Xuất khẩu gạo quý 2 khởi sắc hơn

(SGGP). – Đó là nhận định của ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tại buổi sơ kết quý 1-2013 diễn ra ngày 4-4 tại TPHCM.

(SGGP). – Đó là nhận định của ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tại buổi sơ kết quý 1-2013 diễn ra ngày 4-4 tại TPHCM.

Tổng Công ty Lương thực miền Nam vừa ký hợp đồng tập trung với Guinea (châu Phi) xuất khẩu 60.000 tấn, khả năng năm nay sẽ bán sang nước này 140.000 tấn, 2 năm sau khoảng 300.000 tấn/năm. Xuất khẩu gạo từ quý 2 bắt đầu khả quan trở lại từ các nước châu Phi, Malaysia… nhất là Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu gạo Việt Nam lớn nhất từ năm 2012, chỉ riêng quý 1-2013 đã nhập khoảng 600.000 tấn trong tổng số 1,45 triệu tấn gạo Việt Nam.

Hiện nay hợp đồng chưa giao hàng của các doanh nghiệp (DN) trên 2 triệu tấn và khả năng sẽ ký thêm 2,2 triệu tấn những tháng tới, chủ yếu là hợp đồng thương mại. Vì vậy, nhiều khả năng quý 2 sẽ xuất khẩu 2,2 triệu tấn, nâng số gạo xuất khẩu 6 tháng lên 3,65 triệu tấn. Đây sẽ là con số xuất khẩu cao nhất trong nhiều năm qua.

Giải thích lý do vì sao giá gạo Việt Nam lại thấp hơn Ấn Độ, Pakistan, chỉ cao hơn Myanmar, ông Trương Thanh Phong cho biết, do phí vận chuyển từ Việt Nam đi các nước châu Phi như Tây Phi, Guinea… lên đến 65 - 90 USD/tấn, so với 2 nước trên chỉ có 30 - 35 USD/tấn. Vì vậy, khi gạo đến những nước này giá bán gần như tương đương nhau. VFA cũng cảnh báo, cho đến nay Chính phủ Philippines chưa công bố quota nhập khẩu gạo cho tư nhân, vì vậy DN nào xuất khẩu gạo vào quốc gia này cần hết sức thận trọng, phải yêu cầu thanh toán ngay, nếu không khả năng mất hàng sẽ rất cao.

Ngoài ra, VFA cũng cảnh báo DN cẩn trọng khi xuất hiện một số nhà môi giới (giả mạo) ký hợp đồng vào Indonesia, Philippines với số lượng lớn, lên đến cả triệu tấn. Vấn đề lúa thơm vụ đông xuân 2013 bị giảm giá, ngoài yếu tố thị trường, nguyên nhân chính là vì một số giống như OM 4900, OM 4218, OM 6411… ở lưng chừng giữa lúa thơm và không thơm nên khó bán; chưa kể một số giống thơm như Jasmine do bà con sử dụng lúa thịt làm giống hoặc trồng trên nền lúa thường vụ trước nên tỷ lệ bị lẫn lộn khá cao, lên đến 20% - 30%, khiến nhà nhập khẩu không mua hoặc mua giá thấp, chỉ còn 510 - 520 USD/tấn thay vì 550 - 560 USD/tấn.

Theo VFA, các địa phương cần khuyến cáo bà con sử dụng giống lúa được xác nhận khi gieo trồng, không dùng lúa thương phẩm nhằm đảm bảo chất lượng lúa gạo, chú ý một số giống bị thoái hóa như ST5, riêng vụ hè thu không trồng lúa thơm, chỉ vụ đông xuân hoặc thu đông.  

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục