Còi xe gây phản cảm

Chuyện”Biết rồi, khổ quá nói mãi...”!

Chuyện”Biết rồi, khổ quá nói mãi...”!

Hiện nay, các đô thị lớn tại Việt Nam đang khốn khổ trước tình trạng lượng ô tô, xe máy đang ngày một quá tải. Xe nhiều không chỉ gây ra tình trạng ô nhiễm khí thải, điều mà nhiều người dân bức xúc hiện nay không kém đó là tình trạng thiếu ý thức của một số người trong việc bóp còi xe gây phản cảm, ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Đâu là văn minh đô thị khi “loạn” còi xe cả ngày lẫn đêm?

Chuyện”Biết rồi, khổ quá nói mãi...”! ảnh 1

Còi xe bày bán tràn lan. Ảnh: T.L.

Các du khách quốc tế khi đến Việt Nam rất ngạc nhiên về hành vi bóp còi xe liên tục và lớn quá mức từ các xe vận hành trên đường phố. Nhiều người cho rằng, có thể ở Việt Nam chưa có luật cấm bóp còi xe trên đường hoặc quy định về âm lượng của còi xe là bao nhiêu và bóp trong thời gian nào, tình huống nào cho phù hợp. Bởi vì, ở một số nước trên thế giới như Singapore, Malaysia, Hoa Kỳ… đều đã có quy định cấm sử dụng còi xe trong khu dân cư, hoặc bóp còi trong những điều kiện quy định rõ ràng chứ không thể “loạn” còi như ở ta.
Được biết, ở nước ta theo Điều 8, Chương 2, Luật Giao thông Đường bộ, đã có quy định các hành vi bị nghiêm cấm bóp còi, trong đó có nghiêm cấm “Trong đô thị và khu đông dân cư, ngoài các xe ưu tiên đang thi hành nhiệm vụ theo quy định của luật giao thông đường bộ, cấm xe không được bóp còi từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau…”. Vậy thì vấn đề xuất phát từ đâu? Phải chăng chỉ vì luật cấm bóp còi xe từ 22 giờ đến 5 giờ sáng, thì vào những giờ không cấm bóp còi, người dân có quyền sử dụng còi một cách “bừa bãi” và thiếu ý thức đâu là văn minh đô thị. Băng qua đường cũng bóp còi, thấy chướng ngại vật cũng bóp còi, kẹt xe cũng bóp còi, bị đèn đỏ cũng bóp còi, không chỉ bóp còi một lần mà bóp còi liên hồi.
Nguy hiểm hơn, hiện có nhiều loại còi xe phát ra những âm thanh ghê rợn, nào là tiếng chó sủa, tiếng mèo rên, và cả tiếng em bé khóc thét… Đa số các còi xe này đều được nhập lậu từ Trung Quốc, chỉ tốn vài chục ngàn đồng là có thể lắp đặt cho xe và khiến người đi đường giật mình té ngã. Thời gian qua có rất nhiều tai nạn xảy ra do người đi đường giật mình mất kiểm soát tay lái té xe vì tiếng còi “rợn tóc gáy” này. Theo các chuyên gia về sức khỏe, sức chịu đựng của cơ thể không chịu được tiếng ồn sẽ dẫn đến suy nhược, đau đầu, nếu đối mặt thường xuyên với tiếng ồn sẽ gây mất ngủ, đau đầu triền miên, cơ thể suy nhược, thần kinh dễ bị kích thích, luôn trong trạng thái lo âu, trầm cảm… Các triệu chứng này sẽ tích lũy, gây nên những biến đổi về mặt cảm xúc, gây rối loạn huyết áp và nhiều bệnh khác.

Nhiều ý kiến cho rằng, có một bộ phận người dân chưa ý thức được mức độ tác hại của tiếng ồn ảnh hưởng đến sức khỏe, nên chăng các cơ quan chức năng cần nên phổ biến rộng rãi cho họ về việc này qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Ngoài ra, với một bộ phận người điều khiển phương tiện giao thông đã biết có quy định về việc cấm bóp còi xe trong những điều kiện nhất định mà vẫn ngang nhiên vi phạm thì cần phải có hình thức phạt nặng các hành vi này.

Được biết, hiện nay các mức vi phạm bóp còi sai quy định đều bị xử phạt hành chính, tuy nhiên theo các đơn vị thực thi nhiệm vụ, chính vì mức tiền quy định phạt còn thấp nên chưa đủ sức răn đe người vi phạm. Ý kiến từ phía người dân cho rằng, phạt tiền là hình thức phổ biến, nhưng với hành vi này thì cần xử lý mạnh tay, tăng mức tiền lên gấp vài lần thì mới hiệu quả. Các cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp chế tài quyết liệt để buộc người điều khiển giao thông tuân thủ việc bóp còi, chấp dứt tình trạng “loạn còi” trong một đô thị hiện đại.

Phúc Quang

Tin cùng chuyên mục