Nuôi và chế biến cá tra - Hợp tác để thành công

Bài học của sự thiếu liên kết
Nuôi và chế biến cá tra - Hợp tác để thành công

Sự phát triển thần kỳ, tăng tốc vượt bậc của ngành nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra đã qua. Bây giờ là giai đoạn tìm ra con đường khác, trong đó phát triển gắn liền với sự bền vững, với trách nhiệm xã hội phải được đặt lên hàng đầu. Đó là phát biểu của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (Vasep) tại buổi công bố ngành cá tra Việt Nam đạt mục tiêu sản xuất bền vững theo tiêu chuẩn ASC năm 2012 ở TPHCM tuần qua.

Thu hoạch cá tra tại An Giang. Ảnh: Cao Thăng

Thu hoạch cá tra tại An Giang. Ảnh: Cao Thăng

Bài học của sự thiếu liên kết

Trong nông nghiệp, mối liên kết từ người nuôi, doanh nghiệp (DN), ngân hàng… đã được nhà nước ra hẳn quyết định hơn 10 năm về trước, nhưng nhìn lại, những mô hình thành công chưa được như mong muốn. Do đặc thù của ngành sữa, gần như 100% hộ nuôi bò sữa phải ký hợp đồng với các công ty chế biến sữa để đảm bảo đầu ra, những mặt hàng nông sản khác như lúa gạo, mía, cà phê, hồ tiêu… việc liên kết này vẫn chưa có mô hình nào thật sự hoàn chỉnh, kể cả cánh đồng mẫu lớn hiện nay không dễ dàng nhân rộng. Mặt hàng cá tra cũng vậy, việc liên kết giữa người nuôi với DN chế biến, hay nói cách khác là gắn nhà máy với vùng nguyên liệu, đã được đặt ra khá lâu và so với những mặt hàng nông sản khác, đây là lĩnh vực có nhiều điều kiện liên kết. Nhưng việc liên kết giữa người nuôi, doanh nghiệp cùng với ngân hàng, nhà khoa học và nhà nước để tạo sự liên kết 4 nhà như mong muốn quả thật không đơn giản.

Tình trạng thừa cá, nhà máy ép giá người nuôi; ngược lại khi khan hiếm nguyên liệu đến lượt người nuôi làm eo với nhà máy. Kịch bản này diễn ra liên tục nhiều năm trước. Thời gian qua, khi kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, ngân hàng siết chặt vay tín dụng, lãi suất lại quá cao nên không chỉ thừa nguyên liệu mà ngay cả thiếu nguyên liệu nhà máy cũng không có đủ tiền để mua dự trữ như trước. Giá cá cả 2 năm nay diễn biến thất thường, không theo quy luật như trước. Nuôi cá tra từ chỗ làm giàu nhanh, ngân hàng dễ dàng cho vay, nay tình huống diễn ra ngược lại. 

Trong khi đó, dù ngành cá tra Việt Nam gần như độc chiếm thị trường thế giới, với hơn 90% thị phần nhưng vẫn bị nhà nhập khẩu ép giá. Đó là do sự thiếu hợp tác giữa các DN. Mỗi DN chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt và riêng nên sẵn sàng xé lẻ, giảm giá bán để có khách hàng. Hậu quả của bài học về sự thiếu hợp tác này đã quá rõ ràng. Chính phủ Mỹ áp dụng luật chống bán phá giá cá tra, khách hàng châu Âu không chỉ ép giá mà còn bị nhà nhập khẩu mất niềm tin về chất lượng, khi “bán nước đá” chứ không phải bán cá tra phi lê do tỷ lệ mạ băng quá nhiều.

Hợp tác, hợp tác và hợp tác

Bài học của việc phát triển nóng nhưng thiếu liên kết, không bền vững đã để lại nhiều hậu quả khôn lường đến ngày hôm nay. Không chỉ người nuôi phá sản vì nợ vay ngân hàng, phải treo ao mà cả các DN cũng bị thua lỗ do “giẫm đạp” lẫn nhau. Con số chỉ còn khoảng 600 DN tham gia xuất khẩu thủy sản, trong đó phần nhiều là xuất khẩu cá tra, thấp hơn 30% so với năm 2011 cho thấy xu hướng sàng lọc và tái cơ cấu đã và vẫn đang diễn ra trong nội bộ ngành cá tra. Theo Vasep, xu hướng này sẽ tiếp tục giảm khi những khó khăn về vốn, chi phí đầu vào và thị trường tiêu thụ vẫn còn nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng cho biết, chỉ có hợp tác, hợp tác, hợp tác mới đi đến con thành công.

Liên kết, tạo nguồn nguyên liệu cá tra cho nhà sản xuất đang có xu hướng phát triển. Con số của Vasep cho thấy tỉnh Bến Tre có đến 90% diện tích vùng nuôi gắn kết với các nhà máy. Ở Đồng Tháp con số này 61,9% diện tích, tỉnh An Giang 58%, hay Vĩnh Long 46,5%, Cần Thơ 23%. Mặc dù sự liên kết này mỗi địa phương hay từng nhà máy có cách làm khác nhau và cũng chưa thật sự ổn định, nhưng mức độ liên kết này vượt xa nhiều mặt hàng nông sản khác và đó là hướng đi đến con đường phát triển bền vững. Trong đó, bản thân nhà máy cũng như người nuôi phải “ngồi trên một con thuyền”, cùng hưởng những thành quả đạt được, cũng như cùng gánh chịu, chia sẻ những thiệt hại khi bất lợi xảy ra. Không thể tiếp tục tình trạng chỉ có khoảng 50 nhà máy chế biến sản phẩm cá tra ở ĐBSCL nhưng lại có đến khoảng 400 công ty tham gia xuất khẩu. Chỉ công ty có nhà máy chế biến, có vùng nuôi mới chú ý và lo lắng về chất lượng sản phẩm khi bán ra, trái ngược với công ty thương mại hầu như chỉ chú ý đến lợi nhuận. Vasep đã gửi kiến nghị lên Bộ NN-PTNT về những điều kiện để xuất khẩu cá tra nhưng mấy tháng nay vẫn chưa thấy câu trả lời.

Công Phiên

Tin cùng chuyên mục