Xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL: Sự hài lòng của người dân là thước đo

Ở ĐBSCL, xây dựng nông thôn mới (NTM) là một chủ trương lớn, đã đáp ứng được lòng mong đợi của người dân. Phong trào xây dựng NTM bước đầu tạo được một diện mạo mới. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên đặc thù của vùng sông nước đặt ra không ít khó khăn trong quá trình xây dựng NTM. Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM khu vực ĐBSCL do Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tổ chức tại Hậu Giang ngày 25-2, đã xuất hiện nhiều cách làm hay, huy động được sức dân, dồn lực xây dựng NTM.
Xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL: Sự hài lòng của người dân là thước đo

Ở ĐBSCL, xây dựng nông thôn mới (NTM) là một chủ trương lớn, đã đáp ứng được lòng mong đợi của người dân. Phong trào xây dựng NTM bước đầu tạo được một diện mạo mới. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên đặc thù của vùng sông nước đặt ra không ít khó khăn trong quá trình xây dựng NTM. Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM khu vực ĐBSCL do Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tổ chức tại Hậu Giang ngày 25-2, đã xuất hiện nhiều cách làm hay, huy động được sức dân, dồn lực xây dựng NTM.

Nông dân Đồng Tháp thu hoạch lúa bằng cơ giới. Ảnh: Hoàng Hùng

Nông dân Đồng Tháp thu hoạch lúa bằng cơ giới. Ảnh: Hoàng Hùng

        Xóa được xã “trắng” về đạt tiêu chí NTM

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất là tạo được lòng tin cho nhân dân. Nguyên tắc “vàng” là phải dân chủ, công khai và minh bạch trong quá trình xây dựng NTM. Các địa phương phải năng động sáng tạo, có bước đi thích hợp, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo chính trong quá trình xây dựng NTM”.

Theo Bộ NN-PTNT, trong 3 năm qua, ĐBSCL đã huy động khoảng 121.340 tỷ đồng để xây dựng NTM. Trong đó, vốn ngân sách là 31,2%, vốn tín dụng chiếm 47,3%, doanh nghiệp chiếm 4,3%, vốn cộng đồng dân cư chiếm 17,2%. Qua đó, đến cuối năm 2013, bình quân các xã khu vực ĐBSCL đã đạt 9,23 tiêu chí, tăng 3,19 tiêu chí so với năm 2011 (bình quân cả nước đạt 8,36 tiêu chí, tăng 3 tiêu chí).

So với năm 2011, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã có mức tăng tiêu chí khá so với cả nước (bình quân từ 3 tiêu chí trở lên); xóa được xã “trắng” về đạt tiêu chí NTM. Điều này cho thấy sự nỗ lực cao của các cấp ủy, chính quyền và người dân ở ĐBSCL trong điều kiện còn nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, đến nay còn 62 xã đạt dưới 5 tiêu chí, trong đó tập trung nhiều ở các tỉnh: Tiền Giang (39 xã), Bến Tre (7 xã), Cà Mau (10 xã)… đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực cao hơn nữa của chính quyền và người dân ở các xã này. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí ở một số địa phương còn chưa được coi trọng, chủ quan và mang tính hình thức, chạy theo phong trào.

Ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT - cố vấn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cho rằng: Việc khơi dậy nguồn lực trong dân là một điểm sáng của vùng ĐBSCL. Xây dựng NTM cần tập trung vào chăm lo, cải thiện đời sống cho người dân. Khi cuộc sống bà con khá hơn thì sự vận động cho các tiêu chí còn lại cũng dễ dàng hơn.

Nông dân huyện Châu Thành (Long An) phát triển mạnh mô hình nông thôn mới nhờ trúng giá thanh long. Ảnh: Huỳnh Lợi

Nông dân huyện Châu Thành (Long An) phát triển mạnh mô hình nông thôn mới nhờ trúng giá thanh long. Ảnh: Huỳnh Lợi

“Cái gì khó nhất trong quá trình xây dựng NTM? Đó là vốn để làm hạ tầng. Theo tính toán, bình quân mỗi xã cần phải có mức đầu tư 300 tỷ đồng để đạt được 19 tiêu chí xã NTM. Trong khi đó, nguồn vốn “rót” dàn đều 1 tỷ đồng/xã hiện nay là quá “hẻo””, ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết. Điểm khó lớn nhất của các địa phương ở ĐBSCL là địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nền đất yếu; trình độ dân trí còn thấp; cơ cấu kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng hiệu quả chưa cao; kết cấu hạ tầng nhất là giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch… còn thiếu và yếu kém; mức sống của một bộ phận dân cư, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp; thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ lụt, đang là những tác động làm chậm tiến trình thực hiện xây dựng NTM ở vùng ĐBSCL.

        Dựa vào sức dân

Có ý kiến đề xuất, nên có một tiêu chí riêng để xây dựng NTM ở ĐBSCL. Đồng thời cũng có ý kiến cảnh báo, không nên quá cứng nhắc chạy theo các tiêu chí NTM. Cần phải hiểu rõ xây dựng NTM là làm thay đổi đời sống của người dân theo hướng rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, tạo thêm điều kiện hưởng thụ cho người dân ở nông thôn.

Thu hoạch tôm càng ở ĐBSCL. Ảnh: Cao Phong

Thu hoạch tôm càng ở ĐBSCL. Ảnh: Cao Phong

“Dân biết, dân bàn, dân đóng góp thì các công trình xây dựng NTM sẽ hiệu quả cao hơn”, ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, nhận định. Thực tế là công trình xây dựng ở xã NTM sẽ đạt chất lượng cao và tiết kiệm nhiều hơn nếu người dân tham gia.

Ông Trần Hoàng Duyên, Bí thư Huyện ủy Phước Long, tỉnh Bạc Liêu đã kể lại câu chuyện người dân khá “hững hờ” với các công trình do địa phương thuê thầu thi công. Tuy nhiên, khi công trình có sự đóng góp, bàn bạc của người dân thì họ “nhảy vào” làm sôi nổi với các địa phương. Một công trình xây dựng đường nông thôn nếu thuê thầu thi công sẽ mất 26 tỷ đồng nhưng khi người dân cùng cán bộ địa phương tham gia xây dựng chỉ 13 tỷ đồng, chất lượng lại rất cao.

Là xã nông thôn mới thí điểm của Trung ương, xã Mỹ Long Nam (Cầu Ngang, Trà Vinh) đột phá vươn lên từ mô hình nuôi tôm. Ảnh: HUỲNH LỢI

Là xã nông thôn mới thí điểm của Trung ương, xã Mỹ Long Nam (Cầu Ngang, Trà Vinh) đột phá vươn lên từ mô hình nuôi tôm. Ảnh: HUỲNH LỢI

“Ước gì NTM ở ĐBSCL có được nền sản xuất nông nghiệp cạnh tranh cao, nông thôn sinh thái”, ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, chia sẻ. Thực tế, rất nhiều địa phương đang lúng túng tăng thu nhập cho người dân bằng cách nào trong bối cảnh bị “nghẽn” về đầu ra nông sản, hình thái sản xuất còn manh mún… Chính vì vậy mà việc tìm đầu ra ổn định cho nông sản, cải thiện kế sinh nhai bằng chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp ở nông thôn vẫn là bài toán căn cơ để “tăng” sức dân tham gia vào xây dựng NTM.

Không ít ý kiến đề nghị nên phân ra tiêu chí “cứng” và tiêu chí “mềm” trong quá trình xây dựng NTM. Tuy nhiên, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ đã có một chia sẻ đáng suy nghĩ: “Tiêu chí nào cũng không qua lòng dân. Cần phải lấy mức độ hài lòng của người dân để làm thước đo cho quá trình xây dựng NTM”.

Theo ông Lê Huy Ngọ, trong quá trình xây dựng NTM cần lưu ý đến tính cách của người dân Nam bộ, đó là phóng khoáng không thích gò bó, cuộc sống rất gần gũi với thiên nhiên; sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng. Đây là nhân tố quan trọng để gắn kết tình làng, nghĩa xóm.

Theo Bộ NN-PTNT, đến nay ĐBSCL có 18 xã đạt 19 tiêu chí, bằng 1,4% (cả nước là 1,2%); số xã đạt 15 - 18 tiêu chí là 4,7% (cả nước là 5,7%); số xã đạt 10 - 14 tiêu chí là 36% (cả nước là 28,9%); số xã đạt 5 - 9 tiêu chí là 53% (cả nước là 47,2%); số xã đạt dưới 5 tiêu chí là 62 xã, bằng 4,9% (cả nước là 17,3%).

CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục