Tăng cường ứng phó mặt trái cách mạng công nghiệp 4.0

Bộ Quốc phòng Singapore tổ chức hội nghị quốc tế về những tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0 đối với an ninh và quốc phòng, nhằm huy động tất cả các thành phần trong xã hội cùng tham gia hợp tác, ứng phó với mặt trái của cuộc cách mạng này.
Một cuộc diễn tập tại Singapore sử dụng robot phát hiện bom trên xe hơi
Một cuộc diễn tập tại Singapore sử dụng robot phát hiện bom trên xe hơi
Nhiều cơ hội mới

Hơn 400 quan chức chính phủ và chuyên gia khoa học công nghệ đến từ 17 quốc gia trên thế giới đã tham dự hội nghị từ ngày 27 đến 29-6 với chủ đề: “Sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với an ninh và quốc phòng” do Singapore tổ chức. 

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Điều phối an ninh quốc gia Singapore Teo Chee Hean nhấn mạnh, những thành tựu mới của khoa học kỹ thuật sẽ giúp tăng cường đảm bảo an ninh quốc phòng, nhưng cũng đồng thời tạo ra các nguy cơ và thách thức mới. Những cơ hội mới được xuất hiện bao gồm các công cụ phân tích dữ liệu và cảm biến mới, nâng cao khả năng đáp ứng từ xa, chính xác cho phép đối phó hiệu quả hơn với các mối đe dọa truyền thông hoặc truyền thống. Những công nghệ này đã được sử dụng để có hiệu quả tốt trên chiến trường và giảm thiệt hại tài sản.

Một thay đổi lớn khác là các công nghệ thương mại hiện nay thường tiến bộ nhanh hơn các giải pháp chuyên ngành về quốc phòng và an ninh. Chi tiêu về nghiên cứu và phát triển công nghệ của khu vực tư nhân đã vượt quá chi tiêu của chính phủ cho ngành này và chiếm hơn 3/4 tổng chi phí một số nền kinh tế chủ chốt của châu Á. Bên cạnh đó, nhiều công nghệ, sản phẩm thương mại như robot và thiết bị bay không người lái (UAV) có thể được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu quốc phòng và an ninh. 

Tạo nguy cơ mới

Tiến bộ công nghệ trong ngành công nghiệp 4.0 cũng phát sinh những thách thức và lỗ hổng mới mà cộng đồng quốc phòng và an ninh khu vực cần phải giải quyết.
Thế giới ngày càng dựa vào các hệ thống kỹ thuật số kết nối với nhau sẽ tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau mới. Các hệ thống lớn hơn và kết nối nhiều hơn làm tăng nguy cơ dễ bị tấn công có thể phát triển với tốc độ, quy mô lớn và gây thiệt hại trên toàn bộ hệ thống. Đặc biệt, các cuộc tấn công mạng có thể được thực hiện ẩn danh trên các hệ thống viễn thông, phát thanh hoặc ngân hàng của một quốc gia. Ví dụ như cuộc tấn công của mã độc WannaCry hồi tháng 5-2017 đã lây nhiễm 300.000 máy tại hơn 150 quốc gia chỉ trong vài ngày hoặc tạo ra các xáo trộn nhằm can thiệp nội bộ của một quốc gia gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.

Các cuộc tấn công mạng hiện nay có thể xảy ra trên tất cả các hệ thống thông tin điện tử, phát thanh hoặc ngân hàng của bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới. Theo đó, mọi người cũng dễ dàng nhận thấy các âm mưu hoặc ý đồ can thiệp vào tình hình chính trị nội bộ của các nước thông qua các cuộc tấn công mạng. Đối mặt với bối cảnh an ninh thay đổi và những thách thức mới, ngoài việc tăng cường các biện pháp nghiệp vụ truyền thống trong quản lý và giám sát, chính phủ cùng tất cả các giới chức, doanh nghiệp và học thuật trong xã hội cần tăng cường hợp tác, chia sẻ kiến thức, cũng như giải quyết các vấn đề quản lý và đạo đức liên quan đến việc sử dụng các công nghệ để ứng phó một cách hiệu quả hơn với những mặt trái của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tin cùng chuyên mục