Xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm: Đối diện nhiều khó khăn

Việc trúng thầu cung cấp 800.000 tấn gạo cho Philippines sẽ giao hàng từ tháng 5 đến tháng 8, dù giá không cao, nhưng về tổng thể đây là hợp đồng đối trọng để Trung Quốc không ép giá và giữ giá lúa gạo trong nước không giảm mạnh. Trong khi đó, thông tin về thị trường xuất khẩu gạo thế giới và những diễn biến thực tế đang có khoảng cách.
Xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm: Đối diện nhiều khó khăn

Việc trúng thầu cung cấp 800.000 tấn gạo cho Philippines sẽ giao hàng từ tháng 5 đến tháng 8, dù giá không cao, nhưng về tổng thể đây là hợp đồng đối trọng để Trung Quốc không ép giá và giữ giá lúa gạo trong nước không giảm mạnh. Trong khi đó, thông tin về thị trường xuất khẩu gạo thế giới và những diễn biến thực tế đang có khoảng cách.

Vô bao gạo xuất khẩu tại Xí nghiệp lương thực Sài gòn - Satake. Ảnh: CAO THĂNG

Vô bao gạo xuất khẩu tại Xí nghiệp lương thực Sài gòn - Satake. Ảnh: CAO THĂNG

Tăng nhập khẩu ở châu Á, châu Phi

Theo trang mạng Oryza, Ủy ban Ngũ cốc quốc tế (IGC) nhận định, thương mại gạo toàn cầu năm 2014 đạt mức kỷ lục 40 triệu tấn, tăng 5% so với 38 triệu tấn năm 2013. Mức tăng chủ yếu từ việc nhập khẩu ở các nước vùng Viễn Đông của châu Á và châu Phi, gồm: Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia, kể cả Bangladesh sẽ lên 12,5 triệu tấn so với mức 10,5 triệu tấn năm 2013 (tăng thêm 19%). Trong đó, Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu lớn nhất với 3,1 triệu tấn; trong khi Indonesia, để đảm bảo nguồn cung sẽ nhập khoảng 1,4 triệu tấn và Philippines sẽ nhập 1,9 triệu tấn. Khu vực các nước châu Phi vùng cận sa mạc Sahara có thể nhập 14,6 triệu tấn gạo các loại; riêng Nigeria, một trong những nước nhập khẩu gạo nhiều nhất, dự báo sẽ tăng 15% lên 3,1 triệu tấn gạo so với mức 2,7 triệu tấn gạo năm 2013. Với các nước Tây Phi như Bờ Biển Ngà, Ghana và Senegal cùng với Nam Phi dự đoán nhập gạo tăng trên mức trung bình.

Ước tính sản lượng gạo toàn cầu giai đoạn 2013-2014 đạt 476 triệu tấn, tăng 1% so với 472 triệu tấn năm 2012-2013, chủ yếu do sản lượng thu hoạch tại Ấn Độ, Việt Nam và Pakistan tăng. Dự đoán tiêu thụ gạo toàn cầu năm 2013-2014 tăng lên 476 triệu tấn, tăng khoảng 2% so với 472 triệu tấn giai đoạn 2012-2013 do tiêu thụ tăng tại Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil và châu Phi cận Sahara. IGC cũng nhận định, Ấn Độ năm nay xuất khẩu khoảng 9,7 tấn gạo, giảm 8% so với 10,54 tấn năm 2013 do Thái Lan tăng lượng xuất khẩu lên mức 9,2 triệu tấn; trong khi xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ giảm còn 6,3 triệu tấn so với 6,7 triệu tấn năm 2013.

Diễn biến không như kỳ vọng

Ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, thị trường hiện có những chuyển biến theo hướng không như kỳ vọng. Về thông tin trên một số báo mạng nước ngoài liên quan đến nhu cầu nhập khẩu gạo của một số nước như Philippines sẽ nhập thêm 200.000 tấn gạo của Việt Nam hay Indonesia sẽ nhập 500.000 tấn gạo... nhưng đến nay chưa có tiếp xúc nào của Philippines với VFA hay Vinafood 2 về lượng gạo mua thêm này. Không loại trừ đây là động thái nhằm xoa dịu dư luận khi giá gạo trong nước của Philippines có xu hướng tăng. Hoặc nếu có đi chăng nữa cũng phải xong việc giao hết 800.000 tấn gạo trong đợt trúng thầu vừa qua rồi mới tính đến con số này. Với thị trường Indonesia, tuyên bố mới đây của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp nước này, chính phủ nước này sẽ không nhập khẩu gạo trong năm 2014 do sản lượng lúa gạo trong nước đáp ứng đủ nhu cầu. Chủ tịch cơ quan hậu cần phụ trách nhập khẩu gạo - BULOG của Chính phủ Indonesia cũng cho biết, BULOG sẽ tiếp tục thu mua lúa gạo từ nông dân trong nước để tăng dự trữ lượng gạo. Theo ông Huỳnh Thế Năng, thị trường xuất khẩu gạo tập trung của Việt Nam hiện nay có 2 hợp đồng: Hợp đồng xuất khẩu sang Philippines, còn 50% trong tổng số 800.000 tấn gạo sẽ giao xong trong tháng 8 và hợp đồng 200.000 tấn gạo xuất khẩu sang Malaysia sẽ giao xong trong tháng 9.

Ngay cả với thị trường Trung Quốc, dù là nước nhập khẩu gạo nhiều nhất từ Việt Nam mấy năm qua, nhưng cũng phải tỉnh táo để thấy rằng, Trung Quốc chỉ nhập khẩu để “tích cốc phòng cơ” hơn là vì vấn đề đảm bảo an ninh lương thực, nên chỉ mua khi giá thế giới xuống thấp như những năm qua. Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Trung Quốc chiếm 46,8 triệu tấn gạo trong tổng lượng gạo dự trữ thế giới năm 2013 là 111,2 triệu tấn. Lượng gạo dự trữ của Trung Quốc đủ cho người dân sử dụng trong 117 ngày so với phần còn lại của thế giới chỉ đủ 71 ngày. Qua đó có thể nhận thấy, an ninh lương thực của Trung Quốc đang ổn định hơn nhiều so với cách đây 10 năm. Vì vậy, Trung Quốc có thể ngưng mua bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, với thị trường Bangladesh, dù nước này cho biết sẽ nhập khẩu gạo trở lại và có những tín hiệu sẽ mua gạo từ Việt Nam, tuy nhiên, nhiều khả năng nước này nhập khẩu lúa mì nhiều hơn gạo. Với thị trường Mexico, vừa qua, VFA đã có chuyến xúc tiến thương mại tại nước này và đã ký cung cấp 15.000 tấn gạo. Nhưng đây là thị trường đòi hỏi chất lượng rất cao, không dễ đáp ứng. Phía Việt Nam đã đề nghị bỏ bớt một số quy định để giúp tăng lượng nhập khẩu gạo từ Việt Nam, nhưng khó có khả năng Mexico chấp nhận. Với Iraq, dù đang chuẩn bị mua một lượng gạo Basmati của Ấn Độ và gạo khác thông qua đấu thầu từ các nước, nhưng khả năng trúng thầu của Vinafood 1 (Tổng Công ty Lương thực miền Bắc) còn là điều đang… hy vọng. Ngay cả việc chính quyền quân sự Thái Lan dừng việc xuất khẩu để tổng kiểm kê lượng gạo trong kho xem có sự thiếu hụt gì không giữa sổ sách và con số thực tế, khiến không ít người kỳ vọng đây là cơ hội cho hạt gạo Việt Nam khi các nhà nhập khẩu sẽ quay qua mua gạo Việt Nam. Nhưng thông tin mới nhất cho biết, việc tạm dừng này cũng chỉ đến giữa tháng 8 mà giá gạo Việt Nam hiện nay cao hơn gạo Thái Lan khoảng 30 USD/tấn. Với bối cảnh như hiện nay nên sẽ khó cho hạt gạo Việt Nam nếu không có những đột phá về các thị trường khác.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục