Sổ tay: Tạo niềm tin cho người tiêu dùng

Việc sử dụng chất kích thích tạo nạc trong nuôi heo thời gian gần đây làm người tiêu dùng e ngại, khiến giá heo giảm mạnh. Trong khi đó, dịch heo tai xanh, lở mồm long móng, cúm gia cầm tái đi tái lại trong chăn nuôi nhiều năm khiến người tiêu dùng luôn cảm thấy bất an. Có thể nói, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ngày càng được người dân quan tâm và mong muốn có sản phẩm thật sự an toàn.

Trong chăn nuôi, dịch bệnh xuất hiện ngày càng nhiều nên vấn đề an toàn dịch bệnh là bước đi đầu tiên để khép kín các khâu trong chuỗi ATVSTP. Từ tháng 8-2007, Công ty Chăn nuôi và Chế biến Thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood) thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) thực hiện dự án sản xuất thịt heo an toàn với sự tài trợ của Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM.

Trước đó, Sagri đã hợp nhất các thành viên trực thuộc (Xí nghiệp Chăn nuôi heo Đồng Hiệp, Phước Long, cùng Nhà máy Thức ăn gia súc An Phú và XN Chế biến Thực phẩm Nam Phong, bao gồm Trung tâm giết mổ) thành Sagrifood nhằm hướng tới chuỗi thực phẩm an toàn. Đó là những bước đi nhằm hoàn chỉnh và hợp thức hóa các tiêu chuẩn trong chuỗi chăn nuôi khép kín mà Sagrifood áp dụng. Thịt heo nuôi theo quy trình khép kín này đạt tiêu chuẩn về vi sinh, kháng sinh, không chứa chất kích thích...

Sở Y tế TPHCM đã chứng nhận các khâu như cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến thực phẩm Nam Phong là những cơ sở đủ điều kiện tham gia chuỗi thực phẩm an toàn từ năm 2010. Nhưng quả thực, những sản phẩm này đến nay không phải người tiêu dùng nào cũng biết.

Theo lãnh đạo Sagrifood, khó khăn trong tiếp cận người tiêu dùng là ở khâu phân phối và tập quán tiêu dùng thích sử dụng thịt tươi hơn chế biến. Ngoài 4 cửa hàng của công ty tiêu thụ khoảng 20% sản phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến, còn lại phải dựa vào hệ thống các siêu thị như BigC, Metro, Lotte, nhưng chủ lực vẫn là Co.opMart, hiện nay thêm chuỗi cửa hàng Co.op Food. Năm nay, dù kinh tế khó khăn, sức mua suy giảm, lượng sản phẩm của Sagrifood bán ra vẫn tăng hơn năm rồi từ 2% đến 15% tùy loại.

Có thể nói, người tiêu dùng chú ý nhiều hơn sau sự cố chất kích thích tạo nạc là dấu hiệu tích cực. Sagrifood đang liên kết với những đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá của TP như Xí nghiệp chế biến thực phẩm Cầu Tre, Phú An Sinh, Huỳnh Gia Huynh Đệ để mở rộng khâu phân phối. Điều này cũng như rau an toàn, hiện nay đã xuất hiện một số đơn vị xây dựng chuỗi liên kết từ trang trại đến bàn ăn nhưng chưa được nhiều người biết đến cũng do vướng khâu phân phối.

Trong khi đó, cách làm của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (CPVN) là một mô hình khác để tạo ra chuỗi thực phẩm an toàn theo kiểu 3F (feed-farm-food). Nhưng cũng như Sagrifood, để đến tay người tiêu dùng cũng là vấn đề mà CPVN phải hướng đến thời gian tới sau khi khép kín quy trình 3F như Tập đoàn CP đã thành công ở Thái Lan.

Bên cạnh hệ thống siêu thị, CPVN đặt mục tiêu mở 10.000 cửa hàng, gồm riêng của công ty, nhưng chủ yếu là liên kết với người dân để mở cửa hàng và ki ốt gà quay. Hiện đã có 300 điểm bán tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng... Có thể nói đây là giai đoạn ngành chăn nuôi phải lấy chất lượng và ATVSTP làm mục tiêu, không chỉ đáp ứng nhu cầu mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự bền vững của ngành chăn nuôi.

Việc sản xuất thịt an toàn đạt tiêu chuẩn quốc tế (Codex), không chỉ đáp ứng nhu cầu xã hội mà còn là cơ sở để ngành chăn nuôi vượt qua áp lực canh tranh khi hội nhập, không thua trên sân nhà, tiến tới xuất khẩu như Công ty CPVN xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm tại Khu Công nghiệp Phú Nghĩa, Hà Nội.

Đăng Lãm

Tin cùng chuyên mục