Ngân hàng nhỏ đuối sức

Áp lực bủa vây ngân hàng nhỏ
Ngân hàng nhỏ đuối sức

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra nhiều phương án khá quyết liệt để đưa trần lãi suất tiền gửi về 14%/năm và đang được thực hiện ráo riết nhưng vẫn có những thông tin về việc “vượt rào” của một số tổ chức tín dụng (TCTD). Vấn đề đặt ra hiện nay là khi cùng mức lãi suất huy động thì liệu các ngân hàng nhỏ có thể cạnh tranh nổi khi có quá nhiều áp lực bao quanh họ? Ngoài ra, mục tiêu tái cơ cấu hệ thống ngân hàng bằng cách giảm số lượng ngân hàng liệu có được xem là phương pháp khả thi trong bối cảnh hiện nay?

Với trần lãi suất mới, các ngân hàng nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Cao Thăng

Với trần lãi suất mới, các ngân hàng nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Cao Thăng

Áp lực bủa vây ngân hàng nhỏ

Sau khi thông điệp phát đi vào ngày 7-9 tại Chỉ thị số 02/CT-NHNN về chấn chỉnh việc thực hiện quy định mức trần lãi suất huy động ở mức 14%/năm, vấn đề đưa lãi suất tiền gửi xuống 14%/năm đã trở thành quyết tâm cao nhất trong toàn hệ thống ngân hàng hiện nay.

Sự quyết liệt thể hiện trong việc đi kèm với Chỉ thị 02 lần này là biện pháp xử lý mạnh tay nếu TCTD vi phạm quy định. Cụ thể như đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức vụ của người quản lý, người điều hành TCTD hay hạn chế mở rộng phạm vi, quy mô, địa bàn hoạt động của TCTD trong thời hạn 1 năm….

Tuy nhiên, chỉ sau 2 ngày quy định trần lãi suất huy động 14%/năm được đề ra, NHNN kiểm tra đột xuất một số TCTD tại Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Ninh Bình và TPHCM vẫn phát hiện một số dấu hiệu vi phạm. Theo đó, có 8 TCTD được nêu tên. Mặc dù chưa có kết luận chính thức từ NHNN nhưng trên các phương tiện truyền thông một đơn vị có liên quan đã thanh minh về việc “vượt rào” này.

Thực tế, một ngày sau khi NHNN phát đi thông điệp trần lãi sất 14%/năm, lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh trong ngày 8-9. Đã xuất hiện dấu hiệu về sự chèn ép của một số “anh cả” với ngân hàng nhỏ. Các ngân hàng thừa vốn đã đưa ra mức lãi suất cao làm cho lãi vay tăng khá mạnh, trong đó kỳ hạn ngắn thì lãi suất cao hơn. Mặc dù đến nay lãi suất liên ngân hàng đã giảm nhẹ hơn nhưng vẫn ở trên mức trần 14%/năm. Lãi suất trên thị trường này được ghi nhận ở mức 13-13,5% qua đêm, 14,3-14,5% kỳ hạn 1 tuần và 15,7-16,3% kỳ hạn 1 tháng.

Để giảm lãi suất đang huy động thực tế từ 18-20% đột ngột về 14% không phải là chuyện đơn giản. Sự khắc nghiệt càng thể hiện rõ rệt với các ngân hàng nhỏ, họ sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Bởi nếu cùng mức huy động 14% thì những người gửi tiền sẽ chọn các ngân hàng lớn. Để huy động được vốn ngân hàng nhỏ buộc phải lách luật bằng nhiều hình thức, nếu không có một chiến lược huy động vốn hiệu quả.

Trong một cuộc họp gần đây của NHNN đã có chủ trương thành lập nhóm 12 ngân hàng lớn, chiếm tới 85% thị phần, cùng với Ngân hàng Nhà nước, tạm gọi là “G12 + 1”,  với các chính sách kiểm soát chặt chẽ và xử lý vi phạm. Như vậy, 30 ngân hàng còn lại phần lớn là ngân hàng nhỏ đứng trước nguy cơ “bị loại ra khỏi cuộc chơi”.

Các ngân hàng cam kết thực hiện nghiêm trần lãi suất huy động 14%/năm. Ảnh: Cao Thăng

Các ngân hàng cam kết thực hiện nghiêm trần lãi suất huy động 14%/năm. Ảnh: Cao Thăng

Giảm số lượng ngân hàng: Có khả thi?

Trả lời báo chí, nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm từng phát biểu, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng phải bắt đầu từ ngân hàng nhỏ, có mức độ rủi ro cao bởi hầu hết các ngân hàng chủ yếu dựa vào hoạt động tín dụng, trong khi các sản phẩm, dịch vụ khác còn nghèo nàn, kém phát triển.

Mới đây nhất, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cũng đã công khai một lá thư gửi tới lãnh đạo của ngành tài chính, trong đó khuyến nghị cắt giảm 20% ngân hàng cổ phần. Theo VAFI, phải tái cấu trúc hệ thống ngân hàng một cách lành mạnh, muốn vậy, cần giảm 15-20% số lượng các ngân hàng thương mại cổ phần bằng việc sáp nhập, hợp nhất, giải thể và quốc hữu hóa thông qua việc các ngân hàng cổ phần nhà nước thâu tóm.

