Rủi ro xuất khẩu vẫn cao

Bên cạnh những thuận lợi từ việc Việt Nam gia nhập các cộng đồng kinh tế, các hiệp định thương mại tự do với nhiều nước và khu vực, nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn đối mặt với những khó khăn mới từ tình hình chính trị - kinh tế thế giới, từ rào cản thương mại và cạnh tranh ngày càng gay gắt với hàng hóa của các nước. 
Chế biến tôm xuất khẩu tại một đơn vị Ảnh: CAO THĂNG
Chế biến tôm xuất khẩu tại một đơn vị Ảnh: CAO THĂNG
Doanh nghiệp (DN) Việt rất cần các thông tin mới về thị trường các nước để định hướng những thị trường tiềm năng.

Tăng trưởng ấn tượng

Xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2017 đạt 97,7 tỷ USD, tăng 18,8% so cùng kỳ năm 2016, mức tăng trưởng khá cao so với 6 tháng năm 2016 (chỉ tăng 5,9%). Bộ Công Thương đã mạnh dạn đưa ra dự báo, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 sẽ đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng trên 13% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 7% - 8%). 

Nhìn nhận khách quan thì khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng xuất khẩu chủ đạo (chiếm 72,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước) và có mức tăng trưởng cao hơn DN trong nước, tăng 20,4%. Tuy vậy, những nhóm hàng có sự tham gia xuất khẩu nhiều của DN trong nước là dệt may, da giày, nông - thủy sản cũng có mức tăng trưởng cao. Dệt may, da giày nằm trong danh sách những nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Nông sản, thủy sản trong 6 tháng năm 2017 có mức tăng 16,7%, ước đạt 12,1 tỷ USD; trong đó nổi bật là sự tăng trưởng cao của nhóm rau quả (tăng 43,5%), thủy sản (tăng 16,7%). Điều này đặt ra triển vọng xuất khẩu của DN trong nước về dệt may, da giày, nông - thủy sản sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm.

Kết quả gần 20 cuộc trao đổi của Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) với các hiệp hội DN, hội chuyên ngành cho thấy, các DN dệt may, da giày - túi xách, đồ gỗ, thủy sản đang tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu vào những thị trường truyền thống (chiếm kim ngạch cao trong nhiều năm) là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. 

Các DN dệt may cũng đang quan tâm đến thị trường Ấn độ, Bangladesh, Sri Lanka và xúc tiến thị trường các nước trong khối ASEAN; DN đồ gỗ, nông sản, trái cây đóng hộp sẽ chú trọng đẩy mạnh thị trường các nước khối ASEAN, đồng thời tìm hướng mở thị trường Đông Âu và UAE. Do thị trường Liên minh châu Âu (EU) hiện có nhiều biến động, ngành da giày Việt Nam đã dần chuyển hướng sang các thị trường như Mỹ, Nhật Bản và khu vực châu Phi. 

Hiện Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu của nhóm hàng thủy sản Việt Nam, chiếm 22,8% tổng giá trị xuất khẩu. Xuất khẩu của nhóm hàng này từ Việt Nam sang các thị trường tiêu thụ lớn khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc hiện đều tăng. UAE là thị trường mà DN thủy sản đang muốn đẩy mạnh xuất khẩu. Mặt hàng rau củ quả của Việt Nam đang có nhiều triển vọng xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Mỹ chiếm thị phần xuất khẩu điều của Việt Nam cao nhất (khoảng 35%), châu Âu  (25%), Trung Quốc (18%), còn lại là các quốc gia khác. Năm nay, kim ngạch xuất khẩu điều sang một số thị trường tăng mạnh như Israel (trên 50%), Đức (48%), Anh (23%), Ý (19%). 

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

 Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2017 khá cao nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo phản ánh của DN, những hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký với các nước, khu vực tuy mở ra cơ hội, nhưng rào cản kỹ thuật ở các nước phức tạp hơn, DN khó khăn khi muốn tìm hiểu những tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh để đáp ứng (lĩnh vực cao su, thủy sản, hồ tiêu, rau củ quả…) yêu cầu của đối tác. Thông tin về các FTA mà Việt Nam đang tham gia đàm phán chưa được phổ biến rộng rãi đến DN. Từ đó, các rủi ro trong xuất khẩu của DN Việt Nam gặp phải vẫn ở tỷ lệ cao. Một số thị trường tiềm năng mà DN quan tâm như Đông Âu, Nhật Bản, UAE lại có chính sách nhập khẩu không ổn định, hay áp dụng luật mới, tăng thêm danh mục những loại nông dược, kháng sinh phải kiểm soát, nhưng đôi khi không được thông báo trước; hay cấm tạm thời nhập khẩu không cho biết hạn định, rồi lại dỡ bỏ quy định không cần báo trước nên DN bị động.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương, nhìn nhận trong xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, các nước đều đặt ra những tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm rất khắt khe. DN trong nước phải cần được hỗ trợ để vượt qua hàng rào kỹ thuật của các nước. Việc phổ biến, hướng dẫn để DN đáp ứng, vượt qua được các hàng rào kỹ thuật là vô cùng cấp thiết.

Trước những nỗi lo của DN trong tình hình thị trường thế giới chuyển biến, đặc biệt DN xuất khẩu vẫn rất cần những thông tin mới về thị trường các nước, khu vực... và dưới sự chỉ đạo, chủ trì của UBND TPHCM và Bộ Công thương, ITPC sẽ tổ chức diễn đàn xuất khẩu năm 2017 với chủ đề “Nhận diện thị trường và quản trị rủi ro trong xuất khẩu” vào ngày 8-8-2017 tại TPHCM.

Diễn đàn nhằm cung cấp thông tin mới cập nhật về thị trường xuất khẩu, những giải pháp hữu hiệu để nâng cao sức cạnh tranh cho các DN xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm; từ đó, giúp DN tự đánh giá, điều chỉnh, cải tiến các quy trình quản lý và sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật và rào cản thương mại tại các quốc gia, tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh, Tổng thư ký Câu lạc bộ Doanh nghiệp xuất khẩu (thuộc ITPC), đại diện ban tổ chức, cho biết các diễn giả đến từ các tổ chức, tập đoàn có kinh nghiệm về khai thác thị trường, quản trị rủi ro sẽ trao đổi nhiều vấn đề đáng quan tâm, như ông John Rockhold, Giám đốc điều hành Amcham, sẽ đánh giá về thị trường toàn cầu và khu vực khi Mỹ rời TPP; ông Yasuo Nishitohge, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam, nêu lên những thách thức và cơ hội cho các DN Việt Nam khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; ông Yuichiro Shiotani, Tổng giám đốc TopValu, phân tích việc nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam theo quan điểm của một nhà bán lẻ Nhật Bản; ông Harry Loh, chuyên gia tài chính, Giám đốc Ngân hàng United Overseas Bank (UOB), các hiệp hội, DN trong nước sẽ trao đổi những khó khăn, rủi ro, các phương thức quản trị rủi ro trong hoạt động xuất khẩu.

ITPC đã thông tin rộng rãi về diễn đàn này đến các tổ chức xúc tiến thương mại và đầu tư của nước ngoài tại TPHCM, trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư của hơn 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam; các hiệp hội DN ngành hàng. Song song đó, ITPC cũng thông tin đến các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong nước và nước ngoài; các tập đoàn, đơn vị mua hàng nước ngoài để DN Việt Nam có thể kết nối, trao đổi thông tin, tìm cơ hội xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục