Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình: Lãi suất sẽ tiếp tục giảm… ngay khi có thể

Tại Hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ ngân hàng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn được Thành ủy, UBND TPHCM và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức tại TPHCM ngày 5-4, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đưa ra nhận định, lạm phát hiện thấp hơn năm ngoái mặc dù có nhiều yếu tố cho thấy lạm phát vẫn có khả năng tăng trở lại. Tuy nhiên, GDP trong năm nay có thể cao hơn so với năm 2012, nếu kiềm chế lạm phát dưới 7% thì lãi suất tiền gửi có thể giảm về mức 7%/năm và lãi suất cho vay sẽ ở xung quanh mức 10%.

Tại Hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ ngân hàng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn được Thành ủy, UBND TPHCM và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức tại TPHCM ngày 5-4, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đưa ra nhận định, lạm phát hiện thấp hơn năm ngoái mặc dù có nhiều yếu tố cho thấy lạm phát vẫn có khả năng tăng trở lại. Tuy nhiên, GDP trong năm nay có thể cao hơn so với năm 2012, nếu kiềm chế lạm phát dưới 7% thì lãi suất tiền gửi có thể giảm về mức 7%/năm và lãi suất cho vay sẽ ở xung quanh mức 10%.

  • Nợ xấu có xu hướng tăng

Báo cáo với Thống đốc NHNN về hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, thị trường tiền tệ trên địa bàn TP 3 tháng đầu năm ổn định. Lãi suất dần có xu hướng giảm so với cuối năm 2012 ở mức 1,5% - 2%/năm. Riêng lãi suất cho vay, các ngân hàng đã áp dụng lãi suất không quá 12%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và hiện nay không quá 11%/năm, trong đó, một số ngân hàng đã áp dụng nhiều sản phẩm ưu đãi với lãi suất từ 8% - 9%/năm. Tín dụng 2 tháng đầu năm giảm 0,54%. Tuy nhiên, trong tháng 3-2013, tín dụng đã có tín hiệu phục hồi và tăng trưởng trở lại. Dự ước đến cuối tháng 3-2013, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP gần 858.000 tỷ đồng, tăng 0,81% so với cuối tháng 2-2013 và tăng 0,26% so với cuối năm 2012.

Liên quan đến cơ cấu lại nợ cho DN, ông Lâm cho biết đã điều chỉnh giảm lãi suất vay cũ về dưới 15%/năm, hiện dư nợ với lãi suất dưới 15%/năm trên địa bàn chiếm 83% - 85%. Nhiều chương trình kết nối ngân hàng và DN trên địa bàn TP đã có sức lan tỏa lớn giúp DN vượt khó khăn, đồng thời cũng là giải pháp để các ngân hàng tăng trưởng tín dụng hiệu quả. Ông Lâm cho biết, nợ xấu trên địa bàn TP là 50.915 tỷ, chiếm 5,98% tổng dư nợ. Trong đó, nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn) chiếm 62,8% tổng nợ xấu.

Sau khi nghe báo cáo, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, qua kết quả báo cáo về hoạt động ngân hàng cho thấy TPHCM có những tỷ lệ tăng trưởng cao hơn nhiều so với toàn quốc. “Đó là những kết quả hết sức khích lệ và cũng là tín hiệu mừng. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thống nhất rằng tín hiệu đó còn mong manh” - Thống đốc nhìn nhận. “Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước năm 2013 là tập trung phân loại nợ chính xác, trích lập đầy đủ, kiên quyết chống việc không trích lập đầy đủ mà vẫn chia cổ tức” - Thống đốc cho biết.

  • Lãi suất cho vay dưới 10%

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay DN vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay và đề xuất NHNN cần có chính sách tín dụng cho từng ngành, nên mở rộng đối tượng DN được ưu tiên trong tiếp cận vốn rẻ…

Ông Trần Đình Quyền, Công ty TNHH Điện hơi CN Tín Thành cho biết, DN của ông thuộc dạng ngành nghề cá biệt vì hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hơi sạch cung cấp cho các nhà máy sản xuất. Ban đầu, khi thành lập công ty vào năm 2010, ông cũng đi gõ cửa nhiều ngân hàng nhưng chỉ có Ngân hàng NN-PTNT chấp nhận cho vay. Ba năm qua, ngân hàng này cho ông vay 400 tỷ đồng. Đến nay DN đã sử dụng vốn hiệu quả. Tuy nhiên hiện DN ông vẫn gặp một số khó khăn trong tiếp cận vốn vì là ngành kinh tế đặc thù.

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Hùng Vương cũng phản ánh: “Chính sách tín dụng không định hướng cho từng ngành nghề thì DN sẽ còn nhiều khó khăn vì phải “bán lúa non”, đặc biệt là ngành thủy sản”. Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt kiến nghị: “Nên có những chính sách cho DN ngành công nghiệp vay dài hạn với lãi suất dưới 10%/năm”. Theo ông Thái, ngoài các chính sách về lãi suất cũng cần giảm thuế thu nhập DN, thuế VAT để DN trong nước có khả năng cạnh tranh với DN nước ngoài.

Tại đây, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Lê Ngọc Đào cũng phản ánh: qua công tác nắm bắt khó khăn của DN trên địa bàn cho thấy, thực tế nhiều DN còn vướng nợ cũ ở mức 15% - 19%/năm, bên cạnh đó, cho vay ngoại tệ với lãi suất 6% - 7% cũng là quá cao đối với DN trong thời điểm hiện nay. Tổng hợp ý kiến từ các DN, bà Đào kiến nghị NHNN áp dụng lãi suất cho vay như trần lãi suất huy động hiện nay. “Trần lãi suất huy động đã giảm về 7,5%/năm thì trần lãi suất cho vay nên dưới 10%/năm” - bà Đào đề xuất.

Phản hồi những ý kiến của DN và các sở, ngành, Thống đốc thừa nhận chưa có chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất hơi sạch mặc dù đây lĩnh vực đang được khuyến khích phát triển. “Về kiến nghị thế chấp sản phẩm hình thành trong tương lai của Công ty TNHH Điện hơi CN Tín Thành, Ngân hàng NN-PTNT nghiên cứu kỹ phương án, nếu thấy hiệu quả thì cho vay ngay mà điều kiện chính không phải phụ thuộc vào sản phẩm thế chấp” - Thống đốc chỉ đạo. Liên quan đến kiến nghị lãi suất cho vay nên giảm dưới 10%/năm, thống đốc cho biết đó cũng là mục tiêu của ngân hàng đang phấn đấu để hướng đến lãi suất cho vay hợp lý nhưng cũng điều chỉnh sát với diễn biến lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. “NHNN cũng quyết tâm để hạ lãi suất xuống, nếu có cơ hội nào hạ là sẽ hạ ngay” - Thống đốc nói.

Trong phần thảo luận giữa Thống đốc NHNN với DN và các tổ chức tín dụng, liên quan đến phản ánh của ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Hùng Vương về việc quy trình nuôi cá tra cần đến 9 tháng nhưng ngân hàng chỉ cho vay 4 tháng, Thống đốc Ngân hàng lập tức hỏi Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) lý do tại sao? Ngân hàng này chưa kịp trả lời thì ông Minh cho biết: “Vướng mắc trên không phải từ DN của chúng tôi!”.

Ông Minh giải thích: các ngân hàng hiện nay chưa có cơ chế vay dài hạn đối với DN đầu tư nuôi trồng vì không an tâm mà chỉ cho vay ngắn hạn từ 4 - 6 tháng chứ không có ngân hàng cho vay đến 1 năm. Sau khi nghe DN phân trần, Thống đốc khẳng định không có chuyện khống chế vay vốn lưu động như vậy. DN khi làm hồ sơ vay phải nêu rõ, nếu có nhu cầu vay 9 tháng mà ngân hàng chỉ cho vay 4 tháng thì cần phải làm rõ. Tại phần thảo luận, do không có DN nào phản ánh, nên Thống đốc nói ngay: Các DN phản ánh chung chứ không thấy DN nào thắc mắc với một ngân hàng nào cụ thể. Nếu DN sợ phản ánh sau này sẽ bị làm khó thì chỉ ngay tại đây, nếu có ngân hàng đó tôi sẽ xử luôn.

HẠNH NHUNG

Tin cùng chuyên mục