Ngân hàng chạy nước rút cuối năm

Gần kết thúc năm 2013, thế nhưng ước tính đến cuối tháng 10, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TPHCM mới tăng 5,5% (khoảng 902.500 tỷ đồng) so với cuối năm 2012 trong khi chỉ tiêu đặt ra là 12%. Các ngân hàng đang chạy nước rút để tiếp cận chỉ tiêu đặt ra. Hàng loạt các chương trình cho vay tiêu dùng, bất động sản… đã được các ngân hàng tung ra trong bối cảnh lượng vốn dồi dào nhưng không còn DN tốt để cho vay.
Ngân hàng chạy nước rút cuối năm

Gần kết thúc năm 2013, thế nhưng ước tính đến cuối tháng 10, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TPHCM mới tăng 5,5% (khoảng 902.500 tỷ đồng) so với cuối năm 2012 trong khi chỉ tiêu đặt ra là 12%. Các ngân hàng đang chạy nước rút để tiếp cận chỉ tiêu đặt ra. Hàng loạt các chương trình cho vay tiêu dùng, bất động sản… đã được các ngân hàng tung ra trong bối cảnh lượng vốn dồi dào nhưng không còn DN tốt để cho vay.

Khách hàng tìm hiểu vay mua sửa chữa nhà tại Ngân hàng An Bình. Ảnh: HUY ANH

Khách hàng tìm hiểu vay mua sửa chữa nhà tại Ngân hàng An Bình. Ảnh: HUY ANH

Tập trung cho vay cá nhân

Nhiều ngân hàng cho biết, thông thường, nhu cầu sử dụng vốn của các DN trong quý 4 luôn cao hơn so với 3 quý đầu năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường còn khó khăn, tồn kho tăng, sức mua yếu hiện nay thì cả phía DN và các ngân hàng đều thận trọng đi vay và cho vay. Chính vì thế, các ngân hàng đã mở rộng kênh tín dụng tiêu dùng. Theo các ngân hàng, đây là kênh cho vay có tăng trưởng cao và đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng bình quân cả năm các ngân hàng.

Ông Trần Ngọc Tâm, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nam Á, cho biết hiện nay không chỉ các ngân hàng cân nhắc cho vay mà các DN vay mới cũng rất ít, họ chỉ chủ yếu tập trung trả nợ. Ngay cả tiểu thương các chợ, hàng năm giờ này đã vay để lo hàng tết thì năm nay cũng kém sôi động hơn. Theo ông Tâm, bên cạnh những khách hàng quen thuộc và thật sự tốt của ngân hàng trong các lĩnh vực nông nghiệp, làng nghề, sản xuất trà, cà phê… thì ngân hàng này tập trung vào khối khách hàng cá nhân và tiêu dùng. Hiện nay, khách hàng cá nhân chiếm trên 60% tổng số khách hàng của Ngân hàng Nam Á.

Ngân hàng Sacombank cũng cho biết, Sacombank tập trung sâu hơn vào hệ khách hàng dân cư bán lẻ vì Sacombank có mặt tại 48/63 tỉnh thành trên cả nước. Với lợi thế này, đến tháng 9-2013, dư nợ tín dụng của ngân hàng này đã đạt 13%, trong đó 70% là khách hàng cá nhân. Để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 20% trong năm 2013, hiện Sacombank đang triển khai gói 1.000 tỷ đồng ưu đãi cho vay đối với các khách hàng cá nhân mua, xây dựng hoặc sửa chữa bất động sản. Theo đó, khách hàng có thể vay tối đa 100% giá trị mua, chuyển nhượng, xây dựng, sửa chữa nhà với số tiền vay ưu đãi lên đến 10 tỷ đồng và thời hạn vay tối đa 15 năm với lãi suất 6,99%/năm trong 3 tháng đầu tiên, 11,99%/năm cho 9 tháng tiếp theo và tiếp tục ưu đãi trong năm thứ 2. Ngân hàng An Bình (ABBank) đang triển khai gói ưu đãi cho vay cá nhân 1.300 tỷ đồng theo chương trình “Vay siêu tốc - Lộc liền tay” với lãi suất 8,99%/năm từ nay đến hết tháng 12-2013. Bà Vũ Thu Hằng, Phó Giám đốc khối khách hàng cá nhân ABBank, cho biết, tính đến hết tháng 10-2013, dư nợ cho vay bất động sản của ABBank tăng hơn 38% so với cuối năm 2012. “Vào dịp cuối năm, người dân luôn có xu hướng sửa sang nhà đón tết nên chúng tôi đẩy mạnh cho vay mảng này. Sau khoảng 1 tháng triển khai, ABBank đã giải ngân gần 243 tỷ đồng cho 326 khách hàng, trong đó gần một nửa là vay mua nhà - đất, xây, sửa chữa nhà”, bà Hằng cho hay.

