Vụ nông dân cho người nước ngoài thuê đất trồng lúa: Tiêu hủy “lúa lạ”

(SGGP).- Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, cho biết: Sau khi có kết luận của hội đồng thẩm định, giống lúa đang trồng khảo nghiệm ở ấp 1, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành không phải là giống lúa Nhị Ưu 838 F1, không nằm trong bộ giống được Bộ NN-PTNT cho phép sản xuất, sáng 8-3, sở đã phối hợp với chính quyền huyện Châu Thành tiêu hủy toàn bộ ruộng “lúa lạ” này.

Theo đó, 0,4ha lúa sắp trổ bông của bà Thật sẽ được cắt hết, sau đó phơi khô rồi đốt. Còn 1ha lúa sắp chín trên ruộng của ông Bền được thu hoạch sớm và sẽ cho tiêu hủy theo quy định. Rơm, rạ trên đồng cũng sẽ được phơi khô và đốt bỏ. “Tiêu hủy xong, chúng tôi tiếp tục quản lý ruộng lúa, theo dõi những hạt rơi vãi nảy mầm để xử lý tiếp. Trong các vụ lúa tiếp theo, ngành nông nghiệp tiếp tục theo dõi, xử lý nếu còn sót bất kỳ mầm mống ngoại lai nào” - ông Lê Minh Đức cho biết.

Nhiều người dân có mặt tại hiện trường rất đồng tình với cách xử lý này. Vì tiêu hủy sớm sẽ tránh được những hệ lụy sau này, bởi giống “lúa lạ” này là lúa gì chưa ai biết, liệu có gây hại cho những ruộng lúa xung quanh hay không cũng chưa ai dám khẳng định. Cái lạ của lúa này là thời kỳ sinh trưởng rất lâu, nhưng khi trổ bông rồi chín thì thời gian rất ngắn (khoảng 20 ngày). Điều đáng chú ý nữa là bông của nó cũng nhiều hạt nhưng chỉ có trên 10 hạt là chắc, số còn lại lép và dễ rụng hạt, nên sau khi thu hoạch, số lúa thu được khoảng hơn 1 tấn/ha (!?).

Theo ThS. Trương Quốc Ánh, Phó phòng Công nghệ sinh học thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, người lo về mặt kỹ thuật và trực tiếp liên hệ với chuyên gia người Trung Quốc trong vụ trồng lúa lai này, giống lúa đang trồng là giống lúa lai của Trung Quốc, tên là Dương Ưu, chưa có trong danh mục giống được sản xuất của Bộ NN-PTNT và điểm yếu của giống lúa này là dễ nhiễm rầy.  

Đ.NGUYÊN

>> Tiếp tục xử lý giống lúa lạ

Tin cùng chuyên mục