Nhà nghiên cứu phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên:

Phải tự ta giới thiệu ta

Trong nhiều năm qua, giới văn chương và nhà văn nước ta luôn quan tâm: văn học Việt Nam xuất bản ở nước ngoài; vị trí của văn học Việt Nam trên bản đồ thế giới như thế nào? Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi cùng nhà nghiên cứu phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên (ảnh).
Phải tự ta giới thiệu ta

Trong nhiều năm qua, giới văn chương và nhà văn nước ta luôn quan tâm: văn học Việt Nam xuất bản ở nước ngoài; vị trí của văn học Việt Nam trên bản đồ thế giới như thế nào? Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi cùng nhà nghiên cứu phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên (ảnh).

PV: Ông là một nhà phê bình sắc sảo và hiểu thấu đáo bức tranh toàn cảnh văn học nước nhà, trong đó có mảng dịch thuật văn học. Ông có nhận xét và quan điểm thế nào về vấn đề dịch văn học nói chung hiện nay và dịch văn học Việt Nam (VN) ra tiếng nước ngoài nói riêng?

* Nhà phê bình PHẠM XUÂN NGUYÊN: Các nền văn học đều có sự giao lưu và trao đổi với nhau. Dịch thuật là con đường tiếp xúc giữa các nền văn học. Sự tiếp nhận văn học bằng con đường này có nhiều cấp độ khác nhau, tùy thuộc nơi phát và nơi nhận, trong đó vai trò chủ động của nơi nhận sẽ quyết định lựa chọn cái gì, dịch cái gì.

Trong vai trò nhận, phải nói văn học VN đã làm được khá nhiều và khá tốt việc dịch các tác phẩm văn học nước ngoài ra tiếng Việt. Nhất là trong thời gian gần đây, sự cập nhật tiến trình văn học thế giới qua những tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc, có giá trị cao đã được giới dịch thuật và giới xuất bản trong nước cố gắng rất nhiều và đã có những kết quả đáng mừng. Nhờ đó, chúng ta sống đồng đại với văn học nhân loại.

Và điều này có tác dụng rất tích cực đến văn học nước nhà, nó thách thức các nhà văn ta phải chạm ngưỡng thế giới, nếu không họ rất dễ bị độc giả trong nước bỏ rơi, quay lưng. Nhưng ở tư cách nơi phát, nghĩa là đưa văn học VN ra thế giới, thì chúng ta lại đang bị động, ăn đong.

* Lâu nay, giới văn chương và công chúng nước ta vẫn cho là so với nhiều nền văn học khác văn học VN không đến nỗi nào, nhưng sao thế giới biết quá ít về chúng ta. Theo ông đâu là nguyên nhân chính?

* Cân đong đo đếm văn học VN trên trường thế giới là một việc khó khăn, phức tạp. Nhưng chưa thể nói được vị thế của văn học VN đến đâu trong cộng đồng nhân loại, khi các tác phẩm của nó chưa được dịch và giới thiệu một cách hệ thống, đầy đủ ra nước ngoài, để độc giả nước ngoài đọc và đưa ra những đánh giá của họ một cách khách quan, công bằng. Tự tin, và bằng vào những gì đã đưa ra ngoài được lâu nay, chúng ta có thể nói văn học VN hình như có một tiếng vang nào đó.

Thực ra, trên bản đồ văn học thế giới, văn học VN mới chỉ là một cái chấm nhỏ, mờ nhạt. Phải tự ta giới thiệu ta. Phải tự ta đưa giá trị của ta ra với thế giới. Những dịch phẩm văn học giá trị sẽ mở cửa, dọn đường cho ta được đón nhận vào nhà người.

* Tất nhiên Hội Nhà văn giữ vai trò chính trong việc truyền bá văn học tới các quốc gia khác; nhưng truyền bá văn hóa VN, trong đó có văn học thì vai trò của nhà nước và xã hội là quan trọng. Theo ông có phải như vậy không?

* Không phải tất nhiên thế đâu. Tôi muốn xoay lại câu hỏi này để nói: phải đặt việc truyền bá văn học VN trong tổng thể việc truyền bá văn hóa VN ra nước ngoài, từ đó Bộ VH-TT-DL phải là cơ quan quản lý nhà nước chủ trì việc này, trong đó Hội Nhà văn VN là nòng cốt. Bộ và hội phải có kế hoạch dài hạn, phải có chương trình hệ thống, phải tổ chức cụ thể và phải được Chính phủ phê duyệt, đưa vào chương trình hành động quốc gia, có ngân sách thực hiện. Bộ và hội cũng phải phối hợp với Bộ Ngoại giao để sát với thực tế từng nước, đề ra được những cái gì cần dịch và làm thế nào để dịch. 

* Năm 2010, Hội Nhà văn sẽ tổ chức Hội thảo quốc tế về dịch thuật... Ông có cho rằng sau hội thảo, văn học VN sẽ có bước tiến mới, hòa chung dòng chảy văn học thế giới? 

* Tôi không lạc quan như vậy. Vì những hội nghị thế này ở ta thường nặng tính hội hè, lễ lạt, ít thiết thực, hội nghị xong rồi ta thường “đánh trống bỏ dùi”, nói nhiều mà làm ít. Nhưng tôi vẫn mong là hội nghị đi vào thực chất công việc, vẫn mong là sau hội nghị, công việc dịch và giới thiệu văn học VN ra nước ngoài sẽ có bước chuyển động mới, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn.

* Ông có đề nghị gì về việc đưa văn học VN ra nước ngoài?

* Mới rồi, tôi có đưa ra một đề nghị được nhiều người đồng tình, ủng hộ, nhưng lại chưa nhận được phản hồi từ các phía đang đứng ra lo hội nghị và việc truyền bá văn học VN ra nước ngoài. Đó là đề nghị lập một giải thưởng dịch văn học VN.

Trong nước hàng năm Hội Nhà văn VN, Hội Nhà văn Hà Nội đều xét trao giải thưởng dịch văn học nước ngoài, căn cứ vào tác phẩm được chọn dịch và chất lượng bản dịch. Cũng như vậy, hàng năm hoặc vài ba năm một lần, một cơ quan nào đó trong nước, có thể là Hội Nhà văn VN, được phép của Chính phủ xét trao thưởng cho một hoặc một số dịch giả nước ngoài đã có bản dịch hay tác phẩm văn học VN hoặc có sự nghiệp dịch văn học VN nổi tiếng, được đánh giá cao ở nước đó.

Giải thưởng này cần có tên gọi chính thức, có quy chế hẳn hoi và được trao thưởng long trọng, đàng hoàng. Giá trị tiền bạc có thể không phải đã lớn, nhưng vinh dự thì phải cao. Tôi hình dung, giải thưởng dịch văn học VN khi đã được xét và quyết định, sẽ được thông báo cho dịch giả được giải, mời họ sang VN nhận, hoặc được ủy quyền cho Đại sứ quán VN tại nước sở tại trao thưởng, người được giải sẽ nhận một tấm bằng ghi nhận, một tấm ngân phiếu và sẽ đọc một bài phát biểu nhận thưởng. Một giải thưởng như thế tôi tin sẽ có tác dụng nâng cao vị thế của văn học VN trên trường quốc tế.

Tôi nhắc lại đề nghị này ở đây một lần nữa và mong được trao đổi, phản hồi, để góp phần đưa văn học VN ra thế giới nhiều hơn, tốt hơn.

* Xin cảm ơn ông

CAO MINH thực hiện

Tin cùng chuyên mục