Tăng cường xúc tiến thương mại, du lịch

Thời gian gần đây, TPHCM liên tục phối hợp với các địa phương lân cận (Lâm Đồng, Đắk Nông, Bến Tre, Đồng Tháp…) để xúc tiến về thương mại, du lịch nhằm mở rộng cơ hội hợp tác, làm giàu cho nền kinh tế liên kết, chia sẻ.
Du khách thích thú trải nghiệm sản phẩm du lịch Bến Tre
Du khách thích thú trải nghiệm sản phẩm du lịch Bến Tre

Có thế mạnh là trung tâm kinh tế, đầu mối tiêu thụ, trung chuyển hàng hóa các loại nên TPHCM luôn cần những đơn vị bạn hỗ trợ về nhiều lĩnh vực, bao gồm: nông nghiệp và phát triển nông thôn; công nghiệp và thương mại; văn hóa, thể thao, du lịch; hoạt động xúc tiền đầu tư… Cách đây ít ngày, Sở Công thương TPHCM đã ký kết tiêu thụ nông sản cho các doanh nghiệp, đầu mối nông sản tại tỉnh Đồng Tháp. Trước đó, tỉnh này cũng đã có nhiều ký kết hợp tác, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản, sản phẩm mây tre đan tại TPHCM… Về phía Sở Công thương TPHCM, đơn vị cam kết bao tiêu các sản phẩm nông sản dễ truy xuất nguồn gốc, sản phẩm đạt chuẩn chất lượng; qua đó, giúp hỗ trợ bà con nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, gia tăng lợi nhuận…

Tương tự, đối với thị trường tỉnh Bến Tre, từ năm 2009, TPHCM và tỉnh Bến Tre đã ký kết thỏa thuận chương trình hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực. Tiếp đến, trong giai đoạn 2018-2021, hai địa phương cũng sẽ có những bước hợp tác tiếp theo nhằm khai thác thế mạnh sẵn có của từng địa phương; mở rộng địa bàn hoạt động, sản xuất kinh doanh. Bến Tre phấn đấu trở thành vệ tinh trong chuỗi sản xuất hàng tiêu dùng, tuyến điểm về du lịch nhằm thu hút du khách đến từ TPHCM. Đổi lại, TPHCM sẽ hỗ trợ Bến Tre phát triển sản xuất nông nghiệp (lai tạo cây, con giống, chiếu xạ nông sản…). Thêm nữa, các trường đại học ở TPHCM cũng ký kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Bến Tre; các bệnh viện cũng chuyển giao công nghệ cho ngành y tế, hệ thống chẩn đoán trực tuyến giữa các bệnh viện… 

Ghi nhận tại khu vực Tây Nguyên, TPHCM cũng liên kết, hợp tác chặt chẽ với 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông về việc từng bước tăng thị phần, tiêu thụ sản lượng nông sản an toàn… Phấn đấu tới năm 2019, hầu hết sản phẩm nông sản chủ lực của Lâm Đồng sẽ kiểm soát, truy xuất được nguồn gốc. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, địa bàn hiện có trên 58.000ha trồng rau với sản lượng hơn 2,2 triệu tấn, hơn 2 tỷ hoa cắt cành các loại… Hiện thị trường TPHCM đang tiêu thụ khoảng 60% sản lượng rau, hoa, chè (trà), cà phê của tỉnh Lâm Đồng thông qua hệ thống siêu thị, nhà hàng, chợ đầu mối… Với thị trường Đắk Nông, lễ hội “Mùa bơ chín 2018” vừa diễn ra đã thu hút rất nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp TPHCM, đến tham quan, tìm hiểu. Bởi thị trường tiêu thụ bơ, trái cây các loại tại TPHCM rất lớn. Chia sẻ thêm với các cơ quan truyền thông, bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, cho rằng tỉnh Đắc Nông có tiềm năng về du lịch nên thời gian tới Hiệp hội Du lịch TP sẽ có những chương trình kết nối dài hơn để phát triển du lịch tại vùng đất Tây Nguyên này.

Tin cùng chuyên mục