Sản xuất rau hữu cơ gặp nhiều thách thức

Rau hữu cơ được coi là hướng sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường và làm ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, tuy nhiên việc sản xuất rau hữu cơ vẫn còn gặp không ít trở ngại, nhất là đầu ra cho sản phẩm… 
Sản xuất rau theo hướng hữu cơ tại xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt
Sản xuất rau theo hướng hữu cơ tại xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt
Rau an toàn
Đang tất bật chăm sóc vườn rau cải hơn 3.000m2 để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán 2018, ông Nguyễn Hiển (75 tuổi, thôn Xuân Thành, xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt), cho biết: “Khu vườn này nằm trong số 2ha trồng rau theo hướng hữu cơ của gia đình tôi, rau sản xuất tới đâu là có người tới thu mua đến đó vì rau không sử dụng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào”.
Từ 4 năm trước, gia đình ông Nguyễn Hiển là 1 trong 5 hộ dân ở xã Xuân Thọ được Trung tâm Khuyến nông, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ sản xuất rau theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau theo hướng hữu cơ. Ông Hiển bỏ ra 2.000m2 đất và được hướng dẫn cách làm đất, xuống giống, chăm sóc rau súp lơ xanh. Tất cả quy trình đều tuân thủ nghiêm ngặt và tuyệt đối không sử dụng thuốc hóa học để diệt trừ côn trùng gây hại, kích thích rau, củ trong suốt quá trình sản xuất. Phân hữu cơ bón cho cây cũng được tự ủ từ các phế phẩm nông nghiệp.
Ngoài thời gian chăm sóc, hàng ngày, lao động trong trang trại đều đặn đi bắt các loại côn trùng và sâu gây hại theo hình thức thủ công, hoặc xịt dung dịch hỗn hợp chế biến từ gừng, ớt, tỏi… “Hơn 50 năm làm nông nghiệp theo lối canh tác truyền thống, thấy sâu bệnh thì phun thuốc diệt trừ, từ khi tiếp nhận hình thức sản xuất theo hướng hữu cơ, chúng tôi đã chuyển đổi hoàn toàn phần diện tích còn lại vì cái lợi đầu tiên là sức khỏe của bản thân (do không phải tiếp xúc với chất hóa học), kế đó người tiêu dùng cũng sẽ được sử dụng các sản phẩm an toàn hơn”, ông Hiển chia sẻ.
Theo đại diện Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Sunfood Đà Lạt - một trong những đơn vị thu mua rau hữu cơ số lượng lớn trên địa bàn TP Đà Lạt, để có nguồn rau an toàn khoảng 40 tấn/tháng, cung ứng cho 17 chuỗi cửa hàng tại 8 địa phương như TPHCM, Cần Thơ, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Khánh Hòa..., đơn vị đã cung cấp thiết bị, vật tư nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ liên tục trong nhiều vụ cho người dân. Đồng thời, hợp tác xã cũng thỏa thuận với nông dân về cách thức sản xuất, quy trình trồng và chăm sóc cho tới khi thu hoạch phải đảm bảo được tiêu chí hữu cơ, tối thiểu phải đạt tiêu chuẩn VietGAP, chăm sóc rau, củ bằng phân bón hữu cơ vi sinh, không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. “Khi người trồng tuân thủ các yêu cầu về rau an toàn, sản phẩm làm ra sẽ được thu mua toàn bộ với giá cao hơn sản phẩm hữu cơ ngoài thị trường khoảng 10%. Nhờ đó, người dân được lợi mà đơn vị cung ứng ra thị trường như chúng tôi cũng được đảm bảo nguồn hàng dồi dào”, ông Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Sunfood Đà Lạt, cho biết.
Còn nhiều trở ngại
Xã Xuân Thọ là một trong những vùng có diện tích rau sản xuất theo hướng hữu cơ lớn tại TP Đà Lạt nhưng mới chỉ dừng lại ở khoảng 20ha. Ông Nguyễn Đức Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ, cho biết địa phương có nhiều lợi thế để phát triển rau hữu cơ do nguồn nước, thổ nhưỡng còn sạch, số năm canh tác trên đất ít nên hạn chế được tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong đất. Tuy nhiên, so với tổng diện tích 700ha rau thì hiện nay diện tích rau sản xuất theo hướng hữu cơ của địa phương vẫn còn khiêm tốn. Trong khi đó, phần lớn rau người dân trồng ra đều xuất thô cho các đầu mối thu mua, không đóng bao bì. Đơn vị thu mua làm gì với số rau đó người trồng không biết, khiến cho giá trị rau bị giảm. 
Ông Võ Văn Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng nhận định, sản xuất rau hữu cơ là hướng đi bền vững đối với người trồng và vì sức khỏe cộng đồng. Dù vậy, trở ngại lớn nhất của sản xuất rau hữu cơ chính là thay đổi nhận thức người trồng về lợi ích bền vững của sản xuất rau an toàn. “Chuyển đổi từ sản xuất rau thông thường sang hướng hữu cơ cần có thời gian, có khi phải mất 3-4 vụ mới thấy hiệu quả nên phần lớn người dân vẫn còn e ngại. Trung tâm khuyến nông từng tổ chức 2 mô hình chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ rau theo hướng hữu cơ tại phường 7 và xã Xuân Thọ (TP Đà Lạt) với tổng diện tích là 2ha, nhưng chỉ dừng lại ở hướng dẫn, sau khi kết thúc chương trình chúng tôi chỉ có thể kết nối giữa người trồng và các đơn vị thu mua để những mô hình liên kết được phát huy hiệu quả”, ông Lập giải thích.
Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, sản xuất rau hữu cơ đòi hỏi quỹ đất sạch, giàu dinh dưỡng, tránh xa các khu vực gây ô nhiễm. Hiện nay, diện tích canh tác rau theo hướng hữu cơ tại Lâm Đồng còn nhỏ lẻ, khó khăn trong việc liên kết tiêu thụ. Trong khi đó, địa phương chưa ban hành chính sách hỗ trợ, văn bản hướng dẫn cụ thể, cũng như quy hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trồng trọt hữu cơ. Người tiêu dùng chưa tin tưởng và khó có thể phân biệt được sản phẩm hữu cơ và không hữu cơ, chính vì vậy dù nhu cầu thị trường cao nhưng sản phẩm rau hữu cơ vẫn khó bán, chỉ các tổ chức, cá nhân có hợp đồng trước với đầy đủ chứng nhận hợp lệ mới có thể đứng vững trên thị trường.

Tin cùng chuyên mục