mua gạo với số lượng lớn, 5-7 tấn/lần. Bởi giá ở đây rẻ hơn thị trường, gạo loại 5% tấm chỉ 11.500 đồng/kg (bao gồm thuế VAT), nhưng tại nhiều điểm bán lẻ giá đến 12.000 đồng - 12.500 đồng/kg (chưa thuế VAT).

Lợi nông dân và người bán

Giới kinh doanh và xuất khẩu gạo trong nước đang nhìn về Thái Lan, bởi từ ngày 7-10 đến tháng 2 năm sau, chính phủ Thái Lan nâng giá mua gạo của nông dân Thái lên 15.000 baht/tấn gạo thường và 20.000 baht/tấn gạo thơm. Do vậy, giá xuất khẩu phải từ 750 - 800 USD/tấn trở lên sẽ làm thị trường gạo thế giới biến động. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) khuyến cáo doanh nghiệp (DN) thành viên, chỉ ký hợp đồng bán gạo khi có đủ 100% chân hàng trong kho, nhưng điều quan trọng, chưa nên vội vàng ký hợp đồng bán gạo giai đoạn nhạy cảm này. Bởi, giá gạo thị trường thế giới từ nay đến cuối năm và cả những tháng đầu năm 2012 vẫn ở mức cao.

Mua gạo bình ổn giá tại cửa hàng Foodcomart.

Mua gạo bình ổn giá tại cửa hàng Foodcomart.

Tình hình hiện nay có lợi đối với người trồng lúa. 2 vụ đông xuân và hè thu vừa qua, người dân trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lời rất cao, trên 80% so với chỉ đạo của Thủ tướng đảm bảo bà con lời 30% trở lên. Nhưng điều này lại gây lo ngại khác, giá lúa gạo xuất khẩu cao tác động lại giá gạo trong nước. Giá lúa gạo trong nước hiện nay ở mức cao do nhiều yếu tố tác động: bên cạnh diễn biến ngập lụt tại ĐBSCL, nhiều cơn bão tràn vào, gây mưa lớn nhiều nơi ở Bắc Trung bộ, lại rơi vào cuối vụ, lúa hàng hóa không nhiều. Trong khi việc xuất khẩu vẫn diễn ra theo tiến độ, dự kiến đạt 7 triệu tấn gạo vào cuối năm. Hơn nữa, thông tin sai lệch từ nước ngoài nói Indonesia vừa mua thêm gạo Việt Nam thay thế lượng gạo Thái Lan hủy bỏ (thực tế Việt Nam chưa ký tiếp), càng khiến giá gạo trong nước biến động. Giá lúa khô tại các tỉnh ĐBSCL đã lên 7.100 đồng/kg (tăng 200- 250 đồng/kg). Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA cho biết hiện nay lượng gạo tồn kho của các DN rất lớn (khoảng gần 1,5 triệu tấn), đủ khả năng giải quyết thị trường gạo trong nước nếu có bất ổn và đủ gối đầu cho xuất khẩu vào những tháng đầu năm 2012, không thể xảy ra sốt ảo giá gạo như năm 2008.

Cân đối tiêu dùng và xuất khẩu

Những yếu tố nói trên ít nhiều góp phần đẩy giá lúa gạo trong nước lên cao, gây không ít khó khăn cho người tiêu dùng, đặc biệt đối với dân nghèo thành thị. Theo ông Huỳnh Công Thành, những diến biến này có thể làm giá tăng trong thời gian tới, nhưng trong khả năng kiểm soát. Khoảng 1 tuần qua, giá gạo nguyên liệu tại ĐBSCL và gạo thành phẩm tại thị trường TP biến động. Giá gạo nguyên liệu tại ĐBSCL tăng khoảng 500 đồng/kg, làm gạo 5% tấm thành phẩm tại TPHCM tăng khoảng 500 - 800 đồng/kg, người tiêu dùng phải mua với giá 12.000 đồng - 12.500 đồng/kg (chưa có thuế VAT), trong khi đó, 55 cửa hàng của Foodcomart bán 11.500 đồng/kg (gồm cả thuế VAT).

Để trấn an người tiêu dùng, VFA cho biết đã có kế hoạch góp phần bình ổn giá gạo trong nước. Trước mắt sẽ tính toán hợp lý lượng gạo xuất khẩu để cân đối với số lượng tồn kho trong các DN đủ sức cung cấp thị trường trong nước. DN xuất khẩu gạo ở địa bàn nào có nhiệm vụ tung hàng trong kho ra bán để bình ổn gạo nơi đó nếu xảy ra biến động và bán thấp hơn 10%-15% tùy từng khu vực. Riêng TPHCM, đã có 2 DN của VFA là Foodsaco và Công ty Vinh Phát nhận nhiệm vụ bình ổn giá gạo, cam kết bán thấp hơn giá thị trường 10%. Trong đó, Foodsaco đang dự trữ khoảng 6.000 tấn tại Nhà máy Satake huyện Bình Chánh (TPHCM), chưa kể lượng gạo tại kho ở Long An và Tiền Giang, sẵn sàng cung cấp khi TP có biến động.

Tổng Công ty Lương thực miền Nam nhận định, TPHCM là thị trường tiêu thụ lớn nhất nước, nếu có biến động, đây là nơi khởi phát, nên được ưu tiên trước, tất cả các DN thuộc Vinafood 2 đóng trên địa bàn TPHCM đều phải tham gia bình ổn khi xảy ra sốt giá. Bên cạnh đó, 2 công ty lương thực Long An và Tiền Giang cũng có thêm nhiệm vụ hỗ trợ cung ứng lượng gạo cho TP khi có yêu cầu, không để xảy ra sốt giá, thiếu hàng.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục