Tân Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn: Đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại

Tân Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn: Đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại

Bên hành lang kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, ông Vũ Viết Ngoạn, tân Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã cởi mở chia sẻ với báo giới về những thách thức của công việc giám sát tài chính, về yêu cầu cơ cấu lại hệ thống các ngân hàng thương mại cũng như những biến động nóng bỏng trên thị trường vàng và ngoại tệ. Ông Vũ Viết Ngoạn nhận định:

Tác động qua lại, đan xen của các định chế tài chính như bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng... là rất lớn. Do đó, từ góc nhìn của một cơ quan giám sát chuyên ngành sẽ khó phát hiện ra được hết những lỗ hổng nên cần có sự phối hợp. Trong khi chưa có mô hình giám sát hợp nhất thì Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia là cơ quan đầu mối cho sự phối hợp này. Thêm vào đó, để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tức là đưa ra những cảnh báo về sự bất ổn trong từng định chế tài chính - mà những rủi ro của từng định chế có thể dẫn đến rủi ro cho cả hệ thống, phải có sự cảnh báo từ rất sớm từ một cơ quan nào đó. Ủy ban giám sát phải làm việc ấy.

Giao dịch tại Ngân hàng Eximbank. Ảnh: CAO THĂNG

Giao dịch tại Ngân hàng Eximbank. Ảnh: CAO THĂNG

- PV: Cá nhân ông thấy để việc giám sát tài chính đạt hiệu quả cao nhất nên áp dụng mô hình nào?

Ông VŨ VIẾT NGOẠN: Có cơ quan điều phối chung, có một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban điều phối; thành phần có các tiểu ban là những người đứng đầu của các cơ quan được giao nhiệm vụ thực thi giám sát là ngân hàng, tài chính…

- Trong kiến nghị của UB Kinh tế khóa XII gửi QH và trong các giải pháp 6 tháng cuối năm được Chính phủ đề ra đều đặt vấn đề tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Việc này nên làm thế nào?

Để làm việc này cần phải có quá trình vì tính chất phức tạp và nhạy cảm của nó. Đã đến lúc điều kiện tương đối chín muồi để có thể thực thi các giải pháp quyết liệt hơn. Giải pháp chung thì đã thực hiện như nâng vốn pháp định lên, áp tiêu chuẩn theo chuẩn mực an toàn quốc tế... Tới đây sẽ đi vào từng ngân hàng và cần thiết phải có đề án cụ thể hơn.

Trước khi khủng hoảng tài chính thế giới thì hệ thống tài chính của Việt Nam đã bị coi là yếu. Bây giờ trên thế giới người ta đang cơ cấu lại, tăng cường nâng cao năng lực hệ thống tài chính, thay đổi các tiêu chí an toàn... Việt Nam nếu không đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu thì khoảng cách càng tụt hậu. Cho nên đó là yêu cầu bức thiết.

- Cụ thể, việc tái cơ cấu nên theo hướng nào?

Phải làm thế nào để quy luật phát triển của thị trường được tôn trọng, nghĩa là “ông” nào yếu quá thì theo quy luật phải đào thải. Tất nhiên trong bối cảnh kinh tế khó khăn, xã hội vẫn có tâm lý e ngại rằng, nếu một ngân hàng đổ vỡ có thể gây ra sự đổ vỡ dây chuyền. Thời điểm hiện nay có thể chưa thích hợp lắm nhưng rồi đến một lúc nào đó mọi định chế, mọi tổ chức, cá nhân đều phải ứng xử theo quy luật của thị trường, “anh” nào tốt thì phát triển và ngược lại phải bị đào thải. Trong khi tạm thời chưa đến mức độ đó thì phải hỗ trợ cho họ với  cách thức phù hợp, đồng thời quản lý, kiểm soát họ để hạn chế hậu quả của sự đổ vỡ nếu xảy ra sau này.

- Những khó khăn gì đặt ra trong quá trình tái cơ cấu?

Khi nói đến tái cơ cấu thì bất cứ đối tượng nào đều khó khăn cả. Doanh nghiệp nhà nước khó khăn, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước cũng khó khăn và đối với định chế tài chính thì càng khó khăn hơn, bởi tính chất của định chế tài chính là phức tạp và nhạy cảm. Tôi muốn nhắc lại là không thể nóng vội được. Có thể áp dụng các tiêu chí chung như quốc tế nhưng cần xây dựng lộ trình, kế hoạch dài hạn và cần có mốc từng thời gian một để đạt được các tiêu chí đó, nếu không tính khả thi sẽ thấp.

- Một trong các kiến nghị của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia là giảm tác động mệnh lệnh hành chính trong hoạt động ngân hàng. Ông có thể nói rõ hơn về kiến nghị này?

Đây là vấn đề đang được tranh luận hết sức sôi nổi tại nghị trường. Có quan điểm là tôn trọng quy luật thị trường nhưng cũng có nhiều ý kiến cho là chưa thể thực hiện được trong điều kiện hiện nay mà phải sử dụng cả công cụ hành chính. Tôi cho rằng hiện nay cần áp dụng biện pháp hành chính nhưng lâu dài thì không hiệu quả mà cần áp dụng các biện pháp chính sách và biện pháp kinh tế.

- Cá nhân ông cho rằng kịch bản lãi suất - lạm phát từ nay đến cuối năm sẽ như thế nào?

Chính sách tiền tệ là công cụ vĩ mô, trong đó quan trọng là lãi suất. Tăng lãi suất để giảm nhu cầu vay tiền và tăng sức hút gửi tiền. Khi nào lạm phát giảm thì công cụ này sẽ được nới lỏng, chứ còn hiện nay thì chưa thể được.

Chính phủ cũng mong muốn - và có lẽ các nhà kinh tế cũng như rất nhiều người - đều mong muốn làm thế nào để lãi suất thấp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh tốt. Nhưng phải nhìn nhận trước hết chính sách tiền tệ phải thực hiện mục tiêu là chống lạm phát. Cái thứ hai là phải tăng cường quản lý giám sát hoạt động thị trường ngân hàng. Như đã nói, một số ngân hàng do năng lực tài chính yếu, quản trị rủi ro yếu cho nên họ lâm vào tình thế thanh khoản khó khăn, vì vậy họ huy động với bất kỳ lãi suất nào để đáp ứng nhu cầu tài chính, vô hình trung “ép” các ngân hàng khác phải chạy đua nâng lãi suất, nhất là trong giai đoạn chính sách tiền tệ đang thắt chặt.

Cho nên đi liền với tập trung ổn định kinh tế vĩ mô để có thể hạ lãi suất thì phải quản lý thị trường, quản lý hệ thống ngân hàng cho tốt. Ngay cả từng ngân hàng cũng phải quản lý chặt chẽ chi phí của mình, nếu không thì giá vốn cao và lãi suất cũng sẽ cao.

Anh Thư ghi

Tin cùng chuyên mục