Đảm bảo chất lượng tín dụng

Trước đây, lãi suất cho vay của khách hàng cá nhân thường cao hơn nhiều so với lãi vay của DN, ở mức 5% - 6%. Tuy nhiên hiện nay, khoảng cách này không chỉ thu hẹp đáng kể mà còn ngang bằng, thậm chí dưới mức 9%/năm. Điều này cho thấy các ngân hàng quá dư thừa vốn nên phải tìm cách cho vay, cụ thể thông qua kênh tín dụng tiêu dùng cá nhân. Đó cũng là nguyên nhân NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, thời gian qua, mảng cho vay cá nhân của hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP tăng cao, khoảng 40% so với cuối năm 2012.

Về cảnh báo mức độ rủi ro và tăng nợ xấu từ kênh cho vay cá nhân của NHNN chi nhánh TPHCM, lãnh đạo một ngân hàng TMCP lớn cho rằng, mức độ rủi ro cho vay cá nhân không cao bằng cho vay DN nhưng ngân hàng sẽ vất vả hơn trong việc triển khai, thực hiện, theo dõi nợ và quản lý vì lượng khách hàng cho vay cá nhân nhiều hơn DN. “Tuy nhiên, hiện các ngân hàng cũng đã tiếp cận, đánh giá và chọn lọc khách hàng tin tưởng để giải ngân chứ không cho vay ồ ạt”, vị lãnh đạo ngân hàng này nói. Lãnh đạo Ngân hàng Sacombank cũng cho biết, hầu hết các khoản vay của khách hàng tại Sacombank đều có tài sản đảm bảo và việc trích lập dự phòng được thực hiện đúng quy định. Bên cạnh đó, Sacombank cũng đã xây dựng được hệ thống quản lý rủi ro, vận hành thành công hệ thống xếp hạng tín dụng tự động nên chỉ tiêu an toàn vốn tốt, nhờ đó ngân hàng kiểm soát tỷ lệ nợ xấu khá tốt.

Liên quan đến cuộc chạy nước rút cuối năm, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Eximbank cho rằng, không chỉ riêng Eximbank mà tất cả các ngân hàng đã thực hiện mọi giải pháp để tăng trưởng tín dụng nhưng vấn đề là sức hấp thụ vốn của thị trường quá yếu nên mức tăng trưởng 12% của toàn hệ thống khó mà đạt được. “Trong bối cảnh khó khăn, huy động khoảng 7%, chi phí vốn thực tế của ngân hàng khoảng 8,5% nhưng nhiều khoản ngân hàng chỉ cho vay ở mức 6% mà cũng không còn nhiều DN tốt để cho vay. Chính vì thế, dư nợ của Eximbank đến hết 10 tháng chỉ tăng khoảng 8% so với cuối 2012. Chỉ tiêu đặt ra là 12% trong năm 2013 nhiều khả năng không đạt được thì thời gian còn lại của năm chỉ là 45 ngày”, ông Dũng cho hay.

Ông Dũng cũng chia sẻ thêm: Lợi nhuận trước thuế dự kiến cả năm 2013 của Eximbank sẽ đạt khoảng 1.500 đến 1.600 tỷ đồng, chưa tới một nửa so với kế hoạch đưa ra là 3.200 tỷ đồng. “Dư nợ giảm, lợi nhuận giảm, chúng tôi cũng muốn thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhưng dứt khoát không cho vay dưới chuẩn để đảm bảo chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu trong tương lai”, ông Dũng khẳng định.

HẠNH NHUNG

Tin cùng chuyên mục