Chứng khoán thoái trào?

Chứng khoán thoái trào?

(SGGP-12G).- Trong tuần trước, chỉ số VN-Index giảm điểm 3 trong 5 phiên giao dịch khiến giới đầu tư bắt đầu lung lay niềm tin về khả năng tăng trưởng tiếp của thị trường sau giai đoạn sốt giá nóng hơn 3 tháng. Liệu đã đến lúc giá chứng khoán thoái trào và xu hướng này sẽ kéo dài bao lâu?

Tuần giảm điểm đầu tiên trong 2 tháng

Thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) cho thấy, trong tuần qua, chỉ số VN-Index sụt giảm tổng cộng 34,37 điểm, tương đương 6,47% và đóng cửa hôm thứ sáu tại 475,22 điểm. Đây là tuần giảm điểm đầu tiên của chỉ số này sau 7 tuần trước đều bứt phá tăng mạnh. Tương tự, tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC), chỉ số HASTC-Index cũng rớt 15,06 điểm (-8,23%) xuống chỉ còn 167,86 điểm.

Giao dịch ở một sàn chứng khoán. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Giao dịch ở một sàn chứng khoán. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Khối lượng và giá trị giao dịch trên cả 2 thị trường cũng có sự thoái trào mạnh khi HOSE chỉ giao dịch 290,6 triệu chứng khoán (trị giá 10.776 tỷ đồng), sụt giảm tương ứng 12,45% và 13,62%. Trong khi đó, trên sàn HASTC, khối lượng mua bán giảm 27,35% với hơn 148 triệu cổ phần được giao dịch, tương đương mất 33,2% giá trị khi chỉ đạt 5.219 tỷ đồng, thua khá xa so với con số 7.812 tỷ đồng trong tuần trước đó.

“Giảm giá, giảm khối lượng giao dịch, đó là tín hiệu suy giảm của thị trường. Bản thân tôi đã khuyến cáo các khách hàng của mình bán dần cổ phiếu trong tuần trước”, ông Phan Thanh Tường - Trưởng phòng môi giới CTCP Chứng khoán Phú Hưng, Chi nhánh Tân Bình nhận định. Bà Võ Thị Xuân Trang - Trưởng phòng Môi giới CTCP Chứng khoán Đà Nẵng (DNSC) cũng có chung nhận định: “Thị trường sẽ giảm và tôi cho rằng các nhà đầu tư nên xem xét bán ra các cổ phiếu ít thanh khoản trước khi cổ phiếu VCB của Vietcombank lên sàn”.

Lo lắng về hiện tượng “tuyết lở”

Trong phiên giao dịch đầu tuần, sáng nay, 22-6, chỉ số VN-Index lại tiếp tục giảm mạnh 13,24 điểm, xuống 461,98 điểm ngay đợt khớp lệnh mở cửa. Các lệnh bán nhanh chóng chuyển sang ưu thế áp đảo tại những mã lớn như STB, SSI, SAM, PVF…

Ông Phan Thanh Tường lo ngại: “Tôi hy vọng ngày mai thị trường sẽ giữ được mốc 450 điểm để bật lên. Nếu không, VN-Index có thể tụt sâu về 400 điểm hoặc xấu hơn”. Theo ông Tường nhận xét, hiện các tổ chức đã bán ra cổ phiếu khá nhiều và chỉ còn nhà đầu tư cá nhân đang giữ lại. Đáng lo ngại hơn, lúc giá chứng khoán tăng cao, hầu hết các công ty chứng khoán đã mở lại các nghiệp vụ như cho vay cầm cố, bảo chứng và bơm thêm tiền cho nhà đầu tư.

Băn khoăn của nhà đầu tư trước bảng điểm thị trường chứng khoán. Ảnh: Đức Trí

Băn khoăn của nhà đầu tư trước bảng điểm thị trường chứng khoán. Ảnh: Đức Trí

“Vì vậy, nếu giá chứng khoán tụt nhanh 20%-30% trong vài ngày tới, sẽ có một lượng lớn cổ phiếu bị bán tháo để thanh lý, đó sẽ là rủi ro đáng kể cho thị trường trong ngắn hạn”, ông Tường cho biết thêm. Đây là hiện tượng từng xảy ra hồi đầu năm 2008 và là nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán lâm vào cảnh khủng hoảng không thể chặn lại.

Tuy nhiên, đại diện một số công ty chứng khoán khác lại trấn an vì tuy có triển khai trở lại các nghiệp vụ cho vay nhưng số vốn vay là không nhiều. Các công ty chứng khoán vẫn còn thận trọng với thua lỗ năm trước và vì vậy đa phần vốn trên thị trường đang là của chính các nhà đầu tư.

Báo cáo phân tích thị trường của Công ty quản lý quỹ đầu tư An Phúc (An Phuc Investment - API) đưa ra thông tin về việc khối nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục bán ròng ở cả 5 phiên tuần trước và là tuần thứ 2 liên tiếp khối này tăng bán. Hàng loạt các tổ chức như Dragon Capital, PXP Asset Management, Wareham Group Limited… đã đăng ký bán và bán ra khối lượng lớn nhiều cổ phiếu trong thời gian ngắn trở lại đây.

Ông Trần Văn Nhiên - chuyên viên phân tích của API - đưa ra dự báo: “Nếu thị trường vẫn không thể “bật dậy” để bắt đầu cho xu hướng tăng điểm tiếp theo hoặc chuyển vào giai đoạn giao dịch cầm chừng thì chúng tôi cho rằng nhà đầu tư cần phải cẩn trọng với xu hướng giảm điểm theo hiệu ứng tuyết lở”.

Nói cách khác, thị trường có thể thoái trào khi một số “tảng băng” lớn là các mã dẫn dắt thị trường rớt điểm làm rớt giá trên toàn thị trường. Tuy nhà đầu tư vẫn có nhiều hy vọng vì “đáy” khủng hoảng của nền kinh tế lẫn thị trường chứng khoán đã thật sự đi qua nhưng lo lắng về một đợt giảm nhanh như các dự báo sau giai đoạn sốt nóng là điều nhà đầu tư phải cân nhắc.

TƯỜNG CHÂU

Tin cùng chuyên mục