Hạt ngọc ở đồng chó ngáp

Không lâu nữa, hơn 5.000ha đất cằn cõi được xem là khúc đuôi “đồng chó ngáp” ở huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) sẽ được phủ xanh bởi một loại lúa có tên khoa học là CTUS, tên dân gian là lúa sỏi hay còn gọi là lúa cứu đói. Tuy mới thành công ở giai đoạn khảo nghiệm nhưng nhà nông vùng này ngóng chờ từng ngày, coi loại lúa ấy như vàng như ngọc.
Hạt ngọc ở đồng chó ngáp

Không lâu nữa, hơn 5.000ha đất cằn cõi được xem là khúc đuôi “đồng chó ngáp” ở huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) sẽ được phủ xanh bởi một loại lúa có tên khoa học là CTUS, tên dân gian là lúa sỏi hay còn gọi là lúa cứu đói. Tuy mới thành công ở giai đoạn khảo nghiệm nhưng nhà nông vùng này ngóng chờ từng ngày, coi loại lúa ấy như vàng như ngọc.

  • Như là giấc mơ

Đồng đất ấy sau ngày chuyển dịch chỉ nuôi được tôm sú, thất nhiều hơn trúng. Để cải thiện thu nhập, bà con bao phen trồng lúa vào mùa mưa nhưng mặn quá cao làm lúa chết yểu. Quá khứ sẽ khó tái diễn bởi sắp tới, không những lúa không chết mà còn trổ bông, ngậm sữa trĩu hạt…

Bám ruộng, bám làng gần cả đời người, đây là vụ mùa duy nhất lão nông Danh Tâm (ấp Chòm Cao, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) thấy lúa ruộng nhà trổ bông, ngậm sữa chắc hạt như vậy. Hồi trước, từng thử nghiệm cả chục giống lúa dưới vuông tôm nhà mình những tháng mùa mưa nhưng không vụ nào ông Tâm thu được lúa. Vào mùa ấy, chỉ cần nắng cục bộ vài ngày, độ mặn trong vuông tăng cao vượt ngưỡng chịu đựng làm lúa tiều tụy, cháy lá chết non. Hy vọng lóe lên khi hai năm trước, ông được một thương lái mách cho giống lúa có khả năng chịu mặn từ 3 - 5‰, có gốc OM…

Không chịu để đồng trống, ông Tâm tìm mua giống ấy và phủ xanh cả 5 công đất canh tác nhà mình. Sau gần 4 tháng chăm bẵm, lúa trổ bông nhưng hỏng vào cuối vụ. Chuyện buồn ấy chỉ còn là dĩ vãng vì hiện tại, đồng lúa sỏi trong vuông tôm nhà ông vàng rực, chắc và no hạt, thu hoạch trước tết. “Nếu đúng như dự tính của tôi thì mỗi công cho ít nhất cũng từ 16 giạ lúa (1 giạ = 20kg) trở lên. Kỳ này có lúa ăn là cái chắc, nhà khỏi phải đi mua gạo như trước nữa”, đưa mắt về đồng lúa vàng um sau nhà, ông Tâm tự tin cho biết.

“Cha đẻ” của lúa sỏi, TS Võ Công Thành (trái) thăm ruộng lúa sỏi trước ngày thu hoạch.

“Cha đẻ” của lúa sỏi, TS Võ Công Thành (trái) thăm ruộng lúa sỏi trước ngày thu hoạch.

Ngược đường về vùng Cây Cui thuộc xã Ninh Thạnh Lợi (Hồng Dân), chúng tôi theo đoàn ghé thăm đồng lúa sỏi nhà ông Đặng Văn Phương. Sau một hồi lội bộ trên bờ bao mới gặp được ông đang lội thăm lúa. Ông Phương khoe: “Lần này không sợ lép như mấy loại lúa tôi trồng trước đó, cầm chắc trên 16 giạ/công, còn tôm nuôi vụ này được ít nhất cũng cả trăm triệu đồng”.

Năm 2000, đồng đất Ninh Thạnh Lợi được phép nuôi tôm sú. Càng về sau, con tôm càng trở chứng, khó dạy bảo mỗi khi mưa nắng thất thường, bệnh tật dai dẳng triền miên, thất nhiều hơn trúng. Nghe lời mách bảo, ông Phương trồng cỏ năng tượng để cải tạo môi trường nhưng con tôm vẫn chậm lớn, bệnh tật thường xảy ra.

Thấy vùng giáp ranh là Phong Thạnh Nam, Phước Long canh tác một vụ lúa trên đất nuôi tôm trúng đậm, ông mê tít nhưng không biết làm thế nào để trồng được lúa vì độ mặn ruộng nhà quá cao. Bế tắc ấy giờ đã được tháo gỡ. “Gắn bó ở đồng đất Cây Cui hơn 30 năm nay, đây là lần đầu tiên tôi thấy lúa mình trồng chắc bông, nặng hạt như vậy”.

  • Đồng chó ngáp... hết ngáp

“Cha đẻ” của lúa sỏi là TS Võ Công Thành (Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ). Sau gần 10 năm nghiên cứu, lai tạo cả chục giống lúa khác nhau, TS Võ Công Thành cho ra loại giống vừa nêu, sau đó chuyển giao cho ngành nông nghiệp huyện Hồng Dân nhân giống đại trà. Tiếp nhận 4kg giống “siêu nguyên chủng” được lai tạo ban đầu trong phòng thí nghiệm của Trường Đại học Cần Thơ, Phòng Nông nghiệp huyện Hồng Dân cử anh Nguyễn Hoàng Trọng (cán bộ kỹ thuật) khảo sát sau đó chọn phần đất của ông Trần Hoàng Văn (ấp Lộ Xe A, xã Vĩnh Lộc A).

Cuối tháng 4-2011, anh Trọng hì hục sạ lúa trên diện tích 200m2 nhà ông Văn. Vài hộ trong xóm hiếu kỳ đến xem, chê bai. Khơi lại chuyện sạ lúa, anh Trọng kể: “Bà con nói tụi tui là cán bộ nhà nước, lãnh lương từ tiền của dân mà làm chuyện tầm sàm, trời nắng chang chang, mặn hơn 7o/oo sạ lúa để làm thức ăn cho lũ chuột.

Bà con xóm Lộ Xe như chứng kiến phép màu khi số lúa ấy nhú mầm rồi xanh um. Sau 37 ngày sạ, 200m2 mạ được nhổ ra cấy đợt 1 trên phần đất 8.200m2 của nhà ông Văn. Sau đó, toàn bộ diện tích cấy đợt đầu được nhổ để cấy dăm trên diện tích 6ha của 8 hộ dân ở xã Vĩnh Lộc A và xã Ninh Thạnh Lợi A. Lọt qua tháng giêng âm lịch 2012, lúa cho thu hoạch. Từ 4kg giống ban đầu, ngành chức năng huyện Hồng Dân thu về khoảng 16 tấn giống lúa sỏi. Bà con trong xóm tâm phục khẩu phục.

Cuối tháng 7-2012, toàn bộ lúa sỏi giống thu về được bán và hỗ trợ cho nhà nông ở đồng đất xã Ninh Thạnh Lợi và Ninh Thạnh Lợi A trồng khảo nghiệm trên tổng diện tích 262ha, quy mô trên 270 hộ dân trong đó có tới 100ha lúa giống được hỗ trợ không hoàn lại cho hộ nghèo, hộ đồng bào Khmer, bình quân mỗi hecta hỗ trợ 50kg giống. Đây là hai vùng đất nhiễm mặn chuyên nuôi tôm trước giờ chưa từng trồng và thu hoạch được lúa ở huyện Hồng Dân. Không nằm ngoài dự đoán của ngành chức năng và chính quyền địa phương, hầu hết đồng lúa của hộ trồng khảo nghiệm, lúa đều phát triển tốt.

Hồng Dân còn trên 5.000ha đất chuyển dịch nuôi tôm ở Ninh Thạnh Lợi và Ninh Thạnh Lợi A trước giờ chưa trồng được lúa vì mặn cao trong mùa mưa. Với thành công khi chịu được biên độ dao động tới 10‰, sau đợt khảo nghiệm này, tin rằng sẽ đủ lúa sỏi giống để nhân dân trong vùng trồng đại trà vào vụ mùa tới. Khi ấy, tình hình canh tác ở miệt đồng chó ngáp sẽ được cải thiện, bà con trong vùng không chỉ có tôm, có gạo để ăn mà còn có thêm thu nhập từ bán lúa.

Huyện Hồng Dân vừa mời ngành liên quan ở tỉnh và một số nhà khoa học Trường ĐH Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL tham gia hội thảo về lúa sỏi chịu mặn. Bước đầu tỉnh chưa kiểm chứng lúa sỏi có chịu được 10‰ hay không nhưng đây là bộ giống chịu được độ mặn tối ưu nhất so với các loại lúa hiện có ở Bạc Liêu. Sở đang tổng hợp các tài liệu khảo nghiệm thực tế lúa sỏi tại Hồng Dân, trình UBND tỉnh xem xét, có hướng hỗ trợ phù hợp, hoàn thiện loại lúa này sao cho ngắn ngày hơn, chất lượng hạt gạo ngon hơn, thơm hơn.

XUÂN HẠ

Tin cùng chuyên mục