Đồng bằng sông Cửu Long: Bội thu lúa thu - đông

Trúng mùa được giá
Đồng bằng sông Cửu Long: Bội thu lúa thu - đông

Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long  đang thu hoạch rộ lúa thu - đông. Bà con rất phấn khởi vì trúng mùa và bán được giá cao nhất từ trước đến nay. Đã có hơn 70% trong tổng số 650.000ha lúa vụ 3 được thu hoạch với năng suất khá cao: 5,1 tấn/ha. Nhiều nơi ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ đạt 6 - 7 tấn/ha. Đặc biệt, thương lái vào tận nơi thu mua lúa tươi với giá 6.200 - 6.500 đồng/kg, lúa khô 7.200 - 7.600 đồng/kg; nông dân thu lợi lớn. Trong khi đó, vụ đông-xuân tới, dù được đánh giá khá thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ.

Nông dân xã Đa Phước huyện An Phú (An Giang) được mùa lúa vụ 3. Ảnh: Trần Minh Trường

Nông dân xã Đa Phước huyện An Phú (An Giang) được mùa lúa vụ 3. Ảnh: Trần Minh Trường

Trúng mùa được giá

Nông dân Dương Văn Châu ở xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Vụ thu - đông này, nông dân Trà Vinh thật sự trúng mùa, trúng giá, năng suất hơn 5 tấn/ha, bán được giá 7.200 - 7.300 đồng/kg lúa khô, nông dân có lời lớn bù lại khoản chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, công lao động gia tăng”.

Đến nay, tỉnh An Giang đã thu hoạch hơn 14.000ha/126.000ha lúa vụ 3 (bảo vệ an toàn sau cơn lũ lớn). Năng suất bình quân 5,7 - 6 tấn/ha, đặc biệt, nhiều diện tích tại huyện đầu nguồn An Phú trúng lớn với 7 - 7,2 tấn/ha.

Nông dân Nguyễn Văn Tài ở xã Đa Phước, huyện An Phú, phấn khởi: “Tôi vừa thu hoạch 2ha lúa được hơn 14 tấn, thương lái vào tận ruộng mua 6.300 đồng/kg lúa tươi, 7.300 đồng/kg lúa khô. Sau khi trừ chi phí, tính ra vụ này nông dân ở đây cầm chắc lời 20 - 25 triệu đồng/ha”.

Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh An Giang, nhận định: “Bảo vệ thành công hơn 12.6000ha lúa vụ 3 (ngoại trừ hơn 5.000ha bị mất trắng do vỡ đê), An Giang sẽ thu được khoảng 800.000 tấn. Trừ chi phí, vụ này nông dân lãi ròng hơn 1.800 tỷ đồng (tính bình quân 6.000 đồng/kg)”… Vụ lúa thu - đông này có diện tích tăng hơn năm trước 150.000ha, năng suất bình quân hơn 5,1 tấn/ha (cao hơn 0,4 tấn/ha so với năm trước).

Nông dân ĐBSCL trúng mùa, trúng giá lúa vụ 3.

Nông dân ĐBSCL trúng mùa, trúng giá lúa vụ 3.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, nhận định: “Sản lượng vụ thu - đông sẽ đạt hơn 3 triệu tấn. Từ đó góp phần nâng sản lượng lúa cả năm 2011 của vùng Đồng bằng sông Cửu Long   lên 22,8 triệu tấn, tăng 1,3 triệu tấn so với năm 2010. Ngoài diện tích bị thiệt hại do lũ (hơn 1,2%) có thể khẳng định vụ thu-đông năm nay thắng lớn vì trúng mùa, được giá. Nông dân rất phấn khởi”.

Vụ đông - xuân thiếu lúa giống

* Việc sản xuất lúa vụ 3 thắng lợi đã góp phần thực hiện sứ mệnh quan trọng là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và phục vụ xuất khẩu. Đồng thời giúp các địa phương trong vùng thực hiện tốt các chính sách về an sinh xã hội; tạo điều kiện cho người dân có việc làm, ổn định đời sống…

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa    Đồng bằng sông Cửu Long 

Các chuyên gia khẳng định vụ đông-xuân 2011 - 2012 ở Đồng bằng sông Cửu Long khá thuận lợi do lũ mang về nhiều phù sa, vệ sinh đồng ruộng, ít sâu bệnh… Tuy nhiên, vụ lúa này cũng phải đối mặt nhiều thách thức, có nguy cơ gây thiệt hại lớn.

Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, cho biết: “Năm nay lũ lớn, rút chậm, nhiều nơi nước trên đồng còn cao hơn 1m; ảnh hưởng đến việc sản xuất vụ đông - xuân. Nông dân phải tốn chi phí bơm nước ra để xuống giống kịp thời vụ. Chúng tôi đã đề xuất hỗ trợ người dân chi phí bơm rút nước cho 100.000ha đất sản xuất lúa bị lũ ngập sâu. Tỉnh cũng đã xuất ngân sách hơn 1,2 tỷ đồng hỗ trợ người dân có lúa bị mất trắng do vỡ đê, cải tạo đồng ruộng chuẩn bị cho vụ đông-xuân”.

Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long  cũng đối mặt với tình trạng sốt giá, khan hiếm lúa giống, đặc biệt các giống lúa chất lượng cao. Hiện giá nhiều loại lúa giống tăng mạnh (1.000 - 2.000 đồng/kg) so với tháng trước nhưng cung không đủ cầu. Các giống lúa thơm Jasmine 85, VD 20... cấp xác nhận tăng 11.000 - 12.000 đồng/kg lên 14.000 - 16.000 đồng/kg, giống lúa OM 2517, VNĐ 95-20, OMCS 2000, OM 4900, OM 6162, OM 1490, IR 50404... cũng vọt lên 13.000 - 14.000 đồng/kg. Còn hơn 1 tuần nữa, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long  sẽ xuống giống vụ đông-xuân đợt 1 nhưng nhiều đại lý, trung tâm giống đã hết hàng.

Ông Nguyễn Văn Hai, nông dân xã Nhị Mỹ, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Mua không được lúa giống xác nhận, buộc nhiều hộ phải lấy lúa nhà (lúa hàng hóa) vụ thu - đông xử lý gieo sạ vụ đông - xuân. Như vậy, sẽ không đạt chất lượng, ảnh hưởng đến năng suất, khả năng chống chịu sâu bệnh, thời tiết”.

Vụ đông - xuân này, nông dân ĐBSCL sẽ xuống giống hơn 1,5 triệu ha và trong thời điểm từ giữa cuối tháng 11 đến cuối tháng 12-2011, cần khoảng 200.000 tấn lúa giống.

“Hiện nay giống cấp xác nhận chỉ đáp ứng khoảng 30% - 40% diện tích xuống giống toàn vùng. Các địa phương như An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang có tỷ lệ cao hơn, khoảng 60% - 70%. Diện tích còn lại, nông dân chọn lựa từ lúa sản xuất vụ trước làm giống cho vụ sau” - tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long , nhìn nhận.

Các chuyên gia nhận định tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, tác động của biến đổi khí hậu sẽ có nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến vụ đông - xuân. Do vậy, các địa phương cần có các biện pháp chủ động đảm bảo nguồn nước tưới tiêu; theo dõi sát tình hình lũ rút, gia cố bờ bao, khẩn trương bơm rút nước... để xuống giống tập trung, kịp thời để né hạn, xâm nhập mặn…

Bà con nông dân phải thực hiện đúng lịch thời vụ nhằm tránh tình trạng xuống giống bị thiệt hại do mưa lũ và các loại dịch hại, nhất là rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất.

Bình Đại

Tin cùng chuyên mục