Ngành chế biến gỗ đủ nguyên liệu, nhưng…

Ngành gỗ chế biến trở thành một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn của cả nước. 3 tháng đầu năm 2013, ngành này một lần nữa cho thấy tốc độ phát triển mạnh khi bình quân mỗi tháng kim ngạch xuất khẩu 400 - 450 triệu USD. Dự báo cả năm 2013 có thể xuất khẩu 5,5 tỷ USD so với con số 4,67 tỷ USD năm 2012.
Ngành chế biến gỗ đủ nguyên liệu, nhưng…

Ngành gỗ chế biến trở thành một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn của cả nước. 3 tháng đầu năm 2013, ngành này một lần nữa cho thấy tốc độ phát triển mạnh khi bình quân mỗi tháng kim ngạch xuất khẩu 400 - 450 triệu USD. Dự báo cả năm 2013 có thể xuất khẩu 5,5 tỷ USD so với con số 4,67 tỷ USD năm 2012.

Gỗ nguyên liệu nhập khẩu giảm

Nếu mỗi năm ngành chế biến điều nhập khẩu hơn 50% nguyên liệu cho nhu cầu chế biến thì con số này với ngành chế biến gỗ những năm trước 80%-90%. Việt Nam là nước xuất khẩu hạt điều lớn nhất thế giới, ngành chế biến gỗ là nước xuất khẩu dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, số 2 châu Á và số 6 thế giới. Thế nhưng theo cách nói của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, nếu chưa chủ động được vùng nguyên liệu, vẫn nhập khẩu cung ứng cho chế biến thì 2 ngành này vẫn phải “thở” nhờ “lỗ mũi” người khác – chưa bền vững trong phát triển. Khi ngành điều vẫn loay hoay vùng nguyên liệu, chưa tìm ra lời giải để người trồng giữ lại diện tích điều, dù chất lượng hạt điều Việt Nam được đánh giá vào loại tốt nhất thế giới thì ngành gỗ dường như câu trả lời đã có khi tỷ lệ gỗ nhập khẩu giảm dần. Gỗ nguyên liệu nhập khẩu chế biến năm 2012 chỉ còn 66%, nhưng nếu tính cả lượng gỗ dăm xuất khẩu (5 triệu tấn, tương đương 11 triệu m3), tỷ lệ này chỉ còn 20%-30%. 2 tháng đầu năm 2013 giảm 30% về lượng so với cùng kỳ năm 2012.

Ngành chế biến gỗ đủ nguyên liệu, nhưng… ảnh 1

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Satimex. Ảnh: CAO THĂNG

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho biết, 10 năm trước, lượng khai thác gỗ rừng trồng trong nước chưa tới 400.000m³ gỗ/năm, năm 2012 là 15 triệu m­³ trong tổng nhu cầu sử dụng gỗ là 19 triệu m³. Với đà này, con số 22 triệu m³ gỗ nguyên liệu trong nước cung ứng cho nhu cầu chế biến gỗ năm 2020 là trong khả năng. Với 800.000ha cao su, chu kỳ khai thác 25 năm, năm 2020 chỉ riêng cao su có thể khai thác 5-6 triệu m³ cao su nguyên liệu. Với trên 2,5 triệu ha rừng trồng, năm 2020 cung cấp 15-16 triệu m³. Chưa kể lượng gỗ phân tán cung cấp hàng chục triệu m³. Vì vậy, năm 2014 nhà nước sẽ tạm đóng cửa rừng tự nhiên một thời gian.

Vẫn còn nghịch lý

Thế nhưng, thực tế không đơn giản như vậy. Miền Bắc và miền Trung là khu vực có diện tích và sản lượng gỗ rừng trồng chiếm khoảng 70% cả nước, nhưng chỉ có các cơ sở chế biến dăm mảnh, ván bóc. Vì vậy, trong lúc chỉ sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng để sản xuất 65.000 tấn bột giấy, Tổng Công ty Giấy Việt Nam lại xuất khẩu hơn 606.000 tấn dăm với giá 125 USD/tấn, nhưng khi nhập khẩu bột giấy về sản xuất lên đến 900-1.000 USD/tấn. Vùng nguyên liệu rừng trồng có thể nói là chưa thật sự gắn với ngành chế biến gỗ để xuất khẩu, tập trung ở vùng Đông Nam bộ như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… và duyên hải miền Trung như Bình Định, Phú Yên. Khi thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thế giới ngày càng đòi hỏi nghiêm ngặt về nguồn gốc gỗ (chứng chỉ rừng - FSC) hoặc gỗ có nguồn gốc hợp pháp như Mỹ có đạo luật Lacey, các nước EU có Fleght, nhưng gỗ trong nước chưa thể đáp ứng điều này. Diện tích rừng trồng có chứng chỉ FSC ở Việt Nam chỉ vài chục ngàn ha.

Bộ NN-PTNT cho rằng, nguồn gỗ trong nước ngày càng nhiều nhưng do khai thác sớm, nên đường kính gỗ còn nhỏ, chất lượng thấp, do đó vẫn phải phụ thuộc nhập khẩu để sản xuất các sản phẩm có giá trị cao. Đây là một nghịch lý, làm cho ngành chế biến gỗ có tính cạnh tranh thấp trên thị trường. Dù không còn phải xuất khẩu tập trung vào 1 nước để tái xuất sang nước thứ 3 như trước, nhưng khi xuất khẩu trực tiếp, hầu hết các DN chưa có mạng lưới phân phối sản phẩm ở nước ngoài, vẫn phải qua những tập đoàn bán lẻ nên bị động về thị trường. Bên cạnh gỗ nguyên liệu nhập khẩu chiếm 35%-40% giá thành, ngành công nghiệp phụ trợ chưa có, đa phần phải nhập khẩu giá cao chiếm 10%, chi phí bán hàng lớn khoảng 14% làm giảm khả năng cạnh tranh nên lợi nhuận của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chỉ còn khoàng 5% giá trị xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa), rừng là tài nguyên thiên nhiên tái sinh hàng năm nhờ sự phát triển sinh khối cây rừng. Ngành chế biến gỗ xẻ có sự phát triển bền vững khi nhà nước có bước đi đồng bộ trồng rừng và cấp chứng chỉ về rừng, cũng như có chính sách hợp lý về vốn vay để người trồng rừng không khai thác sớm và việc hình thành những trung tâm sơ chế ban đầu để cung cấp cho các nhà máy chế biến gỗ vùng Đông Nam bộ. Ở Trung Quốc, ngành chế biến gỗ nhập gỗ nguyên liệu từ Nga, tổ chức cưa xẻ ở Nội Mông sau đó vận chuyển về các nhà máy chế biến tập trung. Tạo được các chuỗi liên kết đó mới giúp phát triển chế biến vừa phủ xanh đất trống, đồi trọc và là nguồn sinh kế ổn định của người trồng rừng vừa chủ động nguồn nguyên liệu cho nhà máy chế biến lại vừa đảm bảo môi trường sống cho người dân.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục