Xuất khẩu hạt điều: Cần nâng cao giá trị gia tăng

Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) vừa tổ chức hội nghị khách hàng quốc tế ngành điều Việt Nam lần thứ 7 tại TP Nhà Trang. Hơn 150 đại biểu là khách hàng, hiệp hội, liên hiệp hội ngành điều từ nhiều nước đến tham dự như Mỹ, EU, Trung Quốc, Australia, các nước vùng Trung Đông, châu Phi…
Xuất khẩu hạt điều: Cần nâng cao giá trị gia tăng

Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) vừa tổ chức hội nghị khách hàng quốc tế ngành điều Việt Nam lần thứ 7 tại TP Nhà Trang. Hơn 150 đại biểu là khách hàng, hiệp hội, liên hiệp hội ngành điều từ nhiều nước đến tham dự như Mỹ, EU, Trung Quốc, Australia, các nước vùng Trung Đông, châu Phi…

60% lượng hàng giao dịch là điều nhân Việt Nam

Phó Chủ tịch Hội đồng Hạt ăn được và trái cây khô thế giới (ANC), ông Pino Calcagni cho biết, với nhu cầu điều nhân trên thế giới khoảng 500.000 tấn/năm, điều trở thành loại hạt ăn được mà người tiêu dùng ở nhiều nước, đặc biệt là các nước phát triển và mới nổi ưa chuộng thứ hai chỉ sau hạt hạnh nhân và nhu cầu sử dụng điều nhân mỗi năm tăng nhanh hơn. Việt Nam (VN) đứng đầu thế giới về lượng xuất khẩu, số 2 về chế biến và số 3 về sản lượng.

Khoảng 60% lượng điều nhân giao dịch trên thị trường quốc tế hiện nay là từ VN. Khách hàng quốc tế nhìn nhận, điều nhân VN, đặc biệt là điều trồng tại tỉnh Bình Phước có chất lượng tốt nhất thế giới. Số khách hàng các nước đến giao dịch đã nói lên sự hấp dẫn của ngành chế biến điều VN.
 
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, dù kinh tế thế giới khó khăn nhưng 4 tháng đầu năm 2012, ngành điều xuất khẩu hơn 55.000 tấn nhân điều, đạt 380 triệu USD, tăng 29% về trị giá, 37% về lượng. Các nước có lượng nhập khẩu tăng mạnh là Trung Quốc (64%), Hà Lan (trên 50%), Nga (hơn 43%), Canada (25%).

Người tiêu dùng các nước ưa chuộng và có xu hướng tăng nhu cầu vì hạt điều có tác dụng tích cực về mặt sức khỏe, làm giảm nguy cơ gây ung thư ruột kết, tốt cho tim mạch và hệ thần kinh, giúp xương khỏe chắc, chống sỏi mật… Nhu cầu hạt điều có xu hướng tăng lên còn do ngày càng có nhiều người chuyển từ ăn thịt động vật sang dùng các loại hạt để giảm cân mà vẫn đảm bảo giá trị dinh dưỡng.
 
Nâng cao giá trị gia tăng hạt điều

Tại hội nghị, nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài đã tỏ ra kém vui khi biết diện tích điều VN giảm mạnh qua từng năm do người nông dân chặt bỏ điều trồng cây cao su, cà phê, ca cao hoặc khoai mì vì thu nhập từ điều còn thấp. Theo ông Đỗ Văn Nam, Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT), 5 năm qua, diện tích điều cả nước giảm trên 77.300 ha, sản lượng giảm hơn 10.600 tấn.

Chế biến hạt điều xuất khẩu có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Ảnh: KIM NGÂN

Chế biến hạt điều xuất khẩu có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Ảnh: KIM NGÂN

Năm 2011 trồng mới 3.100 ha, nhưng diện tích điều bị chặt chuyển qua cây trồng khác lên đến hơn 10.000 ha, nhất là tỉnh Bình Phước được mệnh danh là thủ phủ cây điều. Năng suất điều đã chựng lại, những năm gần đây chỉ quanh quẩn ở mức 1 tấn/ha, giá bán hạt điều thô lại không ổn định, nhất là vụ điều năm nay, từ gần 30.000 đồng/kg vụ trước còn trên dưới 20.000 đồng/kg.

Thu nhập điều thời được giá cũng chỉ hơn 20 triệu đồng/ha, vụ này chỉ còn hơn 10 triệu đồng/ha rất thấp so với cây cà phê, cao su, hồ tiêu, khoai mì. Cây điều bị thu hẹp dần buộc doanh nghiệp (DN) bên cạnh nhập khẩu ngày càng nhiều điều thô từ châu Phi, cũng đã chủ động đầu tư hoặc liên kết trồng tại Campuchia, Lào để thay thế dần vùng nguyên liệu trong nước.
 
Để khắc phục tình trạng này, việc nghiên cứu lai tạo ra giống mới có năng suất cao hơn, nâng cao giá trị gia tăng hạt điều nhân là vấn đề được Vinacas và các DN đặt ra. Trong chuỗi giá trị hạt điều, khâu trồng và sơ chế có tỷ suất lợi nhuận thấp nhất so với khâu chế biến sâu và phân phối. Hiện nay, tỷ lệ chế biến sâu điều nhân mới chỉ chiếm 3%.

Theo ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Vinacas, một số nhà máy đi vào chế biến sâu hạt điều như Thảo Nguyên, Nhật Huy, Donafoods… đặc biệt là Công ty Dan On Foods (Canada) đầu tư nhà máy chế biến sâu và cung cấp thẳng cho các hệ thống phân phối nhiều nước như Canada, Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc (bao gồm Hồng Công), Hàn Quốc… Hay như Công ty Thảo Nguyên bên cạnh chế biến điều nhân còn đi sâu vào việc nghiên cứu và sản xuất dầu hạt điều xuất đi Trung Quốc và hiện nay đã nhập thiết bị để tự sản xuất ra dầu gano với giá bán cao hơn.

Có thể nói, ngành điều VN đang hướng đến việc nâng cao giá trị gia tăng, giúp tăng thu nhập cho người trồng.

Cân bằng tiêu thụ,ổn định đầu ra

Ông Pino Calcagni cho rằng, VN hoàn toàn có thể là quốc gia chế biến hạt và xuất khẩu số 1 thế giới dù lượng điều thô nguyên liệu nhập từ châu Phi chiếm hơn 50% sản lượng chế biến nếu biết tận dụng lợi thế. Nhưng để duy trì và tạo được vị thế cũng như uy tín ngày càng lớn hơn trên thị trường quốc tế, VN, đặc biệt là Vinacas và các DN phải nâng cao hơn nữa chất lượng và sự an toàn vệ sinh thực phẩm điều nhân.

Đây là điều mà không ít DN VN vẫn chưa có được. Việc quảng bá về giá trị hạt điều cho người tiêu dùng trong nước cũng nên lưu ý nhiều hơn để cân bằng việc tiêu thụ và ổn định đầu ra. Tỷ lệ tiêu thụ nội địa điều nhân chỉ chiếm khoảng 5%, trong khi 95% để xuất khẩu là con số chênh lệch quá lớn so với Ấn Độ (51%).

Nhà nước cũng cần phải tạo điều kiện về vốn với lãi suất hợp lý cho người làm nông nghiệp, nghiên cứu để tạo ra giống cao sản và liên kết với các nước trồng điều như Campuchia, Lào hình thành vùng nguyên liệu tương đối ổn định cũng như tạo ra được chuỗi giá trị và bảo đảm lợi ích giữa các khâu từ người trồng, nhà khoa học, thương lái và DN.

 Tại hội nghị khách hàng quốc tế ngành điều lần thứ 7 vừa qua, 6 hợp đồng thương mại đã được ký kết giữa doanh nghiệp Việt Nam như Lafooco, Donafoods… với nhà nhập khẩu các nước như Australia, Canada, Trung Quốc, Hà Lan… trị giá 200 triệu USD. Hiệp hội Điều các nước Đông Dương gồm Việt Nam, Campuchia, Lào cũng đã có buổi họp bên lề hội nghị ở Nha Trang bàn về việc xác định phương hướng hoạt động.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục