FED không tăng lãi suất - Lo kinh tế toàn cầu còn bất ổn

Sau cuộc họp chính sách 2 ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định không tăng lãi suất cơ bản và giảm các dự báo tăng lãi suất trong năm nay, với lý do tăng trưởng toàn cầu yếu hơn và bất ổn thị trường tài chính sẽ tác động nền kinh tế Mỹ.
FED không tăng lãi suất - Lo kinh tế toàn cầu còn bất ổn

Sau cuộc họp chính sách 2 ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định không tăng lãi suất cơ bản và giảm các dự báo tăng lãi suất trong năm nay, với lý do tăng trưởng toàn cầu yếu hơn và bất ổn thị trường tài chính sẽ tác động nền kinh tế Mỹ.

Tuyên bố ngày 16-3 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) cho biết giữ lãi suất cơ bản ở mức 0,25-0,5% và hy vọng với những điều chỉnh dần trong chính sách tiền tệ, hoạt động kinh tế sẽ mở rộng với tốc độ vừa phải và các chỉ số thị trường lao động sẽ tiếp tục củng cố. Tuy nhiên, tình hình kinh tế và tài chính toàn cầu tiếp tục đặt ra các rủi ro.

Chủ tịch FED Janet Yellen chủ trì cuộc họp báo tại Washington ngày 16-3-2016 sau cuộc họp chính sách 2 ngày. Ảnh: REUTERS

Cập nhật dự báo trung bình quý của các nhà hoạch định chính sách cho thấy lãi suất cơ bản sẽ ở mức 0,875% vào cuối năm 2016, nghĩa là tăng 0,5 điểm phần trăm trong năm nay, giảm từ dự báo tăng 1 điểm phần trăm trong tháng 12-2015.

Theo Bloomberg, tại cuộc họp báo ngày 16-3, khi được hỏi về thời điểm điều chỉnh lãi suất tiếp theo, Chủ tịch FED Janet Yellen cho biết: "Tháng 4 là để ngỏ. Sẽ có thêm dữ liệu về thị trường lao động và về các yếu tố khác liên quan lạm phát".

Neil Dutta, nhà kinh tế trưởng tại Renaissance Macro Research ở New York, cho biết trong lưu ý nghiên cứu: "Tuyên bố của FOMC và các dự báo kinh tế đi kèm cho thấy sự u ám. Việc đề cập các rủi ro toàn cầu đặt FED vào vai trò ngân hàng trung ương của thế giới. Trong vai trò này, FED cần phải làm cho lạm phát tăng vọt tại Mỹ để bù lại lạm phát giảm trong phần còn lại của thế giới".

Tăng trưởng toàn cầu yếu hơn dự báo đã làm giảm triển vọng của Mỹ và khiến các nhà đầu tư dự đoán tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ chậm hơn kể từ khi FED tăng lãi suất vào tháng 12-2015, lần đầu tiên trong gần một thập niên. Trong tháng 2, bà Yellen đã cho biết bất ổn thị trường đã thắt chặt "đáng kể" các điều kiện tài chính khi ép giá cổ phiếu xuống, khiến đồng USD mạnh lên và làm tăng chi phí vay.

FED cho biết, hoạt động kinh tế đã được mở rộng với tốc độ vừa phải, với chi tiêu hộ gia đình tăng trong bối cảnh đầu tư doanh nghiệp và xuất khẩu ròng "vừa phải". Trong khi lạm phát đã tăng những tháng gần đây, các biện pháp bù lạm phát dựa vào thị trường vẫn còn yếu.

Theo dự báo trung bình của các quan chức FED, lãi suất cơ bản sẽ ở mức 1,875% vào cuối năm 2017, giảm từ dự báo 2,375% hồi tháng 12-2015; dự báo cuối năm 2018 sẽ ở mức 3%, giảm từ dự báo trước là 3,25%; dự báo dài hạn ở mức 3,25%, giảm từ dự báo trước là 3,5%.

Các nhà hoạch định chính sách tiếp tục dự báo lạm phát sẽ sớm trở lại mục tiêu 2% của FED, trong khi dự báo lạm phát còn 1,2% trong năm nay, giảm từ dự báo trước là 1,6%. Lạm phát vẫn được dự báo tăng lên 1,9% trong năm 2017 và 2% trong năm 2018.

Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4,9% trong tháng 2 vừa qua và vẫn được dự báo 4,7% trong quý 4-2016; dự báo trung bình năm 2017 là 4,6%, giảm từ dự báo trước là 4,7%; năm 2018 là 4,5%, giảm từ dự báo trước là 4,7%.

FED nhắc lại rằng, chính sách tiền tệ vẫn linh động, qua đó hỗ trợ cải thiện hơn nữa các điều kiện thị trường lao động và đưa lạm phát trở lại 2%.

Bà Yellen và các cộng sự đã chỉ ra sự không chắc chắn trong triển vọng của Trung Quốc là một rủi ro đối với tăng trưởng của Mỹ.

Tuy nhiên, nền kinh tế nội địa Mỹ cơ bản vẫn vững chắc. Trong 6 tháng qua, việc làm tăng trung bình 235.000 trong khi tỷ lệ thất nghiệp phù hợp mục tiêu của FED về việc làm tối đa và các biện pháp về thất nghiệp dài hạn và tăng lương cho thấy thị trường lao động còn tăng trưởng.

Về lạm phát, có một số tiến bộ. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), mà mục tiêu của Fed là tăng 2% hàng năm, đã tăng 1,3% trong tháng 1 so cùng kỳ năm trước do giá năng lượng giảm, sau 13 tháng liên tục tăng ở mức dưới 1%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố ngày 16-3 cho thấy giá cả, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, trong tháng 2 đã tăng 0,3% so với tháng trước, nhiều hơn hơn dự kiến.

Giá dầu đã tăng khoảng 40% tính từ giữa tháng 2, khi giảm xuống mức 26 USD/thùng, thấp nhất kể từ năm 2003.

Thị trường chứng khoán Mỹ, vốn đã giảm hơn 10% tính từ đầu năm đến giữa tháng 2, cũng đã tăng lại, với chỉ số S&P 500 hiện chỉ còn giảm 1,4% trong năm nay tính đến ngày 15-3.

Trong khi đó, đồng USD, vốn mạnh lên trong năm 2015 làm hại xuất khẩu và giảm tăng trưởng của Mỹ, đã giảm khoảng 1,3% so với rổ tiền tệ chính kể từ ngày 31-12-2015.

Xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của FED trái ngược với tăng cường biện pháp nới lỏng ở nước ngoài.

Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) ngày 10-3 tung ra đợt kích thích kinh tế chưa từng thấy, bao gồm cắt giảm thêm lãi suất cơ bản đã ở mức âm, xuống âm 0,4% từ âm 0,3%. ECB là ngân hàng trung ương đầu tiên áp dụng lãi suất âm từ tháng 6-2014.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 15-3 quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản âm 0,1% áp dụng từ tháng 1 và cho biết có thể tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ vào cuối năm.

THIỆN NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục