Sơ kết sản xuất trồng trọt năm 2018 các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

Sáng ngày 27-9, tại tỉnh Quảng Ngãi, Bộ NN-PTNT tổ chức sơ kết sản xuất vụ hè thu, mùa và năm 2018 các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Tham dự có ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT,  đại diện ngành nông nghiệp các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Tại hội nghị, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, tình hình sản xuất trồng trọt vụ hè thu năm 2018 cơ bản thuận lợi, đặc biệt là cây lúa, cả nước đã tăng lên 1 triệu tấn lúa so với cùng kỳ năm trước. Các cây công nghiệp như cà phê, điều... xuất khẩu tăng. Đây là tín hiệu khả quan đối với thị trường xuất khẩu nông nghiệp.

Sơ kết sản xuất trồng trọt năm 2018 các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên ảnh 1 Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Lê Thanh Tùng, phụ trách khu vực phía Nam, Cục trồng trọt, cho biết, diện tích lúa toàn vùng giảm, tuy nhiên năng suất tăng hơn do áp dụng được kỹ thuật canh tác, chuyển đổi năng suất hiệu quả. Theo đó, diện tích lúa toàn vùng mùa vụ 2018 là 221.258 ha, giảm 16.910 ha, năng suất ước đạt 49,74 tạ/ha, tăng 0,74 tạ/ha. Theo ông Tùng, diện tích lúa mùa vụ 2018 giảm do lượng mưa các tháng cuối năm và có khả năng bị khô hạn vào cuối vụ nên bà con nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác.

  Một số vùng như Ninh Thuận còn xây dựng bản đồ nguy cơ hạn hán đối với các vùng sản xuất. Đây là cách dự báo hay trong sản xuất của Ninh Thuận. Cục Trồng trọt khuyến nghị các địa phương nên xây dựng các bản đồ chung đối với những vùng lượng mưa nhiều, hoặc hạn hán…
Sơ kết sản xuất trồng trọt năm 2018 các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên ảnh 2 Hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt tổ chức tại Quảng Ngãi. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Về tình hình sinh vật gây hại, theo ông Nguyễn Văn Hạ, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật Miền Trung khá đa dạng. Sinh vật gây hại đáng chú ý là chuột, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, bệnh lem lép thối hạt, bệnh chết cây... phổ biến ở các tỉnh, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng. Ngay khi phát hiện tình trạng bệnh, các Sở NN-PTNT các tỉnh, chi cục tổ chức kiểm tra, xử lý, đồng thời tuyên truyền cho nông dân các biện pháp ngăn ngừa triệt để việc di chuyển giống từ nơi này sang nơi khác, để tránh lây lan nguồn bệnh.

Trước mắt, các Sở NN-PTNT, Chi cục cần tập trung bảo vệ tốt lúa vụ mùa , lúa vụ 3. Đặc biệt điều tra theo dõi và chỉ đạo phòng trừ bệnh khảm lá trên cây sắn; trắng lá mía do Phytoplasma sp; bệnh chết nhanh - chết chậm trên cây tiêu; bệnh nứt thân chảy nhựa trên cây sầu riêng; rệp sáp bột hồng, bọ cánh cứng hại lá cà phê ở Kon Tum... để tránh lây lan diện rộng.

Tin cùng chuyên mục