Theo tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TPHCM, trong bối cảnh hiện nay phải thừa nhận là ngân hàng nhỏ gặp nhiều khó khăn và bất lợi. Biện pháp hành chính đưa trần lãi suất về 14%/năm là cực chẳng đã, mà một khi đã dùng đến biện pháp hành chính thì sẽ nảy sinh mặt trái. Ngân hàng nhỏ phải tự chứng minh và tìm cách tồn tại. Hiện tại, phần lớn ngân hàng nhỏ ngoài việc vốn yếu thì năng lực quản trị còn kém. Hiệu ứng phụ của biện pháp hành chính này sẽ càng làm cho ngân hàng nhỏ yếu hơn.

Tuy nhiên, ngân hàng nhỏ cần phải lưu ý về 4 điểm mà họ phải nắm bắt. Một là, bên cạnh mức trần lãi suất 14%/năm, NHNN đã “tháo cổng” thông tư 13 ở con số 80% và 20%, tạo điều kiện cho dòng vốn thị trường liên ngân hàng chảy từ ngân hàng lớn sang nhỏ. Thứ hai là hoạt động tái cấp vốn vào thị trường liên ngân hàng được nới ra, hay nói khác đi là ngân hàng nhỏ vẫn còn thanh khoản để hoạt động. Điều thứ ba, với hoàn cảnh hiện nay buộc ngân hàng nhỏ phải phấn đấu để trở thành lớn. Cuối cùng, yêu cầu tái cấu trúc đang cấp thiết và bắt đầu với tái cấu trúc cơ chế, tiếp đến là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Do đó, các ngân hàng nhỏ nào không trụ được thì buộc phải đưa vào danh sách tái cấu trúc này, thậm chí loại ra khỏi hệ thống ngân hàng.

Dù hiện nay phần lớn ngân hàng đã tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng theo quy định đến cuối năm 2011 nhưng lộ trình sắp tới các ngân hàng thương mại phải có vốn điều lệ tối thiểu 5.000 tỷ đồng vào năm 2012 và 10.000 tỷ đồng vào năm 2015. Đây là quá trình tăng vốn quá nhanh. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường tài chính đang gặp nhiều khó khăn thì xu thế sáp nhập gần như khó tránh khỏi.

Gần đây, một số thông tin cho rằng NHNN sẽ tung ra 15.000 tỷ đồng, hỗ trợ vốn cho các ngân hàng nhỏ. Có vẻ NHNN đang ra tay để xử lý hiện tượng “quá nhiều ngân hàng nhỏ hiện nay”. Dù vậy, lộ trình giảm số lượng ngân hàng vẫn hết sức chông gai. Nguyên nhân là thiếu khung pháp lý cho việc giảm này, tiếp theo là các ngân hàng rất ít động lực để giảm nếu không có tác động từ bên ngoài.

Phú Thuận


Mạnh tay xử lý ngân hàng vượt rào

Chiều 15-9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Tây Ninh có Quyết định số 119 xử lý vi phạm huy động vốn vượt trần lãi suất 14%/năm tại Ngân hàng Đông Á (DongABank) chi nhánh Tây Ninh.

Theo đó, quyết định miễn nhiệm chức danh Giám đốc DongABank chi nhánh Tây Ninh đối với ông Nguyễn Thái Hậu. Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng NHNN cũng đã có Văn bản số 7235 yêu cầu DongABank không bố trí chức vụ quản lý, điều hành đối với ông Nguyễn Thái Hậu tại DongABank trong 3 năm; buộc bà Lâm Thị Minh Ánh, nguyên Trưởng phòng Kế toán DongABank chi nhánh Tây Ninh, thôi việc tại DongABank chi nhánh Tây Ninh. Trong thời hạn 1 năm kể từ ngày 14-9-2011, DongABank không được mở chi nhánh, phòng giao dịch, đặt máy ATM trong phạm vi toàn quốc. Ngoài ra, DongABank phải có văn bản cam kết thực hiện nghiêm túc Thông tư số 02 về huy động vốn của NHNN.

Cùng ngày NHNN cũng cho biết, ngày 9-9-2011, bà Nguyễn Thị Thủy gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn 1 tháng, số tiền 1 tỷ đồng với lãi suất 14%/năm tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) chi nhánh Ba Đình, tỉnh Thanh Hóa. Agribank chi nhánh Ba Đình không chi thêm cho khách hàng này bất kỳ khoản chi nào nhưng cán bộ tín dụng Bùi Thị Sáu đã tự ý dùng tiền cá nhân mua quà tặng cho khách hàng với số tiền mặt 1 triệu VNĐ, vi phạm quy định của NHNN. Agribank đã kỷ luật cảnh cáo, chuyển công tác khác, hạ bậc lương đối với bà Bùi Thị Sáu và bà Nguyễn Thị Huyền, cán bộ kế toán Agribank Ba Đình; khiển trách Giám đốc Agribank Ba Đình và Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Thanh Hóa.

Tương tự, ngày 9-9-2011 tại Phòng Giao dịch Tôn Đức Thắng chi nhánh Agribank Sài Gòn đã xảy ra trường hợp cam kết chi thêm ngoài mức lãi suất tiền gửi bằng VNĐ theo quy định của NHNN. Agribank đã quyết định cách chức Phó Giám đốc Phòng giao dịch của bà Nguyễn Thị Ngọc Lan; cảnh cáo Giám đốc Phòng giao dịch Tôn Đức Thắng; khiển trách ông Võ Việt Hùng, Giám đốc Agribank chi nhánh Sài Gòn.

M.Thảo

Tin cùng chuyên mục