Doanh nghiệp tiếp cận vốn vay: Nắng hạn gặp… hạn

Khó vay
Doanh nghiệp tiếp cận vốn vay: Nắng hạn gặp… hạn

Một biểu hiện nghịch lý rất rõ hiện nay là các doanh nghiệp (DN) khát vốn còn ngân hàng lại đang dư thừa vốn khả dụng. Hiện các DN đang phải vật lộn với việc tìm kiếm nguồn vốn để duy trì sản xuất, không thể tiếp cận được với vốn vay giá rẻ, ngay cả khi rất nhiều ngân hàng đã công bố các gói hỗ trợ với lãi suất thấp dưới 14%/năm.

Giao dịch tại Ngân hàng TMCP Phương Nam. Ảnh: Cao Thăng

Giao dịch tại Ngân hàng TMCP Phương Nam. Ảnh: Cao Thăng

Khó vay

Đã hơn 4 tuần, kể từ khi NHNN áp trần lãi suất huy động ở mức 15%/năm và mới đây đã kéo xuống 14%/năm nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN nhưng đến nay, đại đa số các DN nhỏ và vừa vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn vay giá rẻ.

Bà Đinh Thị Kim Cúc, Giám đốc DNTN Phước Thịnh Nhôm cho biết, 5 tháng đầu năm, đơn hàng của DN đã giảm 50% - 60% so với cùng kỳ những năm trước. Nhiều công trình đang triển khai phải dừng lại. Những dự án đã thực hiện xong, các đối tác cũng thanh toán nhỏ giọt. Tại nhiều dự án, DN này phải bỏ ra tiền tỷ để thi công, nhưng số tiền thanh toán đã bị “xé” nhỏ 30 - 50 triệu đồng/lần. Đây là nguyên nhân đẩy DN liên tục rơi vào cảnh thiếu vốn trầm trọng, buộc phải vay ngân hàng với mức lãi suất thỏa thuận, cao ngất ngưởng 28% - 29%năm.

Theo bà Cúc, kể từ khi NHNN quyết định giảm lãi suất cho vay, Phước Thịnh Nhôm vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn lãi suất 15%/năm. Mới đây, DN đã làm thủ tục vay gửi đến một số ngân hàng nhưng lãi suất cũng được chào ở nhiều mức khác nhau. Cụ thể, tại Ngân hàng Á Châu, lãi suất được gút lại ở mức 17,6%/năm nhưng tại Ngân hàng Kiên Long vẫn là 24%. “24% và 17,6% là mức lãi chênh lệch quá cao nên Phước Thịnh Nhôm đã phải chọn vay tại ACB dưới hình thức thế chấp tài sản”, bà Cúc nói.

Ông Trần Quốc Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty Sadaco, kiêm Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM cũng cho rằng, dù lãi suất được đưa về mức 15%/năm nhưng không phải DN nào cũng tiếp cận được nguồn vốn này. Để đảm bảo tính khả thi, hầu hết các ngân hàng vẫn xem mặt gửi vàng. Điều này đồng nghĩa, các DN có thực lực sẽ tiếp cận rất dễ với các nguồn vốn giá rẻ, thậm chí họ còn được vay ưu đãi dưới mức 15%/năm.

Với những DN nhỏ và vừa, khó vẫn hoàn khó! Đại diện Hiệp hội DN TPHCM thừa nhận, số DN nhỏ và vừa của TP thiếu vốn không ngừng tăng lên, còn số lượng DN tiếp cận được vốn vay lãi suất 15%/năm không đáng kể. Nguyên nhân chính là dù lãi suất giảm nhưng để vay được vốn, DN buộc phải có tài sản thế chấp. Trong khi đó, đặc thù của DN nhỏ và vừa là vốn kinh doanh bằng chính tài sản mà họ có được. Số tài sản này hiện đang nằm trong các ngân hàng, giờ muốn vay thêm lấy đâu ra tài sản để tiếp tục thế chấp?

Theo tính toán của các DN, trước đây lãi suất chỉ bằng một nửa và với số tiền được vay DN có thể quay vòng khoảng 5 - 7 lần, nay lãi cao nhưng không có đơn hàng nên DN có xoay xở giỏi cỡ nào cũng chỉ được chừng 3 lần là hết. Như vậy, dù lãi suất có hạ xuống 14% - 15%, việc vay vốn của các DN chỉ để duy trì và cầm cự chờ cho qua “cơn bĩ cực” chứ chưa có lời. Chỉ khi nào lãi suất quay về mức 10% - 11%, may ra DN mới có thể tích lũy chút ít.

Kén chọn khách hàng

Vốn khả dụng hiện nay ứ đọng trong ngân hàng quá nhiều nên các ngân hàng cũng đang phải tìm kiếm khách hàng để giải ngân. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng cho biết, không thể làm trái quy định và chỉ mặn mà với những DN ăn nên làm ra. Trong 5 tháng đầu năm 2012, mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng âm hoặc chỉ tăng trưởng khoảng 1% - 2%, trong khi năng lực tín dụng còn nhiều, đặc biệt là các ngân hàng nằm trong nhóm 1 và nhóm 2 (có mức tăng trưởng tín dụng 15% - 17%). Vì vậy, trong bối cảnh nợ xấu vẫn còn cao, hiện các ngân hàng cũng đang ráo riết tìm kiếm khách hàng có dự án kinh doanh khả thi, ăn nên làm ra.

Ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á cho biết, đa số các ngân hàng hiện nay thừa vốn. Ngân hàng huy động với lãi suất 11%/năm nhưng mua lại tín phiếu NHNN với mức lãi suất 4%/năm mà chưa chắc trúng thầu, cho vay trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) ở mức thấp như hiện nay nên sẽ lỗ. Theo ông Trần Phương Bình, hiện nay các ngân hàng đều muốn tăng trưởng tín dụng nhưng trong bối cảnh  này thì không dễ dàng vì khi cho vay, ngân hàng phải xem xét rất kỹ. Hiện nhiều ngân hàng cạnh tranh nhau tìm kiếm khách hàng tốt nhất để cho vay. Chính vì vậy, một số DN tốt sẽ được vay với lãi suất ở mức thấp nhưng còn số khác sẽ vẫn phải chịu lãi suất cao hoặc không được vay.

Theo ý kiến của một chuyên gia kinh tế, ngân hàng cũng là một DN nên các ngân hàng cẩn trọng trong việc cho vay nhằm đảm bảo an toàn và có lãi cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, các ngân hàng thời gian qua đã nhận quá nhiều đặc ân trong khi các DN khác không được hỗ trợ bao nhiêu. Biểu hiện rõ nhất là thời gian qua DN giải thể hàng loạt, còn ngân hàng đều lãi lớn.

Bà Trương Thị Thúy Nga, Giám đốc Vietcombank TPHCM cho biết, mặc dù không bị vướng nợ xấu nhưng Vietcombank vẫn rất dè dặt cho vay nhằm đề phòng trường hợp các DN đang ăn nên làm ra nhưng do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên sẽ bị tác động xấu, từ đó không đảm bảo khả năng trả nợ vốn vay của ngân hàng.

Hạnh Nhung - Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục