Xăng dầu tăng giá

Cơ hội cho dòng xe đạp, xe gắn máy điện

Cơ hội cho dòng xe đạp, xe gắn máy điện

Khoảng 2 năm trước, khi giá xăng tăng, xe đạp - gắn máy điện được xem như một cách tiết kiệm năng lượng hiệu quả và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, sức hút của các loại xe này cũng nhanh chóng sụt giảm vì nhiều lý do. Nay giá xăng lại tăng, người dân lại đi mua xe đạp điện, xe gắn máy điện, nhưng...

Ghi nhận thị trường

Cơ hội cho dòng xe đạp, xe gắn máy điện ảnh 1
Xe đạp điện, xe gắn máy điện đang được nhiều người mua.

Ngay khi nghe giá xăng tăng lên 12.000 đồng/lít, nhiều đầu nậu, chủ các cửa hàng xe đã nhanh chóng thêm mặt hàng xe đạp điện để cung ứng thị trường. ở các khu bán xe đạp có tiếng tại TPHCM như trên đường Bùi Hữu Nghĩa,Võ Thị Sáu (quận 3), Lê Thánh Tôn (quận 1), Hùng Vương (quận 5),... bên cạnh xe đạp thường, hầu hết các cửa hàng đều mời chào thêm mặt hàng xe đạp điện rất rầm rộ.

Anh Trần Văn Phương, chủ một cửa hàng trên đường Lê Thánh Tôn, cho biết từ khi giá xăng tăng có nhiều khách hàng đến tìm hiểu và chọn mua xe. Chị Hằng - một khách hàng mua xe tại đây - kể hai năm trước chị đã mua một xe máy điện sử dụng tốt, tiết kiệm, thấy hiệu quả nay mua thêm một xe đạp điện nữa.

Ông Đào Quốc Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp-thương mại Hữu Nghị, khẳng định sử dụng xe đạp điện sẽ rất tiết kiệm. Theo tính toán, nếu sử dụng bình ắc quy chì có thể chạy được 25 km với lượng trữ điện 1,5 kW/lần sạc, chi phí bằng 1/4 so với chạy xăng; nếu sử dụng bình ắc quy niken chi phí chỉ bằng khoảng 1/7. Đó là chưa kể những lợi ích khác cho nền kinh tế chung như tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và hạn chế tai nạn giao thông.

Được biết, xe đạp điện được bán trên thị trường hiện nay phần lớn là xe nhập mới nguyên chiếc từ Trung Quốc, Đài Loan với giá 3-3,5 triệu đồng/chiếc; xe của Nhật chủ yếu là hàng đã qua sử dụng nhưng giá tương đối cao: 4-5 triệu đồng/chiếc, riêng xe mới có chiếc lên đến 1.500 USD/chiếc. Dòng xe lắp ráp tại Việt Nam cũng có nhưng rất hiếm người mua.

Theo giới kinh doanh, trước đây vì ham giá rẻ nên nhiều người đã chọn dòng xe nhập từ Trung Quốc, mới sử dụng thời gian ngắn xe đã bị hỏng nên nay không còn mấy người chọn xe của thị trường này mà thay vào đó là chọn xe nhập từ Nhật Bản, Đài Loan… Đặc biệt, dòng xe của Nhật ngoài ưu thế về chất lượng động cơ, nó được sử dụng bình ắc quy niken gọn nhẹ, độ bền cao, khả năng trữ điện lớn, có thể chạy 60-70 km mới sạc lại bình.

Ngoài xe đạp điện, thị trường hiện nay còn xuất hiện thêm các loại xe gắn máy chạy bằng động cơ điện. Xe được làm với nhiều kiểu dáng nhái theo thiết kế của các xe Spacy, Dylan được bán với giá 7-9 triệu đồng/chiếc.

Theo các kỹ sư chuyên ngành, loại xe này chỉ khác xe đạp điện về phần khung xe còn phần động cơ và bình ắc quy thì không có gì thay đổi. Nếu muốn tăng độ trữ điện để xe có thể chạy chặng đường dài hơn (thường 1 bình ắc quy chì chỉ chạy được khoảng 25-30km), nơi bán xe sẽ gắn thêm bình phụ trợ cho xe theo yêu cầu của khách.

Cơ hội nào cho người tiêu dùng?

Sử dụng xe đạp điện, xe gắn máy điện với người dân là một nhu cầu thật, tuy nhiên chất lượng các dòng xe này đang là vấn đề mà người tiêu dùng băn khoăn. Theo ông Đào Quốc Nam, chất lượng xe đạp điện hiện vẫn còn bỏ ngỏ-dù năm 2004 Việt Nam đã ban hành tiêu chuẩn chất lượng xe đạp điện.

Ông Lê Quốc Tạo, Chánh văn phòng Hiệp hội Ô tô- Xe máy-Xe đạp Việt Nam, cho biết thêm: Cho đến nay Việt Nam vẫn chưa sản xuất được động cơ xe đạp điện, thậm chí ngay cả bình ắc quy theo xe cũng mới sản xuất được ắc quy chì nhưng cũng còn nhiều hạn chế như to, nặng, khả năng trữ điện, độ bền kém.

Được biết, cách đây 2 năm thị trường xe đạp điện rộ lên, nhiều doanh nghiệp trong nước đã vào cuộc sản xuất, lắp ráp. Thời kỳ hưng thịnh của xe đạp điện, các doanh nghiệp này lắp ráp với công suất khoảng 5.000-7.000 xe/năm/doanh nghiệp. Tuy nhiên trong số đó, chỉ có một số rất ít các doanh nghiệp chú trọng việc sản xuất khung xe hợp chuẩn để đồng bộ với động cơ; số còn lại - đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ - thường chọn phương pháp gắn động cơ xe đạp điện và bình ắc quy lên khung xe đạp thường.

Theo ông Đào Quốc Nam, với cách làm này rất nguy hiểm bởi các động cơ do Trung Quốc, Đài Loan sản xuất thường quy định là 50km/giờ, có những loại còn lên đến 70km/giờ; khi chạy với vận tốc này mà chỉ dùng bộ thắng của xe đạp thường thì khó có thể khống chế tốc độ, không đảm bảo an toàn…

Nhiều nhà chuyên môn cho rằng sử dụng xe đạp điện là một lựa chọn ưu việt, nhà nước cần có chủ trương khuyến khích. Tuy nhiên cho đến nay, lĩnh vực này dường như chưa được quan tâm đúng mức. Được biết, hiện nay thuế nhập khẩu đánh vào xe đạp điện nguyên chiếc và phụ tùng còn khá cao, từ 30% đến 40%, giá thành xe cao, khó khuyến khích người dân sử dụng. 

LƯƠNG NGUYÊN
 

Tin cùng chuyên mục