Sản xuất “sạch” giúp mở rộng thị trường

Phải sửa đổi nhận thức của nông dân trong sản xuất để có sản phẩm an toàn thì mới có thể tác động người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn hàng Việt. 
Đó là ý kiến trong hội nghị thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với chủ đề “Sản xuất nông sản sạch và ưu tiên dùng nông sản Việt”, do Hội Nông dân TPHCM tổ chức.
Còn nhiều rào cản đối với hợp tác xã
Theo ông Võ Thành Dũng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Trường Thịnh, từ sau chuyến đi học tập thực tế về phương pháp sản xuất của nông dân Hàn Quốc, nhận thấy cách làm của nông dân Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế nên HTX đã đưa ra định hướng để xã viên thực hiện tốt việc sản xuất thực phẩm sạch, an toàn. Bên cạnh đó, quy trình ở Hàn Quốc từ “trang trại đến bàn ăn” được làm rất nghiêm ngặt.
Nông dân Hàn Quốc đưa sản phẩm đến trung tâm phân phối, tại đây có người kiểm tra chất lượng để đưa ra thị trường, nếu không đạt chuẩn sẽ bị trả lại.
Trong khi đó, điều kiện thời tiết nước ta thuận lợi hơn so với nhiều nước, trong đó có Hàn Quốc, nhưng hoạt động sản xuất lại không bằng. Bởi, nông dân Việt vẫn còn quen chạy theo số lượng, người quan tâm đến chất lượng chưa phải là số đông. Lẽ ra, nếu sản phẩm càng sạch, càng được tín nhiệm cao, thì giá trị lợi nhuận sẽ cao hơn.
“Tuy nhiên, sản phẩm của HTX được sản xuất theo hướng hữu cơ, cao hơn VietGAP, nhưng vẫn khó tìm thị trường tiêu thụ, do người tiêu dùng dù muốn có sản phẩm an toàn vẫn chưa sẳn sàng bỏ ra số tiền cao hơn để mua sản phẩm hữu cơ.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách sao cho HTX được thuê đất với giá ổn định, lâu dài, để an tâm đầu tư và có thời gian thu hồi vốn, nhất là khi chi phí đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao không nhỏ. Hiện nay, các HTX vẫn chưa được hưởng lãi suất vay ưu đãi 0%”, ông Dũng phân tích.
Ông Ngô Đức, Giám đốc HTX Tân Đức, kể chuyện HTX của mình trồng rau sạch đạt chất lượng VietGAP, cung cấp các đối tác khó tính như siêu thị nước ngoài, hệ thống khách sạn cao cấp… Vậy mà hơn 1 năm qua, HTX mang sản phẩm đi “chào” các hệ thống phân phối của Nhà nước vẫn không có kết quả, do thủ tục rườm rà. “Điển hình như rau mầm, từ khi gieo giống đến khi thu hoạch chỉ cần 3 - 5 ngày. Chất lượng đất, nước đã đạt tiêu chuẩn an toàn, được công nhận VietGAP, nhưng siêu thị thuộc Nhà nước yêu cầu cần giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Rồi khi có giấy chứng nhận thì siêu thị trả lời rằng đã có đối tác cung cấp cho hệ thống. Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn từng loại sản phẩm chỉ có một doanh nghiệp cung cấp. Người tiêu dùng không có sự lựa chọn nào khác”, ông Đức bức xúc.
Sản xuất “sạch” giúp mở rộng thị trường ảnh 1 Nhiều đoàn đã đến tận nhà vườn để tư vấn, tuyên truyền cho nông dân trồng theo tiêu chuẩn an toàn
Theo HTX Phú Lộc, đơn vị đã đầu tư thực hiện truy xuất nguồn gốc cho 16 loại sản phẩm. Thế nhưng, khi đưa hàng hóa vào siêu thị vẫn gặp khó khăn trong vấn đề xét nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Chi phí xét nghiệm hiện là 2,6 triệu đồng/sản phẩm (siêu thị yêu cầu phải phân tích 4 chỉ tiêu về thuốc bảo vệ thực vật và vi sinh trên 1 sản phẩm), đã làm tăng chi phí sản xuất. 
Giúp quảng bá sản phẩm
Theo Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, ban không thể dùng mệnh lệnh hành chính để áp đặt nông dân mà chính người sản xuất phải thay đổi nhận thức để cho ra sản phẩm an toàn. Về vấn đề xét nghiệm, tuy làm tăng chi phí sản xuất nhưng các HTX bắt buộc phải làm để đảm bảo an toàn trước khi sản phẩm ra thị trường. Ban đề nghị, các hệ thống phân phối nhà nước trên địa bàn TP cần phải ưu tiên sản phẩm được sản xuất trong địa phương.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương TPHCM), chia sẻ rằng hiện nay sản phẩm của TP còn gặp nhiều khó khăn, phải cạnh trạnh với hàng nhập khẩu và với cả hàng hóa trong nước. Do đó, nông dân phải quan tâm đến thị trường và xu hướng người tiêu dùng, phải có nhận thức đúng, khi sản xuất phải an toàn. Nếu đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường TP, sản phẩm càng có điều kiện “phủ sóng” trên toàn quốc, thậm chí xuất khẩu.
Ông Trần Tấn Quý, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, cho biết theo quy định, để được hỗ trợ vốn vay thì HTX phải có đơn vị bảo lãnh và phải xây dựng đề án để hội đồng thẩm định. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các ngân hàng vẫn chỉ cho vay khi có tài sản thế chấp, chứ không cần đơn vị bảo lãnh.
Trong thực tế đã có nhiều HTX đã thế chấp tài sản để vay vốn sản xuất, thủ tục nhanh gọn. Về tiêu thụ sản phẩm, sở có 2 phiên chợ nông sản an toàn, là nơi tạo điều kiện giúp HTX, nông dân, doanh nghiệp quảng bá, kết nối với thị trường.
Để được vào các phiên chợ này, phải có giấy tờ chứng nhận sản phẩm đạt VietGAP, GlobalGAP và tham gia chuỗi liên kết. Sở NN-PTNT cũng muốn đưa sản phẩm an toàn ra các chợ truyền thống, nhưng với phương thức kinh doanh hiện nay thì vấn đề này là khó khả thi, do tiểu thương không nhận các sản phẩm đóng gói mà chỉ bán theo từng kilôgam.
Điều này có thể dẫn đến tình trạng sản phẩm đạt chất lượng và có thương hiệu nhưng bị trộn lẫn với các sản phẩm không an toàn n
Với dân số trên 10 triệu người, TPHCM là thị trường tiêu thụ hàng hóa rất lớn. Đối với một số mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, thống kê sơ bộ mỗi năm TP tiêu thụ khoảng 825.000 tấn gạo, 330.000 tấn thịt các loại, gần 1 tỷ quả trứng gia cầm, gần 2 triệu tấn rau củ quả các loại, 450.000 tấn thủy hải sản...
Các sản phẩm chủ yếu được tập trung tại 3 chợ đầu mối, sau đó đưa về 240 chợ truyền thống và hơn 10.000 điểm bán lẻ. Riêng ở kênh phân phối hiện đại - gồm 202 siêu thị, 42 trung tâm thương mại và hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi, hàng hóa không thông qua chợ đầu mối mà chủ yếu được mua trực tiếp từ các nhà sản xuất.
Tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm lĩnh thị trường tại các hệ thống phân phối bình quân khoảng 80% - 90%. Xu hướng hiện nay là người tiêu dùng tìm mua sản phẩm có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, được nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đã qua sơ chế hay chế biến.

Tin cùng chuyên mục