Phá sản tổ chức tín dụng - vẫn đảm bảo quyền lợi người gửi tiền

Việc cho phá sản Công ty Cho thuê tài chính II (ALCII) thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) mới đây, khiến người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng hoang mang. Tiếp đó, tại một số địa phương xuất hiện những tin đồn thất thiệt rằng, Agribank phá sản nên nhiều khách hàng đã kéo đến đến ngân hàng này rút tiền.




Lãnh đạo Agribank cho biết, sự việc có nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng kích động, gây tâm lý bất an với khách hàng gửi tiền và xã hội. 

Giao dịch tại Agribank      Ảnh: HUY ANH
 Không ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng 


Sau khi có thông tin cơ quan cảnh sát điều tra bắt giữ ông Lê Bạch Hồng, nguyên Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, trên mạng xã hội và một số trang thông tin điện tử thời gian gần đây đã đề cập đến việc Agribank đứng ra bảo lãnh cho ALCII vay vốn của BHXH Việt Nam; đồng thời quy kết ALCII bị tuyên phá sản nên Agribank phải có trách nhiệm trả nợ thay cho ALCII. Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank, cho biết thực hiện Đề án tái cơ cấu Agribank, ngày 30-5-2016, ALCII đã đệ đơn lên tòa án xin tuyên bố phá sản. Ngày 31-7-2018, Tòa án nhân dân TPHCM đã ra quyết định tuyên bố phá sản đối với ALCII. Ngày 12-10-2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam ban hành quyết định thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của ALCII. Theo quyết định của Tòa án nhân dân TPHCM, Công ty Hợp danh quản lý và thanh lý tài sản Sen Việt là đơn vị được giao nhiệm vụ quản tài viên xử lý công nợ liên quan đến ALCII. Theo bà Nguyễn Thị Phượng, ALCII là tổ chức tín dụng phi ngân hàng, có tư cách pháp nhân độc lập. Các sai phạm diễn ra trong giai đoạn 2006-2008 đã được phát hiện và xử lý từ nhiều năm trước.

Trấn an người gửi tiền, bà Nguyễn Thị Phượng cũng khẳng định việc phá sản của ALCII không ảnh hưởng đến hoạt động của Agribank cũng như tiền gửi của khách hàng. Bà Nguyễn Thị Phượng cũng cho biết, sau giai đoạn tái cơ cấu, lợi nhuận trước thuế của Agribank tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2016 đạt 4.212 tỷ đồng, năm 2017 đạt 5.018 tỷ đồng và 10 tháng năm 2018 đạt 6.000 tỷ đồng. Trong 2 năm liên tiếp 2016 và 2017, Agribank đều có tên trong danh sách 20 doanh nghiệp nộp thuế cao nhất cả nước. Về vấn đề liên quan đến BHXH Việt Nam, lãnh đạo Agribank cho biết, báo cáo kiểm toán năm 2011 của Kiểm toán Nhà nước đối với BHXH Việt Nam đã có kết luận cụ thể, cơ quan cảnh sát điều tra đang xác minh làm rõ. Hiện tòa án các cấp đang xử lý theo trình tự. Agribank sẽ thông tin đầy đủ ngay sau khi có kết luận của cơ quan điều tra.

Chuyển giao những ngân hàng yếu kém

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua đã có hiệu lực từ ngày 15-1-2018. Theo đó, có 5 phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; trong đó có phương án cho phá sản ngân hàng yếu kém. Theo NHNN, đây chỉ là một bước để tiếp tục hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý trong quản lý hoạt động các tổ chức tín dụng chứ chưa có kế hoạch hay trường hợp cụ thể nào được đưa ra. Quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng vẫn đang tập trung triển khai đề án Thủ tướng Chính phủ đã thông qua. Đại diện Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, việc phá sản tổ chức tín dụng khó có thể xảy ra vì Nhà nước sẽ thực hiện chọn các phương án phù hợp như phục hồi, sáp nhập, hợp nhất... nhằm ổn định hệ thống ngân hàng cũng như đảm bảo an ninh tiền tệ, ổn định xã hội.

Thực tế, việc cho phá sản ngân hàng không phải là quy định mới mà trong Luật Phá sản năm 2014 cũng đã có một chương riêng về phá sản các tổ chức tín dụng. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng vừa thông qua tiếp tục sửa đổi để tạo sự đồng bộ, hoàn thiện về mặt pháp lý. Ngoài ra, Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu (giai đoạn 2016-2020) cũng đã xác định một trong những giải pháp xử lý ngân hàng yếu kém ở trường hợp xấu nhất là cho phá sản. Đề án cũng định hướng rõ là tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại cổ phần, công ty tài chính và cho thuê tài chính lành mạnh phát triển và kiên quyết xử lý dứt điểm các ngân hàng thương mại cổ phần, công ty tài chính và cho thuê tài chính yếu kém, có nguy cơ gây rủi ro lớn cho hệ thống các tổ chức tín dụng, bao gồm cả các biện pháp giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật, song đảm bảo không ảnh hưởng đến sự an toàn và ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng. Trong tình huống xấu nhất phải thực hiện phá sản một trường hợp nào đó trong tương lai, nguyên tắc đề ra là thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.  Giải pháp phá sản tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật chỉ được thực hiện khi việc phá sản không ảnh hưởng lớn đến sự an toàn, ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, về quyền và lợi ích của người gửi tiền.

Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc NHNN, cũng khẳng định trong bất cứ trường hợp nào xử lý các phương án đối với các tổ chức tín dụng thì mục tiêu đầu tiên phải đảm bảo là an ninh kinh tế, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, cùng giữ được lòng tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Chọn bất cứ giải pháp nào thì mục tiêu đó phải được đảm bảo. Trong những tình huống khác nhau, có những giải pháp và chính sách khác nhau, còn mục tiêu xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành là luôn phải đảm bảo an toàn, lòng tin, quyền và lợi ích của người gửi tiền. 

Tại diễn đàn M&A 2018 được tổ chức tại TPHCM trong tháng 8 vừa qua, đồng chí Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ, cũng cho biết, tài chính - ngân hàng là một trong những lĩnh vực tái cơ cấu trọng tâm của Chính phủ. Đặc biệt, Chính phủ chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; trong đó, đối với các ngân hàng thương mại, Chính phủ khuyến khích M&A các ngân hàng nhỏ thành các ngân hàng quy mô lớn hơn. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ bán, chuyển giao những ngân hàng yếu kém và trong tình trạng đặc biệt như CBBank, GPBank, Oceanbank…

Theo quy định của pháp luật, tổ chức tín dụng gồm nhiều loại hình như ngân hàng, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, tổ chức tín dụng vi mô, quỹ tín dụng nhân dân. Thực tế thời gian qua, có một số quỹ tín dụng nhân dân vỡ nợ, có nguy cơ lâm vào tình trạng phá sản và mới đây, ALCII thuộc Agribank cũng đã phá sản nên không loại trừ tình trạng đó có thể xảy ra với một ngân hàng sau này. Xét về mặt pháp lý, quyền lợi của người gửi tiền hiện nay chỉ được bảo đảm trong phạm vi bảo hiểm tiền gửi ở mức tối đa là 75 triệu đồng. Chính vì vậy, việc tìm hiểu độ an toàn, thương hiệu và uy tín của tổ chức tín dụng để “chọn mặt gửi tiền” là điều khách hàng nên cân nhắc và lưu ý.

Tin cùng chuyên mục